Cảm giác khó thở như bị bóp nghẹt cổ, coi chừng mắc bệnh nguy hiểm

09/05/2017 - 08:30

PNO - Bệnh xảy ra đột ngột và người bệnh dễ tử vong, lại xảy ra liên tục trong thời gian gần đây. Đặc biệt có khi bệnh không đau ngực, dễ nhầm với đau dạ dày.

Mới sáng thức dậy bỗng nhập viện

Như mọi ngày, 3h sáng, ông N.V.L. (55 tuổi, ngụ Thủ Đức, TP.HCM) thức dậy vì lớn tuổi khó ngủ. Lần này, bỗng ông cảm thấy khó thở, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, bủn rủn tay chân. Vì trời còn khuya nên ông L. ráng chịu đựng mà không gọi người nhà.

Gần sáng, những cơn đau bắt đầu ập đến, ngực trái ông L. đau dữ dội, cảm giác như bị ai đó bóp nghẹt, không thở nổi. Cơn đau cứ liên tiếp xuất hiện ngày một dồn dập hơn, buộc ông L. phải gọi người nhà đưa đi bệnh viện.

Cam giac kho tho nhu bi bop nghet co, coi chung mac benh nguy hiem
Nhồi máu cơ tim thường xảy ra đột ngột.

Đến sáng, ông L. mới được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 2. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau 2 tiếng được thực hiện cấp cứu tiêu sợi huyết, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

"Bệnh viện sẽ theo dõi nhịp tim của bệnh nhân L. thêm vài ngày nữa để điều chỉnh các yếu tố gây nguy cơ suy tim và những nguy cơ sau nhồi máu cơ tim”, bác sĩ Huỳnh Tấn Khảo, khoa Nội Tim mạch cho biết.

Cam giac kho tho nhu bi bop nghet co, coi chung mac benh nguy hiem
Nếu không được can thiệp kịp thời, các cơ của tim sẽ hoại tử gây biến chứng về sau.

Vừa cấp cứu cho ông L. xong thì hơn 1 tiếng sau, Bệnh viện Quận 2 lại tiếp tục cấp cứu cho ông N.V.D. (85 tuổi, nhà ở Quận 3) có những triệu chứng nhồi máu cơ tim giống ông L. Sau xét nghiệm, ông D. cũng bị nhồi máu cơ tim. 

Bằng phương pháp tiêu sợi huyết, một lần nữa các bác sĩ đã cứu mạng ông D. Từ trước đến nay, bệnh nhân chưa từng bị bệnh gì liên quan đến tim nên không nghĩ mình suýt chết vì căn bệnh này. Vì vậy, khi ông đau ngực trái dữ dội nhưng nằm ở nhà chịu đựng. Đến khuya, cơn đau giảm dần nên ông nghĩ đó chỉ là cơn đau tức bình thường nên… đi ngủ. 

Đến sáng thì ông đau và không thở nổi giống như ai bóp cổ. Gia đình tá hỏa đưa ông đến bệnh viện. May mắn, các bác sĩ đã kịp thời nhận diện bệnh khi ông D. vừa đến cấp cứu, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim dễ nhầm với đau dạ dày

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui - khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM cho biết: Cơn đau tim do thiếu máu cục bộ điển hình, thường khởi phát đột ngột, đau sau xương ức hoặc đau ngực trái kéo dài hơn 30 phút.

Đặc điểm cơn đau rất dữ dội, đau kiểu bóp nghẹt làm bệnh nhân không dám cử động, đau lan xuống cánh tay trái, nhất là ngón tay út.

Cơn đau có thể lan lên hàm hay đau lói ra sau lưng. Cơn đau ngày một nhiều tới nỗi khiến người bị đau dường như ngừng thở, ra nhiều mồ hôi, da tái nhợt. 

Cam giac kho tho nhu bi bop nghet co, coi chung mac benh nguy hiem
Nếu được phát hiện bệnh kịp thời, khả năng cứu cơ tim hồi phục hoàn toàn rất cao.

Bác sĩ Vui cho biết: “Có thể trước đó bệnh nhân đã có những cơn đau như vậy nhưng nhẹ hơn và chỉ kéo dài một thời gian ngắn, đau nhói lên một hai cơn rồi thôi. Với triệu chứng nhồi máu cơ tim nhẹ như vậy, nên họ chủ quan nghĩ rằng do mình làm việc quá sức hay bị một bệnh cảnh khác. Hầu hết trường hợp đều ở nhà chịu đựng, đến khi chịu không nổi thì mới vào bệnh viện”.

Nhưng triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể không có cơn đau điển hình kể trên, như nhồi máu cơ tim ở người già, người mắc bệnh đái tháo đường mà thay vào đó là mệt mỏi, khó thở, tức ngực kéo dài. 

Đặc biệt thể  nhồi máu cơ tim ở vùng sau dưới, bệnh nhân lại có triệu chứng đau tức ở vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng, buồn nôn… Lúc này người bệnh có thể bị nhầm tưởng bệnh tim với bệnh đau dạ dày. 

Không bỏ qua trường hợp bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính, cứ mệt, khó thở là tưởng mình bị bệnh phổi, nhưng có thể họ bị triệu chứng nhồi máu cơ tim mà không biết.

Thời gian hiệu quả nhất để cứu sống cơ tim là khoảng 3 giờ đầu tiên tính từ khi bệnh nhân khởi phát cơn đau ngực. Vì vậy, khi cảm thấy những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần đi đến bệnh viện ngay, không sử dụng bất kỳ thuốc gì để sơ cứu. 

Càng đến bệnh viện trễ, bệnh nhân càng có nguy cơ tử vong, hay có thể tử vong ngay lập tức vì biến chứng cấp của nhồi máu cơ tim. Nhưng nếu được phát hiện bệnh kịp thời thì khả năng cứu cơ tim hồi phục hoàn toàn là rất cao.

Cam giac kho tho nhu bi bop nghet co, coi chung mac benh nguy hiem
Thuốc tiêu sợi huyết là chọn lựa điều trị tối ưu nhất để cứu sống cơ tim trong thời gian vàng.

Theo bác sĩ Vui, bản chất của nhồi máu cơ tim là lớp áo trong động mạch vành bị bong ra, rồi tạo thành cục máu đông gây tắc lòng động mạch.

Trước đây bệnh này thường xảy ra ở người có độ tuổi trung niên trở lên, nhưng do đời sống kinh tế - vật chất ngày càng khá hơn. Bên cạnh đó, những stress tinh thần ngày càng nhiều nên bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa.

Hiện tại, cả nam và nữ giới có độ tuổi từ 25 – 40 tuổi đã có thể bị nhồi máu cơ tim cao. Bệnh này ngày càng tăng ở giới trẻ. Riêng tại Bệnh viện Quận 2, TP.HCM số lượng người bị nhồi máu cơ tim cấp đến cấp cứu và điều trị đã từ 10 - 15 ca/tuần. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân nặng dẫn đến biến chứng sốc tim chiếm khoảng 20%. 

“Triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với bất kỳ người nào. Dù người đó có tiền sử bệnh tim hay không nhưng đột nhiên bị đau tức vùng thượng vị, ói mửa, mệt lả nhiều hơn. Những người có sẵn nền bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen suyễn, thường mệt mỏi thì nên chú ý các cơn mệt, khó thở. 

Nếu những cơn mệt lả, thở khó xảy ra liên tục, tần suất nhiều hơn, cơn đau, khó thở khác thông thường thì cũng nên đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra tim thật kỹ. Từ đó, bệnh sẽ sớm được phát hiện và cấp cứu kịp thời (nếu có)”, bác sĩ Vui khuyến cáo.

Nhồi máu cơ tim được hiểu là lượng máu đến nuôi tim bị thiếu khiến cơ tim bị tổn thương. Ngoài việc bệnh nhân có khả năng tử vong cao ngay lúc đó, thì cơ tim có thể chết đi một phần. Về lâu dài, những cơ tim hoại tử này về lâu dài sẽ tạo thành “sẹo”, xơ vữa gây rối loạn nhịp tim, suy tim,… 

Nguyên tắc chính trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp là phục hồi nhanh chóng trở lại dòng chảy trong động mạch vành để đưa máu đến vùng cơ tim đang thiếu máu. Có 2 phương pháp để cấp cứu cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim là phương pháp tiêu sợi huyết và đặt Stent mạch vành.

Nếu bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện chưa có phòng thông tim thì việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết là chọn lựa điều trị tối ưu nhất để cứu sống cơ tim trong thời gian vàng. Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm thông dòng chảy bệnh nhân nên được chuyển đến những bệnh viện có phòng thông tim để được đặt stent mạch vành.

Nhồi máu cơ tim không phải cấp cứu qua cơn nguy hiểm là xong. Người bệnh cần được theo dõi định kỳ, để hạn chế sự tái phát của nhồi máu cơ tim.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI