Chuyên đề 'Đừng bất lực với bạo lực trẻ em': Muốn thay đổi, cần thực hiện một cách hệ thống

10/12/2017 - 10:21

PNO - Ai cũng muốn dẹp bỏ nạn bắt nạt/bạo lực trong trường học nhưng cách làm của chúng ta một chiều, không có hệ thống nên rất khó thay đổi được vấn đề.

Hàng loạt giải pháp được đưa ra để hạn chế tình trạng trẻ bị bạo hành: Nhà trường tăng cường chính sách nghiêm khắc và giám sát nhiều hơn; cha mẹ tạm yên tâm với việc giám sát trẻ ở trường qua camera… Nhưng các giải pháp đó đều không làm thay đổi vấn đề mà còn khiến cha mẹ, trường học trở nên căng thẳng hơn.

Chuyen de 'Dung bat luc voi bao luc tre em': Muon thay doi, can thuc hien mot cach he thong
Ảnh minh họa

Chia sẻ của giáo sư Jim Larson từ Đại học Wisconsin - Whitewater, Hoa Kỳ tại buổi tập huấn về nạn bắt nạt trong trường học vào năm 2016, đã đề cập việc cần phải tiếp cận theo hướng "sinh thái - xã hội", nghĩa là không tập trung vào các giải pháp bên ngoài hoặc đơn độc mà cần quan tâm để đưa chuyện bắt nạt bao gồm cả nạn nhân và thủ phạm vào trọng tâm của vấn đề. 

Mô hình sinh thái - xã hội được giáo sư Larson mô tả thành các lớp bọc quanh đứa trẻ, gồm các cấp độ sau:

Lớp Một. Bản thân đứa trẻ đang như thế nào:

Ở cấp độ này, đứa trẻ cần được lưu tâm một cách toàn diện về sự khỏe mạnh của thể xác, tâm lý (nhận thức, cảm xúc và hành vi), xã hội hay các mối quan hệ và cả đời sống tâm linh (triết lý).

Nghiên cứu trong tâm lý học cho thấy, những đứa trẻ liên quan đến bắt nạt hay bạo lực dường như có cuộc sống không khỏe mạnh, liên quan đến các điều kiện trong gia đình và các điều kiện khác bên ngoài. Vì thế, trong chiến lược phòng ngừa thường nhấn mạnh đến việc giúp đứa trẻ, kể cả nạn nhân lẫn người gây hại, trở thành những cá nhân khỏe mạnh.

Lớp Hai. Cấp độ vi mô:

Được xem như hệ thống hỗ trợ cơ bản gồm gia đình, bạn bè thân thiết và giáo viên. Một khi hệ thống vi mô này có vấn đề, đứa trẻ sẽ nằm trong diện có "nguy cơ cao" để trở thành nạn nhân hoặc kẻ gây hại cho người khác. Nếu nhìn vào bối cảnh Việt Nam, tôi e là chúng ta cần hướng dẫn nhiều hơn cho cha mẹ và giáo viên, đồng thời cung cấp cho trẻ em một chương trình huấn luyện cảm xúc để trẻ biết cảm nhận, có thể thấu cảm được với người khác.

Chuyen de 'Dung bat luc voi bao luc tre em': Muon thay doi, can thuc hien mot cach he thong
Ảnh minh họa

Lớp Ba. Hệ thống bên ngoài:

Cấp độ này được mở rộng hơn hệ thống vi mô, tới gia đình lớn (bà con dòng họ), các thiết kế cộng đồng gần kề (xóm giềng), các hệ thống truyền thông trong xã hội bao gồm báo chí, các chương trình truyền hình và giải trí khác. Đứa trẻ lớn lên trong bối cảnh xã hội nào thì sẽ "hấp thu" (nội tâm hóa) các đặc tính của môi trường đó. Chẳng hạn các chương trình phim ảnh truyền hình cần chú tâm đến lối ứng xử của các nhân vật hơn...

Lớp Bốn. Cấp độ vĩ mô:

Bao gồm lịch sử phát triển và hệ thống luật pháp, đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa của chúng ta - người Việt. Cần lưu ý đến việc các đặc tính trong hệ thống vĩ mô này sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đứa trẻ mà chúng ta hướng đến.

Gần đây, trong hội thảo lần đầu của Đông Nam Á về tâm lý học ứng dụng, thầy giáo của tôi - giáo sư Benjamin Weistein từ Đại học Chieng Mai, Thái Lan đã đề cập đến khía cạnh định hình nhân cách ghép (double identity),  người trẻ ở những nước như Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi nhân cách vừa được hình thành theo lối truyền thống từ ông bà cha mẹ, lẫn theo lối hiện đại (theo các giá trị được phổ biến ở phương Tây).

Từ mô hình tiếp cận sinh thái - xã hội trên, chúng ta nghĩ về một đề xuất cho các giải pháp can thiệp làm giảm tình trạng bắt nạt/bạo lực. Nếu để ý có lẽ chúng ta không khó nhận ra các giải pháp hiện thời đang thực hiện ở Việt Nam là "nửa vời". Có lẽ các trường học ở Việt Nam mong muốn một giải pháp đơn giản cho một vấn nạn rất phức tạp và hầu hết đều thất bại.

Các bậc cha mẹ chủ yếu tập trung năng lượng và tiền của để nhận diện... "tài năng" con em mình mà không chú trọng vào gốc rễ vấn đề. Họ thúc ép con học giỏi, ngoan theo kiểu biết nghe lời mà không chú tâm phát triển đứa trẻ thật sự khỏe mạnh.

Chuyen de 'Dung bat luc voi bao luc tre em': Muon thay doi, can thuc hien mot cach he thong
Ảnh minh họa

Cha mẹ tăng cường cho trẻ đi học võ hay yêu cầu đặt camera giám sát ở trường học của con lại khiến tình hình căng thẳng hơn. Nhưng cách thức bảo bọc con như thế đã ăn sâu vào quan điểm của họ. Các chương trình giáo dục cha mẹ (parenting) mà tôi tổ chức ở các nơi đều đạt hiệu quả rất thấp.

Để giải quyết vấn nạn bạo lực/ bắt nạt trẻ em, chúng ta cần tiến hành các giải pháp một cách hệ thống, tổng thể như mô hình sinh thái - xã hội được đề cập ở trên. Giáo sư Larson cũng đề xuất một chương trình can thiệp gồm các giải pháp mà chúng ta nên học cách áp dụng để đạt được hiệu quả cao nhất:

1. Lập một ủy ban phòng chống bắt nạt/bạo lực:

Điều khiến chúng ta gặp thất bại là thấy cái gì nổi lên thì mới giải quyết mà không chú tâm hoạch định trước. Có lẽ không đồng tình lắm nhưng chúng ta vẫn im lặng chấp nhận việc trường học đưa chuyện bạo lực ra nhờ cảnh sát xử lý. Đương nhiên nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật thì cần đến cơ quan luật pháp xử lý, các trường dường như chọn cách này để lảng tránh trách nhiệm giáo dục của mình.

2. Kêu gọi sự tham gia của cha mẹ trẻ, các tổ chức cộng đồng cùng giáo viên:

Cha mẹ hầu như chỉ biết đòi hỏi giáo viên phải thế này thế kia mà không nghĩ rằng, hành vi của đứa con phần lớn do mình tạo nên. Với các tổ chức trong cộng đồng, cũng cần tất cả thành phần liên quan tham gia vào ủy ban phòng chống bắt nạt/bạo lực và phải hành động thống nhất với nhau.

3. Đánh giá vấn đề tổng thể và cụ thể trong trường học:

Người Việt Nam nói chung, đặc biệt các chuyên viên thường không chú tâm đến yếu tố bằng chứng thông qua việc thu thập số liệu để đánh giá vấn đề trước khi can thiệp. Chúng ta cần biết về tổng thể trường học của con mình đang gặp vấn đề gì, cần tập trung cho hành động nào. Khi đi tập huấn cho các trường, tôi thường đề xuất họ cách xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho học sinh theo hướng tích cực, nhưng hầu hết không thể thực hiện được vì có quá nhiều lý do cản trở.

4. Thiết lập các chính sách có liên quan trong trường học:

Chính sách về kỷ luật học sinh là một ví dụ. Tôi đang giúp cho một chuyên viên tâm lý của tỉnh Buôn Mê Thuột xây dựng các tiêu chí cũng như quy trình đưa ra kỷ luật theo hướng tích cực (có giá trị giáo dục học sinh), nhưng để thực hiện được thì cần các chính sách khác liên quan và rất có nguy cơ không được tiến hành. Nhiều quản nhiệm thích yêu cầu học sinh xin lỗi, hứa không tái phạm, chép phạt nhưng học sinh vẫn không thay đổi, cuối cùng là bị đuổi học.

5. Huấn luyện giáo viên và chuyên viên trong trường học:

Đây là chuyện quan trọng, cần làm kỹ lưỡng, vì vậy rất tốn kém cũng như đòi hỏi tuyển chọn nhân sự phù hợp. Nếu không có huấn luyện sẽ không có sự thống nhất và sẽ thất bại.

6. Huấn luyện học sinh về các vấn đề liên quan đến bắt nạt/ bạo lực:

Chương trình này hiện có khá nhiều trường học tổ chức, nhưng điều chính yếu là phải chú trọng đến chất lượng của chuyên gia cũng như nội dung huấn luyện, các điều kiện của trường học. Gần đây anh Huỳnh Anh Bình (giám đốc một trung tâm hướng nghiệp) cung cấp những bài huấn luyện/nói chuyện với nội dung dễ dẫn đến kỳ thị, bắt nạt đối với các em học sinh nam có hành vi "không nam tính" như đi đứng nói năng nhẹ nhàng, là một ví dụ cho chuyện này.

Ai cũng muốn dẹp bỏ nạn bắt nạt/bạo lực trong trường học nhưng cách làm của chúng ta một chiều, không có hệ thống nên rất khó thay đổi được vấn đề.

Ngô Minh Uy 
(Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp WELink) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI