Bệnh... sợ nước mưa

13/06/2018 - 08:16

PNO - TP.HCM đang vào mùa mưa, lượng bệnh nhân tới khám các bệnh về da tăng rõ rệt.


Mưa xuống kéo theo ngập, ngay cả việc phải ngâm chân trong nước bẩn nhiều giờ khi lưu thông trên đường cũng ẩn chứa nguy cơ bệnh tật.

Mề đay dị ứng

Từ đầu tháng Năm đến nay, hai nhóm bệnh tới khám chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện Quận 2 TP.HCM nổi cộm nhất là mề đay và nấm da (mề đay 158 ca, nấm da 99 ca). Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Bình Diễm, Trưởng khoa Da liễu của bệnh viện, số ca của hai nhóm bệnh trên gia tăng có liên quan tới yếu tố thời tiết, cụ thể là nước mưa.

Chị N.T.T., 36 tuổi, ngụ tại P.Bình Trưng Tây, Q.2, đến khám mề đay chia sẻ: “Mỗi lần đang chạy xe trên đường, trời đổ mưa mà tôi không kịp lấy áo mưa mặc vào thì y như rằng về nhà toàn thân nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy”. Bác sĩ cho biết, chị T. bị nổi mề đay do dị ứng với nước mưa. Cơ địa bệnh nhân quá nhạy cảm với nước mưa nên hễ tiếp xúc với vài giọt nước mưa là lập tức bị mẩn đỏ.

Benh... so nuoc mua
Ngâm chân trong nước ngập có nguy cơ khởi phát bệnh nấm kẽ ngón chân

Trường hợp khác cũng bị dị ứng với nước mưa là chị P.T.N., ngụ tại Q.9. Khác với chị T., chị N. không bị nổi mẩn khắp người mà bị đỏ rát, ngứa ngáy vùng da mặt. Đây không phải lần đầu tiên bị nổi mề đay ở mặt khi chạy xe ngoài mưa, chị N. đi khám và được bác sĩ giải đáp nguyên nhân lúc trời mưa bệnh nhân dù đã mặc áo mưa nhưng lại tháo khẩu trang che mặt. Mưa nặng hạt, quất mạnh lên vùng da mặt gây kích ứng mạnh. 

Qua hai trường hợp điển hình này, bác sĩ Diễm nhận định, dị ứng với nước mưa có hai dạng: dị ứng hóa học (trong nước mưa có rất nhiều thành phần, bệnh nhân có thể bị dị ứng với một thành phần bất kỳ, đặc biệt là a-xít); dị ứng vật lý với nước mưa, thường xảy ra khi mưa nặng hạt, quất mạnh lên da.

Nấm kẽ ngón chân

Nấm kẽ ngón chân, nấm bàn chân là nỗi ám ảnh của nhiều người khi mùa mưa đến. Nhiều người di chuyển rất vất vả, đặc biệt những lúc kẹt xe, khó tránh khỏi cảnh phải ngâm chân nhiều giờ trong nước bẩn. Anh N.Đ.S., 43 tuổi, ngụ tại P.Thảo Điền, Q.2, bị nấm kẽ ngón chân cả 10 năm nay, mua thuốc về bôi thì hết nhưng hễ lội nước bệnh lại tái phát. Những chiều chạy xe máy từ cơ quan về nhà, chống chân vào vũng nước bẩn, tối về kẽ chân anh S. nổi mụn nước li ti, ngứa tới mức không ngủ được. Nhịn không nổi, anh gãi mạnh khiến vùng da ở kẽ chân chảy máu, loét ra đau đớn.

Đối với các trường hợp nghi ngờ bị nấm da, cụ thể là nấm bàn chân, kẽ chân, bác sĩ Diễm khuyến cáo, không nên tự ý bôi hoặc uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Để xác định bệnh nhân bị nấm kẽ chân, ngoài các dấu hiệu điển hình, bác sĩ còn yêu cầu soi tươi để tìm nấm.

Sau khi kết luận chính xác do nấm, bệnh nhân cần kiểm tra thêm chức năng gan, thận rồi bác sĩ mới chỉ định cho dùng thuốc uống hoặc bôi tùy từng trường hợp. Liệu trình điều trị nấm kẽ chân kéo dài 1-2 tháng, bệnh rất dễ tái phát khi tiếp xúc với nước, vì thế dù tình trạng đã ổn định, bệnh nhân vẫn phải luôn có ý thức giữ đôi bàn chân khô ráo. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI