Châm cứu chui, coi chừng... hết đường cứu!

22/01/2018 - 08:15

PNO - Mới đây, một nạn nhân đã phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị nhiễm trùng máu, viêm tủy xương, nghi ngờ do châm cứu gây ra, tiên lượng rất xấu.

Đây là tiếng chuông cảnh báo cho những người vẫn chủ quan đến với dịch vụ châm cứu đang “loạn” tại các spa, cơ sở massage và cả châm cứu tại nhà để trị bệnh… 

Bác sĩ kiêm... lễ tân (!)

Đó là trường hợp của anh T.V.S., 38 tuổi, ở Bình Phước, nghe mách bảo của người quen nên đến một phòng mạch tư châm cứu điều trị bệnh đau lưng. Kết quả, chỉ 2 giờ sau khi châm cứu anh sốt cao, được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu.

Các bác sĩ (BS) phát hiện bệnh nhân (BN) bị nhiễm trùng máu, viêm tủy xương đầu xương đùi trái, nguyên nhân có thể do châm cứu gây ra. BN hiện đang được truyền kháng sinh liều cao nhưng tiên lượng rất xấu. Nhận xét về các dịch vụ châm cứu “trôi nổi” hiện nay, BS Nguyễn Thanh Sang - Trưởng phân khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM nói: “Nhiều người quan niệm châm cứu là nghề gia truyền, chỉ cần châm kim vào huyệt đạo, không sử dụng thuốc men nên không nguy hiểm. Thật ra, nếu châm sai huyệt thì có thể gây chảy máu, nhiễm trùng, vựng châm (trạng thái sốc). Khi bị vựng châm, nếu không xử lý kịp thời, BN có thể tử vong. Cũng vì cách hiểu sai đó nên nhiều BN đã dễ dãi sử dụng các dịch vụ châm cứu thiếu tin cậy, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Cham cuu chui, coi chung... het duong cuu!
Không phải là cơ sở y tế nhưng tờ quảng cáo của spa này ghi rõ có y bác sĩ Đại học Y Dược TP.HCM trực tiếp điều trị bệnh - Ảnh: T.A.

Spa T.T. là một căn nhà lầu mặt tiền tại Tân Quy Đông, Q.7, TP.HCM, biển hiệu chỉ giới thiệu các kỹ thuật làm đẹp, chăm sóc da. Đón khách là một nam thanh niên lễ tân khoảng 27-28 tuổi. Trong khi massage cho chúng tôi, cô nhân viên kỹ thuật gợi ý dịch vụ châm cứu và điều trị cơ xương khớp theo y học cổ truyền (YHCT) của spa. Khách bị đau lưng, mỏi cơ spa có thể điều trị hiệu quả. BS chính là cậu thanh niên tên M. đang làm lễ tân đón khách”. 

Nghe chúng tôi nói nhà có người lớn tuổi đi lại khó khăn sau tai biến cần điều trị, BS M. tự giới thiệu chuyên ngành của mình là về cơ xương khớp, nhận định bệnh của người nhà chúng tôi chỉ là bị liệt thể mềm, có thể hồi phục nhanh. M. tư vấn chúng tôi nên đưa người nhà đến mỗi ngày, liên tục trong nửa tháng để điều trị, mỗi buổi khoảng 1 giờ, giá 200.000 đồng (đóng tiền 1 lần cho 5 buổi).

“Em sẽ châm cứu cho bà, kết hợp nắn chỉnh xương khớp”. M. khẳng định, châm cứu là kỹ thuật đơn giản, chỉ cần máy và bộ kim châm, quan trọng là có… BS thôi! Nhiều BN đã được điều trị thành công tại đây, phần lớn là người trẻ bị đau lưng. Trường hợp hạn chế vận động ở người già sau tai biến thì ít gặp”.

BS M. còn đưa cho chúng tôi tờ giấy bằng bìa cứng, in rõ nội dung điều trị chuyên khoa cơ xương khớp, nắn chỉnh cột sống, di chứng tai biến mạch máu não. Tuy không ghi tên cụ thể của BS nhưng in đậm dòng chữ: “Do y BS Đại học Y Dược TP.HCM trực tiếp điều trị”. Dịch vụ châm cứu, điều trị cơ xương khớp được thực hiện trên lầu của spa. BS M. không bán thuốc cho khách nhưng sẽ giới thiệu và có thể mua giúp.

Châm cứu… chui

Về hoạt động châm cứu của spa này và cách làm việc của BS M., BS của khoa YHCT một bệnh viện ở TP.HCM lắc đầu: “Chưa bàn tới chi tiết, chỉ riêng việc hành nghề y mà không có biển hiệu đã là không đúng quy định. BS YHCT hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề.

Mặt khác, BS hành nghề châm cứu và điều trị YHCT phải có 2 phòng riêng biệt cho BN nam và nữ, tuân thủ đúng các yêu cầu về cơ sở vật chất, máy móc, nhân lực và được Sở Y tế thẩm định, cấp phép. Để hành nghề, cơ sở còn cần cả hợp đồng với công ty chuyên về xử lý rác thải y tế. Với cách hành nghề đó, tôi thật sự không biết anh ta có phải là BS không hay chỉ là mạo nhận”. 

Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, qua lời kể của chúng tôi và xem xét tờ quảng cáo của spa T., có cả điều trị châm cứu, nắn chỉnh xương khớp, spa này đã có dấu hiệu vi phạm các quy định. “Spa là cơ sở làm đẹp, không phải cơ sở điều trị bệnh. Nếu có BS làm dịch vụ khám và chữa bệnh thì phải có biển hiệu ghi rõ thông tin, kèm theo số giấy phép đủ điều kiện hành nghề do Sở Y tế cấp. BS cũng phải có chứng chỉ hành nghề. BS mới ra trường không được hành nghề ngay mà phải trải qua thời gian thực hành theo quy định của ngành”.

Sau khi cho bộ phận chuyên môn rà soát lại thông tin, bà Huỳnh Mai chính thức xác nhận, không có BS nào được cấp chứng chỉ hành nghề và không có hoạt động khám chữa bệnh nào được cấp giấy phép tại địa chỉ nói trên. Spa là cơ sở làm đẹp, không thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế, nhưng nếu có hoạt động điều trị bệnh thì sở sẽ thanh tra và xử lý theo quy định pháp luật. Bà Huỳnh Mai khuyến cáo, mọi người chỉ nên đến khám chữa bệnh ở những cơ sở được ngành y tế cấp phép để tránh “tiền mất tật mang”. 

Có thể tử vong nếu châm cứu sai 

Nếu không thận trọng, việc châm cứu có thể gây ra những rủi ro: liệt, teo cơ (do châm thẳng vào dây thần kinh), nhiễm trùng vì vô khuẩn kim châm không đảm bảo, thậm chí tử vong nếu bị châm sai và quá sâu vào huyệt nguy hiểm. Để có chứng chỉ hành nghề, một BS YHCT phải học chuyên ngành 5 năm và trải qua quá trình làm việc 18 tháng tại một cơ sở y tế công lập có hoạt động châm cứu; được giám đốc của cơ sở y tế cấp giấy xác nhận, đề nghị Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu muốn mở cơ sở hành nghề, BS YHCT cần có thời gian làm việc tại cơ sở y tế công lập tính từ khi ra trường là 54 tháng. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang

Trưởng phân khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI