Đã làm cha mà vẫn còn Sở Khanh thì bản chất lưu manh không thể nào thay đổi

06/10/2017 - 16:33

PNO - Đàn ông có thể ham chơi, hoang đàng, vô trách nhiệm với cha mẹ và cả chính mình suốt thời trai trẻ, nhưng có khi vì một đứa con mà quyết tu tâm dưỡng tánh, quay đầu là bờ.

Nếu đã làm cha mà vẫn là một gã Sở Khanh dám làm không dám chịu, thì có lẽ đó đã là bản chất, tính lưu manh ăn vào máu thịt rồi, không gì thay đổi được.

Da lam cha ma van con So Khanh thi ban chat luu manh khong the nao thay doi
 

Nhiều năm trước, tôi yêu một người đàn ông đã có gia đình. Vô số lần trước mặt tôi, anh chửi vợ mắng con bằng nhiều lời lẽ khó nghe. Tết Trung thu hay sinh nhật con, anh cũng mặc kệ. Thậm chí, có khi thằng bé sốt, anh vẫn thản nhiên bỏ mặc cho vợ đưa đi bệnh viện, để cùng tôi đi khách sạn. 

Tuổi trẻ háo thắng, tôi bất chấp sự thật rằng, anh vốn không coi vợ con ra gì. Thái độ chồng chúa vợ tôi thì khỏi cần phải tinh ý mới nhận thấy. Chẳng tới mức ngu dại không nhìn ra, đấy chỉ là một “cậu bé” to xác, ích kỷ, ham chơi, vô trách nhiệm. Nhưng tôi vẫn gạt qua một bên, bởi anh đẹp trai, khá thành đạt trong công việc, lại… vô cùng dẻo miệng.

Phụ nữ yêu bằng tai, chớ có sai bao giờ. Tôi nhiều lần muốn dứt bỏ mối quan hệ chẳng đi tới đâu đó, nhưng trước nỗi cô đơn, cộng với thói quen luôn có anh bên cạnh, tôi cứ năm này tháng nọ đứng trong bóng tối, cam tâm làm một người tình để dành.

Da lam cha ma van con So Khanh thi ban chat luu manh khong the nao thay doi
Ảnh minh họa

Anh lớn hơn tôi gần chục tuổi, nhưng ít khi biết quan tâm chăm sóc người tình. Chủ yếu anh đưa tiền, tôi muốn mua gì tự sắm sửa. Anh thích được tôi nuông chiều, gãi lưng, đấm bóp, cưng nựng. Ăn uống thì phải đón ý anh mà gọi món, nhường đũa. Đi chơi xa, tôi khệ nệ với túi lớn túi nhỏ, anh bảo tính mình không thích lỉnh kỉnh. Nhiều lần anh đi công tác xa, tôi thèm chút đặc sản địa phương, nhưng chẳng bao giờ anh chịu mua về.

Rồi tôi mang thai. Anh bảo, cho tôi toàn quyền quyết định, nếu đẻ thì anh chu cấp tiền để nuôi. Tôi phân vân mãi cho tới ngày đứa trẻ lớn thêm trong bụng, đã bắt đầu biết quẫy đạp. Lòng người đàn bà xuôi lặng theo số phận, rằng ừ thì con mình, sao nỡ bỏ đi…

Định mệnh trêu ngươi, ngay thời điểm đó, anh bắt đầu gặp khó khăn trong công việc. Khỏi phải nói, anh cáu bẳn, thô lỗ, tính toán với người thân đến thế nào. Cả tôi và đứa trẻ vừa chào đời cũng chẳng là ngoại lệ. Chẳng thấy bỉm sữa khăn áo đâu, chỉ toàn những lời dằn hắt dành cho nhau.

Nỗi tủi thân khi thấy anh mặc kệ hai mẹ con cả vật chất lẫn tinh thần, khiến tôi hay trách cứ. Mà một người đàn ông như anh, làm sao đủ tâm và kiên nhẫn để kham nổi việc chăm lo con mọn. Khi con tôi chưa tròn năm, anh tuyên bố chia tay. 

Da lam cha ma van con So Khanh thi ban chat luu manh khong the nao thay doi
Ảnh minh họa

Sau này tìm hiểu tôi mới biết, ngay cả vợ con anh lúc ấy cũng khốn khổ vô cùng, sống thiếu thốn tằn tiện trong khi anh vẫn ung dung. Tôi lặng lẽ rời xa người đàn ông tệ bạc ấy, vì hiểu ra rằng, mình có tung hê lên thì mọi bẽ bàng chính mình phải gánh chịu. Huống gì bây giờ, tôi đã có con, tôi cần sống cho đàng hoàng vì con tôi nữa…

Ai đó từng bảo, một người đàn ông thường sẽ trưởng thành, biết sống đúng chất “người” hơn khi có con. Cứ thử vào bệnh viện phụ sản mà xem, những người đàn ông lần đầu lọng cọng làm bố đã sẵn sàng thức đêm vàng cả mắt để trông con. Những ông bố tảo tần nhường cho con miếng ngon trên mâm cơm.

Những ông bố không quản ngại nắng nôi vất vả để kiếm thêm cho con đồng quà tấm bánh. Những ông bố sẵn sàng từ chối độ nhậu cuối ngày, chấp nhận nghe chiến hữu xài xể khích bác để về làm tàu hỏa, xe hơi, xe ngựa cho con cưỡi con chơi… Nhiều. Nhiều lắm. Đi khắp thế gian, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha, là gì…

Nhưng tôi cũng tin rằng, khi một người đàn ông đến con mình cũng có thể phủ nhận hoặc ngoảnh mặt, không ngó ngàng tới, thì họ vĩnh viễn vẫn là một đứa trẻ. Mẫu nam giới bạc bẽo cạn tình ấy sẽ luôn coi chính mình là trên hết, mặc kệ đói no thiếu đủ của vợ con, miễn sao mình vẫn được ăn ngon mặc đẹp để lòe thiên hạ là được.

Đàn ông có thể ham chơi, hoang đàng, vô trách nhiệm với cha mẹ và cả chính mình suốt thời trai trẻ, nhưng có khi vì một đứa con mà quyết tu tâm dưỡng tánh, quay đầu là bờ. Nhưng nếu khi đã làm cha, mà vẫn là một gã Sở Khanh dám làm không dám chịu, thì có lẽ không gì có thể khiến họ thay đổi được nữa rồi. Đó đã là bản chất, tính lưu manh ăn vào máu thịt, đến cuối đời thì vẫn sẽ giữ nguyên thói nguyên lề.

Rồi thì cũng có ngày, ông trời bù đắp cho mẹ con tôi. Đó là khi tôi chuyển sang công ty mới, khép lại quá khứ để làm lại từ đầu. Ở đó, tôi gặp chồng tôi bây giờ, người đã rộng lòng và vui vẻ làm cha của con tôi. Những câu chuyện về bọn nhóc đã kéo chúng tôi lại gần nhau, sẻ chia, tin cậy và ấm áp.

Anh góa vợ, một mình đi làm nuôi đứa con gái nhỏ. Thi thoảng con bé nghỉ học hoặc cảm sốt, anh lại chở bé vào cơ quan. Anh kể, hồi trước ham nhậu nhẹt đàn đúm lắm. Từ hồi mẹ con bé sinh khó rồi mất, anh đã “giải nghệ”, toàn tâm toàn ý lo cho con. Con trẻ đã thiệt thòi rồi. Đàn ông mà, có thể bỏ rơi đàn bà, chứ sao có thể để mặc con mình.

Cứ nhìn vào cách một người đàn ông đối đãi với con mình thì hiểu họ đã trưởng thành, hay mãi mãi là “trẻ trâu”. Anh dỗ con từng muỗng nhỏ, miệng dịu dàng mỗi lời yêu thương, bàn tay đàn ông vững chãi xách cái cặp nhỏ xíu màu hồng của con cùng bao nhiêu túi đồ lặt vặt, mới hiểu, đều là đàn ông, nhưng họ khác nhau đến vô cùng. Khoảnh khắc ấy, tôi đã thầm nghĩ rằng, cô gái nhỏ ấy tuy mất mẹ, nhưng vẫn may mắn hơn người… 

Bằng Lăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI