Blog bác sĩ: 12 giờ đêm, phóng xe ra đường cứu mạng bệnh nhân và rùng mình với câu nói của con

21/04/2017 - 10:00

PNO - 12h đêm, bỏ lại gia đình, vượt hơn 10 cây số để cấp cứu cho bệnh nhân. Tôi được mạng sống của bệnh nhân. Và câu nói của con gái nhỏ thôi ba đừng có hứa gì nữa, lúc nào ba làm được thì làm.

"Thôi ba đừng có hứa gì nữa, lúc nào ba làm được thì làm"

Khi được mặc trên người chiếc áo blouse trắng, tôi rất lý tưởng nghề, tôi nghĩ mình phải luôn túc trực ở bệnh viện, toàn tâm toàn ý vì bệnh nhân. Tôi sẽ hàn vá lại những nỗi đau, những cơn bệnh đang hành hạ họ. Bàn tay tôi sẽ níu giữ lại những sinh mạng quý giá, những trái tim tưởng chừng như đã hư hại.

Nghề bác sĩ sẽ cho tôi nhiều khát vọng, tôi có nhiều hoài bão lớn, sẽ say sưa làm bác sĩ mà không bị vướng bận một điều gì. Nhưng… 

Tôi có một người bạn, bạn tôi không làm ngành y. Trước kia tôi cười hắn, vì tôi là bác sĩ, hắn lại học khác ngành, ngành của hắn không cao quý như ngành của tôi. Sau này gặp lại nhau, hắn cười tôi. Đi nhậu, tôi dóc hết tiền túi đang có, hắn cười nói là để hắn trả, tiền của tôi chỉ là bạc lẻ so với hắn.

Có người bảo tôi thôi đừng làm bác sĩ nữa, làm ngành khác sẽ giàu hơn. Nhưng nếu dừng lại, tôi thấy tiếc cho những năm học của mình, thời gian mà mình khổ luyện với bao hoài bão, lý tưởng. Tôi thấy đau thay cho nỗi đau của bệnh nhân đang chờ đợi tôi vào thăm khám. Vừa tiếc, vừa đau, tôi lại làm bác sĩ.

Blog bac si: 12 gio dem, phong xe ra duong cuu mang benh nhan va rung minh voi cau noi cua con
Có người bảo tôi thôi đừng làm bác sĩ nữa, nghĩ đến chuyện không mặc chiếc áo blouse, tôi vừa tiếc vừa đau, ảnh BV Quận 2 cung cấp

Làm bác sĩ, có nghĩa là tôi phải đánh đổi nhiều thứ. Không chỉ tôi đâu, các ông bố, bà mẹ làm nghề y đều phải như vậy.

Chúng tôi đã đánh đổi những gì? Tôi đã hứa với con là ba sẽ đưa đón con đi học, hứa những lần “hẹn hò” cùng con, hứa kể con nghe những câu chuyện mỗi tối trước khi đi ngủ, hứa tập cho con chạy xe đạp, hứa dẫn cả nhà đi du lịch,… nhưng khi có điện thoại, tôi đã vội quên lời hứa của mình.

Tôi nhớ có lần 12h khuya, Bệnh viện quận Thủ Đức gọi cho tôi nhờ hỗ trợ một ca bệnh. Bà cụ hơn 60 tuổi bị suy tim, đột quỵ, tôi bỏ lại thiên thần nhỏ của mình, kéo cửa, phóng xe đi. Gần sáng, cứu được bà cụ, cả êkip nhìn nhau mừng rỡ, rồi chúng tôi tất tả trở về nhà. Đứa con gái 5 tuổi ngồi đợi trước cửa, chưa kịp nói gì nó đã lên tiếng hờn giận.

12h đêm, bỏ đứa con gái nhỏ, bỏ cả gia đình, vượt hơn 10 cây số để cấp cứu cho bệnh nhân, cuối cùng tôi được gì? Được mạng sống của bệnh nhân. Và câu nói của cô con gái, thôi ba đừng có hứa gì nữa, lúc nào ba làm được thì làm.

Không thể trách con của mình, có lẽ tôi đã để nó trông đợi quá nhiều. Ngay cả lời hứa về nhà sớm với con mà suốt nhiều năm qua tôi vẫn không làm được.

Blog bac si: 12 gio dem, phong xe ra duong cuu mang benh nhan va rung minh voi cau noi cua con
12h đêm tôi bỏ con gái ở nhà, phóng xe đi, tôi được gì? tôi được tính mạng của bệnh nhân, ảnh BV Quận 2 cung cấp

Vì gia đình, kẻ làm bác sĩ như tôi buộc phải ra đời thôi

Nhiều lúc tôi tự ái, bác sĩ cũng là con người cũng có gia đình cần phải lo, con cái cần phải dạy. Với một người đàn ông đã có gia đình, tự trọng của họ không nằm ở bao nhiêu bia rượu, bao nhiêu gái đẹp.

Tự trọng của họ là con cái mình phải được dạy bảo tốt, học trường tốt và có đời sống thật tốt. Nếu tôi cứ bám bệnh viện, với tiền lương ba cọc ba đồng, tôi làm sao có thể chu toàn cho gia đình của mình.

Gánh trên vai trách nhiệm xã hội về nghề, một bên vai oằn gánh gia đình, từ lý tưởng phải miệt mài với bệnh viện, chăm chút với bệnh nhân, kẻ làm bác sĩ như tôi buộc phải ra đời thôi.

Cuộc đời của bác sĩ làm chuyên môn, lấy niềm vui và hạnh phúc của người bệnh làm lẽ sống, bước ra đời thực trở nên là kẻ khờ ngây. Tôi khờ ngây với bạn bè, tôi cũng không quen làm gì khác mà chỉ biết ống tiêm, dây nghe và chiếc blouse trắng.

Tôi ra đời bằng cách rút ngắn thời gian tại bệnh viện, đi làm đúng giờ, ra về đúng giờ, có đôi khi cũng trễ hơn một chút nhưng tôi buộc phải về nhà. Tôi phải mở phòng khám riêng, đi dạy thêm ở các trường y.

Blog bac si: 12 gio dem, phong xe ra duong cuu mang benh nhan va rung minh voi cau noi cua con
Thôi ba đừng có hứa gì nữa, lúc nào ba làm được thì làm, ảnh BV Quận 2 cung cấp

Vì là đàn anh đi trước, nên khi đi dạy tôi thường nói với đàn em của mình là đã xác nhận học nghề y, tất cả chúng ta phải chấp nhận, phải cố gắng đi theo nghề, còn không thì thôi hãy ngừng tại đây để không tốn thời gian.

Thằng em ở khoa nó nói, em chỉ muốn ở bệnh viện, em không muốn về nhà, ở đây làm tất bật để khỏi suy nghĩ, để khỏi thấy tủi thân với đời với bạn bè. Không phải mình ngu hơn thiên hạ mà nghề mình nó vậy, về nhà mà đi nhậu với mấy thằng bạn tụi nó nói nghe mệt quá. Thôi anh phân công em ở bệnh viện, em làm luôn đi chứ em không muốn về. 

Vì sao? Một nữ bác sĩ của khoa nội tim mạch vừa mới vào nghề, lương của em 4,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. Sự chênh lệch là do tháng đó lịch trực nhiều hay ít. Tiền công trực bao nhiêu? Một ngày, một đêm được 90.000 đồng, thêm phụ cấp 20.000 đồng tiền ăn. Thôi không than nghèo kể khổ.

Blog bac si: 12 gio dem, phong xe ra duong cuu mang benh nhan va rung minh voi cau noi cua con
Bất kỳ ai học ngành y cũng đều là người thông minh, mà kẻ thông minh thì không ai muốn mình nghèo. Vì vậy, họ có nhiều sự chọn lựa khi vào nghề. Đó là sự thật mà chúng ta nên thẳng thắn nhìn vào, ảnh BV Quận 2 cung cấp

Tôi yêu nghề y vì đó là nghề cao quý, nhưng thật lòng mà nói, tôi không khẳng định 100% bác sĩ đều là người nhiệt tâm, hay giữ vững đạo đức nghề. Bất kỳ ai học ngành y cũng đều là người thông minh, mà kẻ thông minh thì không ai muốn mình nghèo.

Vì vậy, họ có nhiều sự chọn lựa khi vào nghề. Tôi không đổ lỗi, không ủng hộ, cũng không chỉ trích mà đó là sự thật mà tất cả chúng ta phải nhìn vào.

Nghề y phải học cả đời, ra trường thực ra mới bắt đầu tự học nhiều hơn. Nếu không có đàn anh giỏi, môi trường chuyên nghiệp, nếu người bác sĩ “bị” đào tạo cẩu thả, không được giám sát, thả nổi,… thì 3 năm sau, từ một người luôn lý tưởng nghề hắn sẽ tự mãn, bia rượu rồi trở thành kẻ giết người được pháp luật cho phép. 

Không chỉ riêng tại bệnh viện tôi đang làm việc, tại phòng khoa tôi đang ngồi khám, mà các bệnh viện khác, các phòng khoa khác, thầy thuốc và bệnh nhân đều là kẻ đáng thương.

(Lời tâm sự của một bác sĩ khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM)

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI