Bí ẩn hồ nước giết người tại Cameroon

19/04/2017 - 19:30

PNO - Vào ngày 21/8/1986, một trong những thảm hoạ thiên nhiên bí ẩn nhất đã xảy ra ở Hồ Nyos, nằm trên một miệng núi lửa ở phía tây bắc Cameroon, khiến hơn 1.700 người thiệt mạng.

Không thể hiện bất bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó, hồ nước thải ra hàng trăm nghìn tấn carbon dioxide độc ​​hại (khoảng từ 300.000 đến 1,6 triệu).

Số khí độc tạo thành đám mây chết chóc lan tỏa khắp vùng nông thôn phía tây bắc Cameroon với tốc độ gần 100 km/h, khiến 1.746 người và hơn 3.500 gia súc tử vong trong vòng vài phút.

Bi an ho nuoc giet nguoi tai Cameroon
Chỉ trong vài phút, khối khí CO2 bao trùm toàn bộ khu vực xung quanh hồ khiến mọi sinh vật đều bị ngạt

Hiệu ứng nghiêm trọng chẳng khác một vụ nổ bom, khiến người dân địa phương và động vật hoang dã trong bán kính 25 km quanh hồ không kịp chạy trốn.

Nhiều người từ ba ngôi làng Cha, Nyos và Subum bị ngạt thở trong khi ngủ. Một số chảy máu xung quanh mũi và miệng của họ.

Khi vài người sống sót tỉnh dậy, họ không nhận thấy bất kỳ điều khác thường gì, không xung đột, không hỏa hoạn. Quanh họ chỉ là những xác chết, ngay cả những con ruồi cũng chết.

Một người dân còn sống sót kể lại: “Tôi không thể nói, hoặc mở miệng ra vì một thứ mùi khủng khiếp... Tôi nghe thấy đứa con gái đang ngủ phát ra những âm thanh bất thường”.

“Nhưng khi bước qua giường của con gái, tôi đổ sụp.Tôi muốn nói chuyện, nhưng hơi thở không thể thoát ra... Con gái tôi đã chết rồi”.

Bi an ho nuoc giet nguoi tai Cameroon
1.746 người và hơn 3.500 gia súc quanh hồ tử vong chỉ sau vài phút

Đây là một trong những sự kiện tự nhiên đáng sợ nhất mà lịch sử ghi lại, và các nhà khoa học vẫn chưa rõ điều gì đã kích hoạt nó.

Lúc bấy giờ, các nhà nghiên cứu chỉ xác định rằng hồ Nyos thải ra một lượng CO2 khổng lồ vào khoảng 9 giờ tối.

Vì khí CO2 nặng hơn không khí xung quanh, nó nhanh chóng chìm vào thung lũng dưới, phủ kín tất cả mọi thứ trong màn khí độc dày 50 mét.

Thông thường, hàng trăm ngàn tấn CO2 được giữ trong hồ, nhưng lần này, một tác nhân nào đó đã giải phóng chúng.

Các khí núi lửa phát ra từ mặt đất bên dưới hồ hòa tan và tập trung ở vùng nước sâu nhất, đồng thời nhiệt độ nhiệt đới tạo thành một chiếc “nắp” bằng nước ấm đậy lên trên phần nước lạnh đáy hồ.

Rất có có thể một trận động đất, trượt lở đất, hoặc phun trào núi lửa làm xáo trộn các lớp nước dẫn đến hiệu ứng cực kỳ thảm khốc.

Bi an ho nuoc giet nguoi tai Cameroon
Hồ Nyos đến nay vẫn như một quả bom nổ chậm cực kỳ nguy hiểm

Chỉ hai năm trước, một sự kiện tương tự xảy ra ở hồ Monoun gần đó, giết chết 37 người và vẫn chưa ai biết điều gì đã kích hoạt sự phun trào đó.

Để ngăn chặn những hồ nước này bùng nổ một lần nữa, năm 2001, các kỹ sư đã lắp đặt đường ống để hút CO2 từ lòng hồ, và giải thoát dần dần vào trong không khí.

Một bộ đường ống khác được bổ sung vào năm 2011 sau khi các nhà nghiên cứu cảnh báo về vụ nổ khí gas “có thể lớn hơn cả những thảm hoạ trước”.

Mặt khác, bức tường tự nhiên xung quanh hồ Nyos bắt đầu suy yếu, và nếu lượng đất xung quanh hồ trượt đi, không ai tính được chuyện gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ lượng khí cùng giải phóng.

Bi an ho nuoc giet nguoi tai Cameroon
Các chuyên gia lắp đặt đường ống để giải phóng bớt phần khí độc dưới lòng hồ

Tuy cơ quan chức năng đã xây dựng đập xung quanh hồ để bảo vệ, và trong khi các nhà nghiên cứu vẫn lo lắng hiện tượng thời tiết hoặc tràn hồ có thể gây thiệt hại ngoài tầm kiểm soát.

Tấn Vĩ (Theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI