Con hôn mê, mẹ không ngờ đến bệnh tiểu đường

09/10/2016 - 06:35

PNO - BS Diễm Thúy cho biết, khi mắc bệnh tiểu đường, đồng nghĩa với việc trẻ phải mang “án treo” suốt đời, vì phải thường xuyên uống thuốc hoặc tiêm insulin.

Theo bác sĩ (BS) Hoàng Thị Diễm Thúy, trưởng khoa thận - nội tiết, bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, nhiều người quen nghĩ tiểu đường (TĐ) là bệnh của người già nên kể cả khi con có triệu chứng điển hình, phụ huynh vẫn cho là con mình mắc bệnh khác. Có khoảng 50% trường hợp phải đến tận khi trẻ rơi vào rối loạn tri giác, hôn mê, được người nhà đưa đến BV cấp cứu thì mới phát hiện trẻ bị TĐ.

Ăn nhiều, tiểu nhiều, sụt cân: coi chừng tiểu đường

Thật ra, nếu chỉ nhìn bề ngoài, người không chuyên môn không thể nhận biết trẻ nào đang mắc bệnh TĐ. Trong một lần đến BV Nhi Đồng 2, thấy một người mẹ đang “vật lộn” với cậu con trai 16 tháng ở hành lang khoa Thận - nội tiết, vì cháu không chịu phun khí dung, tôi đến phụ một tay.

Hỏi bé bệnh gì, người mẹ thở dài: “Mới bây lớn mà bị TĐ”. Chị kể, trước đây bé ăn, ngủ, bú bình thường, nhưng vào khoảng tháng 7/2016, bé bỗng dưng bú rất nhiều, uống nước nhiều và đi tiểu nhiều, có khi mới 30 phút là tiểu một lần, đêm phải thay tã ba-bốn lần, lại cứ khóc đòi uống sữa, nước.

Chị nghĩ con tiểu nhiều là do ăn uống nhiều nên thậm chí còn mừng, vì trước đó bé chỉ bú mỗi ngày bốn-năm cữ sữa, mỗi lần 180ml. Tuy nhiên chị vẫn thắc mắc là bé uống sữa cả chục lần/ ngày nhưng cứ khóc đòi sữa, nước; lại không tăng cân mà còn sụt gần 1kg.

Chị định cho con đi khám dinh dưỡng thì bé bị ho, sốt, ói, mệt đừ rồi mê man. Vợ chồng chị đưa con vào BV Nhi Đồng 2 cấp cứu, cứ nghĩ con bị ngất là do sốt, ói. Đến khi BS thử máu cho biết bé bị TĐ týp 1, biến chứng cấp tính là nhiễm toan ceton nên hôn mê khiến vợ chồng chị thật sự bàng hoàng.

Tương tự, chị Nguyễn Bích Chi, ở Q.2, đã chết sững khi nghe BS kết luận cậu con trai 4,5 tuổi vốn rất khỏe mạnh, ít bệnh vặt, mắc bệnh TĐ týp 2. Là con một, cháu đích tôn nên bé Ken được cả gia đình rất cưng chiều. Tuy bé bị béo phì nhưng vẫn được cho ăn gà rán, uống nước ngọt nên mới 4,5 tuổi bé đã nặng 38kg.

Muốn giảm cân cho con mà không được, nên gần đây thấy con hơi “mi nhon” lại, chị đã mừng thầm. Thế nhưng, một hôm sau khi ăn sầu riêng với mẹ khoảng một giờ, bé than mệt, nghĩ con ăn không tiêu nên chị cho uống men tiêu hóa. Rồi con than mắt mờ, không nhìn rõ, người cứ lừ đừ, chị phát hoảng, đưa vào BV thì bé bị hôn mê. BS cho biết đường huyết của bé lên quá cao đã làm cho mắt mờ.

Con hon me, me khong ngo den benh tieu duong
Bé Lê Minh H. bị tiểu đường sơ sinh, đang điều trị tại BV Nhi Đồng 2

BS Diễm Thúy cho biết, khi mắc bệnh TĐ, đồng nghĩa với việc trẻ phải mang “án treo” suốt đời, vì phải thường xuyên uống thuốc hoặc tiêm insulin. Trước đây, bệnh TĐ ở trẻ em và thanh thiếu niên hầu hết là týp 1 - là TĐ lệ thuộc insulin do tuyến tụy mất khả năng sản xuất insulin mà cơ thể cần để sinh tồn, nên phải bổ sung insulin suốt đời cho người bệnh (loại TĐ này không phải do ăn quá nhiều đường mà sinh bệnh).

Còn hiện nay, bệnh TĐ týp 2 đang có xu hướng tăng lên. Bệnh có nguyên do từ lối sống kém vận động, ăn nhiều tinh bột, đường khiến trẻ béo phì. Cũng như người lớn, trẻ bị TĐ nếu không kiểm soát tốt đường huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: mờ mắt, ảnh hưởng tim mạch, suy gan, suy thận… trong đó biến chứng cấp tính thường gặp là nhiễm toan ceton khiến trẻ rơi vào hôn mê. Còn khi trẻ bị hạ đường huyết sẽ khiến oxy lưu thông lên não kém, làm trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Sai lầm của phụ huynh

Vì đây là bệnh “chung thân” nên việc điều trị và chăm sóc cho trẻ cực kỳ quan trọng, trong đó, việc kiểm soát chế độ ăn uống là điều kiện tiên quyết. Thế nhưng, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể tự đưa mình vào khuôn khổ, chấp nhận việc chọn lọc thực phẩm tốt - xấu cho sức khỏe.

Do đó, phụ huynh phải sớm nhận diện được dấu hiệu của bệnh và kiểm soát bệnh của con. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con bị TĐ thường mắc sai lầm là quên hoặc không cho con uống thuốc đều đặn, thấy đường huyết của con tạm ổn thì ngưng điều trị, cho con ăn uống thoải mái vì “kiêng khem tội nghiệp”.

Theo BS Diễm Thúy, tuy đây là bệnh cần kiêng đường, bột… nhưng không có nghĩa là trẻ bị “cấm” triệt để. Vẫn có thể linh hoạt cho trẻ ăn một ít bánh kem, thỉnh thoảng uống nước ngọt, sau đó sẽ giảm khẩu phần ăn thường nhật, đồng thời tăng - giảm liều lượng insulin cho phù hợp.

Hiện có một sai lầm phổ biến là nhiều phụ huynh đã cho con uống các loại lá mật gấu, dây khổ qua rừng… để chữa bệnh như người lớn. TĐ týp 1 là do cơ thể không thể sản sinh được insulin nên không có hoa, lá, cây… nào thay thế được chức năng này. Đã có trường hợp ngưng tiêm insulin và cho con uống thuốc Đông y để đường huyết ổn định như TĐ týp 2 khiến con bị hạ đường huyết, hôn mê.

Bệnh TĐ ở trẻ có xu hướng tăng cao là do cha mẹ cưng chiều, “vỗ béo” con, kể cả khi con đã bị béo phì. Trẻ béo phì vốn lười vận động và thích ăn nhiều nên có nhiều nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, tim mạch và TĐ. Bệnh TĐ có những dấu hiệu dễ nhận biết, nhưng phụ huynh thường ít để ý.

Triệu chứng điển hình là đi tiểu thường xuyên, khát nước và uống nước nhiều, sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc. Ngoài ra, còn một số dấu hiệu khác như: nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da (do vi trùng sinh sôi nảy nở trong môi trường có nồng độ glucose cao); đau bụng; học lực giảm sút do cơ thể không khỏe; hay đói.

Đặc biệt, khi phát hiện muộn trẻ mắc bệnh TĐ hoặc khi bệnh có diễn tiến nhanh sẽ dẫn đến tình trạng trẻ mệt mỏi, kiệt sức. Khi đó, nồng độ đường và ceton trong máu tăng lên rất cao, trẻ bị mất nước nặng dẫn đến hôn mê.

BS Diễm Thúy cho biết, bệnh TĐ thường phát triển rất nhanh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên khi con có những dấu hiệu bất thường kể trên, phụ huynh cần đưa đi khám để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Hiện nay còn có một dạng TĐ “không týp 1, cũng chẳng týp 2” là TĐ sơ sinh do đột biến gen gây ra tình trạng tăng đường huyết. Bệnh này chỉ có thể chẩn đoán chính xác bằng cách chuyển mẫu ADN ra nước ngoài kiểm tra, chi phí rất cao.

Đây là trường hợp rất khó nhận biết vì trẻ bị TĐ từ khi nằm trong bụng mẹ, quá nhỏ để cho những chỉ dấu bệnh rõ ràng, trong khi cha mẹ cũng không nhận diện được sự khác thường, cho đến khi bệnh trở nặng.

Bé Lê Minh H., bốn tháng tuổi, ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, mới một tháng tuổi nhưng bú rất nhiều và tè liên tục. Thấy con bú liền liền mà không lên cân, còn ho, sốt 39 độ, thóp lõm sâu nên lúc bé 1 tháng 19 ngày, gia đình đưa vào BV huyện. BS thử máu, cho biết bé bị TĐ týp 1 và viêm phổi, cho chuyển lên BV tỉnh.

Sau đó, bé lại được chuyển lên BV Nhi Đồng 2. Nghi ngờ bé bị TĐ sơ sinh, BV lấy mẫu ADN gửi sang Anh kiểm tra. Kết quả đúng như dự đoán. Theo BS Diễm Thúy, trước đây trẻ sơ sinh bị TĐ thì được xếp vào nhóm TĐ týp 1 - nghĩa là phải chích insulin suốt đời.

Ngày nay, trẻ bị TĐ sơ sinh đã được “gỡ án oan”, vì chỉ cần sử dụng insulin đường uống đơn giản. Đặc biệt, TĐ sơ sinh không bị biến chứng như TĐ týp 1 và 2, dù có kiểm soát chặt chẽ đường huyết thì khoảng sau 20 năm phát bệnh cũng sinh ra biến chứng ở gan, thận. Các chuyên gia lưu ý, trong gia đình có trẻ bị TĐ sơ sinh thì khi sinh những bé sau phải cho tầm soát bệnh.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI