Bác sĩ phẫu thuật ca hôn mê sau gọt cằm: 'Có thể do thuốc fentanyl'

24/09/2017 - 14:41

PNO - Bác sĩ T.N.Q.P. (bác sĩ trong ca phẫu thuật hôn mê sau gọt cằm tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas TP.HCM) cho biết khách hàng T.T.Đ. có thể hôn mê do thuốc fantanyl.

*Phóng viên: Là người trực tiếp phẫu thuật cho khách hàng; êkip phẫu thuật có thể cho biết rõ hơn về vụ chị Đ. bỗng hôn mê sau gọt cằm?

Bác sĩ P: - Về phương diện pháp lý nên để Sở Y tế TP.HCM xem xét và đánh giá. Về góc độ chuyên môn, tôi cho rằng có hai vấn đề cần xem xét: tai biến phẫu thuật hay tai biến do thuốc gây mê?  

Bac si phau thuat ca hon me sau got cam: 'Co the do thuoc fentanyl'
 

Với tai biến phẫu thuật, theo tôi không phải là nguyên nhân chính gây tai biến dù sau khi phẫu thuật, bệnh nhân T.T.Đ mới có chảy máu. Thứ nhất, trong phẫu thuật, chị Đ. không có chảy máu nghĩa là không có mạch máu lớn nào bị tổn thương.

Thứ hai, sau phẫu thuật, chị Đ. có chảy máu rỉ rả ít, chứng tỏ không có mạch máu lớn nào bị tổn thương. Thứ ba, xét nghiệm dung tích hồng cầu (Hematocrite) tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM sau đó cũng cho thấy hồng cầu không có dấu hiệu giảm. Kiểm tra cũng không phát hiện điểm chảy máu hay vi trí chảy máu.  

Dựa trên dấu hiệu duy nhất lúc đó là sàn miệng sưng nề nhiều, theo tôi là do một vài mạch máu nhỏ ở sàn miệng chảy rỉ rả do huyết áp tăng sau mổ. Chúng tôi đã khâu kéo lưới để tránh nguy cơ tụt lưỡi do sưng nề sàn miệng. Kết quả bệnh nhân ổn định.

Theo dõi tiếp tục, lại có dấu hiệu giảm oxy máu, huyết áp lại tụt. Tôi nghiêng về lý do tai biến suy hô hấp cấp do thuốc gây mê hơn là tai biến phẫu thuật. Vì sử dụng fentanyl kết hợp propofol có tác dụng phụ là gây suy hô hấp cấp. Ai trong chuyên ngành gây mê đều hiểu vấn đề này.

Bac si phau thuat ca hon me sau got cam: 'Co the do thuoc fentanyl'
 

Đây là vấn đề tế nhị, tôi không muốn đổ lỗi hay phủ nhận trách nhiệm cho người khác nên giữ im lặng. Nhưng khi ra hội đồng chuyên môn, có lẽ tôi sẽ đề cập vấn đề này.

Tôi nhắc lại rõ hơn suy nghĩ của mình là không phải chảy máu do gây mê; mà  do suy hô hấp cấp do gây mê. Tai biến này do bệnh nhân không dung hợp morphin chứ cũng không phải lỗi bác sĩ gây mê.

Cơ sở để tôi nói ra điều này là dựa trên kết quả quá trình trước và sau mổ. Trong mổ và lúc cấp cứu không chảy máu. Dung tích hồng cầu bình thường. Phim phổi trong, không có máu tràn phổi thì làm sao kết luận biến chứng suy hô hấp do máu tràn phổi, do máu làm nghẽn đường thở được?

* Vậy cơ sở nào để bác sĩ nghĩ tới việc nguyên nhân thiên về do thuốc?

- Tôi là bác sĩ tạo hình chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt dù không chuyên về gây mê, nhưng đã có kinh nghiệm phẫu thuật nhiều năm. Do đó, tôi biết nhiều nơi không sử dụng fentanyl nữa trong gây mê để an toàn. Bởi thuốc fentanyl có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, trong đó thuốc có thể gây suy hô hấp cấp.

* Là bác sĩ phẫu thuật chính, khi biết thuốc fentanyl có nhiều tác dụng phụ như vậy, tại sao anh không yêu cầu bác sĩ gây mê, bệnh viện sử dụng thuốc thay thế fentanyl cho bệnh nhân?

- Tôi không biết chuyện này cho đến khi Bệnh viện Nhân dân 115 hỏi bác sĩ gây mê tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas dung thuốc gì thì tôi mới biết.

Phẫu thuật xong, lúc tôi kiểm tra cho bệnh nhân, mọi việc vẫn bình thường. Nên tôi khâu kéo lưỡi để đề phòng tụt lưỡi. Khi thấy sưng nề sàn miệng, chúng tôi hút sạch miệng không thấy chảy máu. SaO2 (chỉ số về oxy máu động mạch) khi đó vẫn là 95%, 30 phút sau đó mới tụt xuống.

Bac si phau thuat ca hon me sau got cam: 'Co the do thuoc fentanyl'
 

Trong y khoa, mọi chuyện rất khó nói. Vì vậy, đây chỉ là giả thuyết, mọi kết luận chính xác, cụ thể nên để hội đồng chuyên môn đánh giá. Hiện tôi và Bệnh viện thẩm mỹ Emcas đang cố gắng hết sức, làm những gì tốt nhất để cứu chữa cho bệnh nhân.

Khi phóng viên gọi điện thoại cho bác sĩ D. – bác sĩ gây mê cho chị Đ.; ông cho rằng: “Trong quá trình gây mê không có gì bất thường. Tôi không có xài thuốc lạ. Tôi làm đúng quy trình, bệnh nhân gây mê phẫu thuật xong, sau đó tỉnh bình thường. Bệnh nhân giao tiếp được. Mọi việc tôi đã báo cáo về Sở Y tế TPHCM hết rồi”.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, một số bác sĩ, dược sĩ tại các bệnh viện lớn ở TPHCM nhận định: Rủi ro trong phẫu thuật, gây mê rất khó bàn luận; dù quy trình phẫu thuật, quy trình gây mê, hậu phẫu phải kiểm soát chặt chẽ thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.

Vụ việc nào cũng cần xem xét rõ, trước sau phẫu thuật cụ thể thì may ra mới biết được nguyên nhân. Trong những vụ việc liên quan đến rủi ro ngoài ý muốn thì cần chia sẻ, thông cảm với bác sĩ.


Tiến Đạt thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI