Bộ Y tế 'tố' Bảo hiểm xã hội Việt Nam gây khó dễ khi thanh toán

20/10/2017 - 13:40

PNO - Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tranh cãi, “tố” nhau khá gay gắt khi đối thoại về chính sách quản lý, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khu vực phía Bắc.

Máy giám định tự động trừ sai hơn 185 tỷ

Ông Đặng Hồng Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) “làm nóng” hội trường với những chia sẻ khá bức xúc về việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam gây khó dễ trong quá trình xuất toán, thanh toán, giám định bảo hiểm y tế.

Bo Y te 'to' Bao hiem xa hoi Viet Nam gay kho de khi thanh toan

Đơn cử, tại tỉnh Đồng Nai, quý 1/2017, hệ thống giám định tự động từ chối thanh toán bảo hiểm y tế 208 tỷ đồng (bằng 45% số tiền đề nghị thanh toán). Trong khi đó, giám định lại thực tế thì chỉ từ chối 22,6 tỷ. Ông Đặng Hồng Nam cho rằng cần xem lại phần mềm giám định.

Đặc biệt, ông Đặng Hồng Nam nhấn mạnh, cơ quan giám định cần phải độc lập với cơ quan bảo hiểm xã hội, tránh dư luận cho rằng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Điều khiến đại diện Bộ Y tế bức xúc hơn cả là nhiều giám định viên bảo hiểm xã hội không có chuyên môn ngành y nhưng lại tham gia vào lĩnh vực này.

Được biết, trên cả nước có 2.800 giám định viên BHYT, tuy nhiên, chỉ 30% có trình độ y dược, số còn lại là chuyên môn khác như công nghệ thông tin, luật, tài chính…

Bo Y te 'to' Bao hiem xa hoi Viet Nam gay kho de khi thanh toan
Bộ Y tế và BHXH căng thẳng, đổ lỗi cho nhau trong công tác quản lý, KCB BHYT

Khi ông Đặng Hồng Nam đang trình bày; phía dưới hội trường, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục cắt lời, đề nghị ông Nam “bình tĩnh”, thậm chí cho rằng, phát biểu của Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế  chưa hoàn toàn đúng và có phần “lộng ngôn”.

Tuy nhiên, ông Đặng Hồng Nam vẫn tiếp tục câu chuyện trong tiếng vỗ tay cổ vũ của hội trường và đề xuất: “Về lâu dài, giám định viên phải là người được đào tạo y dược trình độ đại học trở lên. Vì bác sĩ có bằng đại học, không có lý gì giám định viên không có trình độ đại học tương ứng để giám định”.

Còn theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc tiền chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 9 tháng đầu năm nay tăng vọt là do tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định chiếu chụp, xét nghiệm, chỉ định dịch vụ không hợp lý nhằm trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Cả hai đều có lỗi

Trước những tranh cãi “không hồi kết” của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam cho rằng cả 2 đơn vị đều có lỗi và chưa ngồi với nhau một cách thông cảm, chia sẻ và xử lý sự việc.

Điều quan trọng không phải là việc đổ lỗi cho ai mà xử lý tồn đọng quỹ bảo hiểm y tế như thế nào. “Bệnh viện vác tiền cho người dân rồi chẳng lẽ bắt họ tự thanh toán”, ông Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề.

Vấn đề đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được đặt ra khi câu chuyện vỡ quỹ bảo hiểm y tế luôn được đưa ra tại nhiều cuộc họp như thế này.

Bo Y te 'to' Bao hiem xa hoi Viet Nam gay kho de khi thanh toan
Người dân khám bệnh diện bảo hiểm y tế cần sự công bằng

Ông Lợi cho rằng: "Quỹ bảo hiểm xã hội do nhà nước bảo hộ, nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước lo. Do đó, chúng ta không nên nói sắp vỡ quỹ sẽ gây hoang mang cho người dân và họ không nói dám tham gia bảo hiểm vì sợ mất quyền lợi".

Liên quan tới nguyên nhân chưa cân bằng quỹ, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm tăng chi phí khám chữa bệnh lên 30%, mức đóng thấp, mức hưởng cao, không có trần. Do đó, trong thời gian tới, đề xuất nghiên cứu trình Chính phủ để điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. “Chúng ta phải chuẩn bị điều kiện để năm 2019 khi mất cân đối quỹ sẽ nâng theo lộ trình”.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI