Cho con chuyến du lịch an toàn

07/04/2018 - 16:00

PNO - Sắp tới kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Sau đó không lâu trẻ bước vào kỳ nghỉ hè. Phụ huynh cần có kiến thức để giữ cho con an toàn, khỏe mạnh trong các chuyến du lịch cùng gia đình.

Theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, vào dịp nghỉ hè, đơn vị này tiếp nhận ít nhất vài chục bệnh nhi là khách du lịch.

Đuối nước là một trong những tai nạn trẻ em hay gặp nhất trong các kỳ nghỉ lễ; ngoài ra phải kể tới chấn thương do té ngã khi leo trèo (chủ yếu xảy ra ở các bé sống tại thành phố được bố mẹ cho về quê chơi), ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, sốc nhiệt…

Cho con chuyen du lich an toan
 

Túi y tế cơ bản

Với một chuyến đi xa, để tránh những sự cố bất ngờ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, làm hỏng cả hành trình, phụ huynh tuyệt đối không thể quên túi y tế du lịch bao gồm các vật dụng cơ bản như: thuốc hạ sốt cho trẻ, cặp nhiệt độ, oresol (phòng trường hợp tiêu chảy, sốc nhiệt cần bù nước), băng cá nhân, dung dịch sát khuẩn vết thương (sử dụng lúc bé chạy nhảy té ngã bị trầy trụa nhẹ).

Nếu bé đang bị bệnh cần tái khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi chơi xa, phụ huynh nhớ mang theo đủ thuốc bác sĩ đã kê toa, cho bé uống đúng cữ, tránh ham vui quá mà quên uống thuốc. Dầu xoa chống côn trùng và muỗi đốt cũng rất cần thiết, đặc biệt là những kỳ nghỉ ở vùng rừng núi.

Bổ sung đủ nước

Thời tiết vào hè oi bức, nhiệt độ ngoài trời rất nóng, trẻ em lại hay hiếu động nô đùa, uống không đủ nước rất dễ dẫn tới sốc nhiệt. Cha mẹ cần mang theo nước, nhắc nhở trẻ uống, tránh để tới lúc bé bị khát nhưng không có sẵn nước. Đi chơi xa, di chuyển nhiều nên rất khó bổ sung đủ rau xanh, trái cây, chất xơ cho trẻ. Bên cạnh đó, cộng thêm uống nước không đủ trẻ sẽ dễ bị táo bón, rối loạn đi tiêu.

Chuẩn bị và lựa chọn thực phẩm phù hợp

Thực phẩm trong suốt chuyến đi là điều các bà mẹ phải lưu ý. Mẹ là người hiểu bé nhất, con ăn được món nào, thức ăn nào không hợp, dễ bị dị ứng. Trong trường hợp trẻ khó ăn, hoặc không ăn được một số món, tốt nhất nên mang theo thức ăn dự phòng loại dễ bảo quản, phòng khi quán ăn không có món bé ăn được.

Chẳng hạn, nhiều bé dị ứng với hải sản, ăn đồ biển dễ bị rối loạn tiêu hóa, nổi mề đay, khi gia đình đi nghỉ ở vùng biển phụ huynh cần chủ động chuẩn bị đồ ăn khác cho con. Thức ăn chiên xào quá nhiều dầu mỡ cũng không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Du lịch có trẻ em đi cùng, mọi người nên cân nhắc chọn quán ăn phù hợp, có chỗ ngồi mát mẻ, sạch sẽ.

Cho con chuyen du lich an toan
 

Cảnh báo đuối nước khi đi bơi

Vui chơi ở hồ bơi, sông nước, tắm biển là điều mà bác sĩ Nguyên Anh đặc biệt cảnh báo phụ huynh, bởi khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ bị đuối nước. Phụ huynh hãy cho trẻ học bơi để trang bị thêm kỹ năng sinh tồn. Dù bé biết bơi hay chưa biết, người lớn không bao giờ được rời mắt khỏi trẻ. Trẻ em phải bơi đúng hồ.

Nhiều tai nạn xảy ra do bé đang chơi ở hồ nhỏ rồi tự chạy qua hồ lớn với anh/chị. Phụ huynh không được chủ quan phó mặc trẻ cho áo phao, từng có bé đuối nước do áo phao tuột ra. Các bậc cha mẹ phải tự trang bị kiến thức sơ cứu ban đầu trong trường hợp chẳng may trẻ bị ngạt nước. Điều này giúp bé có nhiều cơ hội được cứu sống hơn. 

Đến cơ sở y tế khám khi có dấu hiệu bất thường

Phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị dị ứng cho trẻ. Một số bé có cơ địa nhạy cảm, khi thay đổi môi trường, không gian sống, thậm chí nằm chăn mền lạ, tiếp xúc với phấn hoa, côn trùng, thực phẩm không quen cũng có thể dẫn tới bị dị ứng. Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng từ nhẹ đến nặng và cách điều trị cũng không giống nhau.

Tốt nhất hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng bệnh. Nhiều bệnh lý có biểu hiện na ná nhau, phụ huynh có thể nhầm lẫn, điều trị chậm trễ khiến bệnh tình bé thêm phức tạp, hậu quả khó lường.

Một kỳ nghỉ có trẻ em đi cùng khác với kỳ nghỉ chỉ toàn người lớn. Từ đó, mọi người cần lên kế hoạch cho chuyến đi thật phù hợp, từ chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ chơi. Trẻ không thích hợp với những chuyến đi đòi hỏi phải di chuyển quá nhiều, dịch vụ sơ sài, địa hình hoang sơ hiểm trở, các lễ hội quá đông người phải chen chúc cũng rất nguy hiểm (bé có thể bị ngạt hoặc đi lạc).

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI