“Loa loa, dầu ăn giảm giá đến 5.000 đồng, nước giặt, xà bông cũng giảm mạnh, mua một tặng một nè bà con. Mại vô!”, lời rao của cậu nhân viên một cửa hàng tiện lợi thu hút người dân kéo đến.
Trong khi đó tại chợ, anh bán rau nhiệt tình giới thiệu khách nào giá đỗ, mồng tơi, cải ngọt chuẩn Vietgap mà anh mới đưa về. Cửa hàng tiện lợi và tiểu thương tại chợ, kẻ “xuống” - người “lên” bắt nhịp tâm lý mua sắm đang chộn rộn ở vùng ven.
Xắn quần đi cửa hàng tiện lợi
Cứ tầm 7-9g sáng mỗi ngày, tại các cửa hàng tiện lợi trên đường Phan Văn Hớn (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM) lại tấp nập khách ra vào. Có chị mặc đồ bộ, bồng con vô mua sắm, có dì còn xắn quần, đội nón lá tranh thủ đi “siêu thị” rồi ra ruộng...
Người chỉ mua bó rau, vài miếng thịt, vừa mua vừa hỏi giá inh ỏi rồi “xà quần mấy bận” cầm lên để xuống, tính nhẩm xong mới mang ra quầy tính tiền.
Cảnh tấp nập, bình dân, nhộn nhạo này xuất hiện vài tháng nay khi nhiều cửa hàng tiện lợi "đổ bộ" ra vùng ven. Đoạn đường Phan Văn Hớn chỉ dài 5km nhưng có đến 5 cửa hàng tiện lợi. Xung quanh khu vực này hiện có nhiều tên tuổi của các cửa hàng tiện lợi Vinmart+, Satra Food, Bách hóa xanh…
Nếu như ba năm trước, muốn mua bó rau, miếng thịt chuẩn Vietgap, người dân phải mất 20-60 phút để đến các siêu thị gần nhất. Người có thu nhập cao, ý thức về an toàn thực phẩm cũng không có nhiều lựa chọn ngoài chợ truyền thống và các quầy hàng nhỏ lẻ. Giờ đây, khách có thể vừa đi bộ tập thể dục gần nhà, vừa tranh thủ ”đi chợ”.
Đã vậy, “bà con vào cửa hàng không phải trả giá vì mức giá niêm yết rõ ràng, máy lạnh cứ phà phà vào mặt, nhân viên phục vụ nhiệt tình” - một người mua tâm đắc chia sẻ.
Có dì chưa kịp cho đồ vào giỏ, nhân viên đã đến trước mặt chào hàng: “Hôm nay, cá nục, cá hường giảm giá mạnh, dì muốn mua thêm không?”, chưa kịp suy nghĩ, lại nghe nhân viên khác rao to: “Mấy dì, mấy chị ơi, với hóa đơn 100.000 đồng sản phẩm sữa A, mình sẽ được giảm 15.000 đồng tiền chợ ạ”.
Chưa kể, có bao nhiêu thứ khuyến mãi hấp dẫn, cửa hàng đều dán bảng thông báo trên cửa kính, nhân viên cứ liên tục giới thiệu khiến khách hồ hởi lựa chọn.
Các cửa hàng tiện lợi còn dùng nhiều "chiêu" đánh vào tâm lý mua hàng của người dân ngoại thành. Chiều tan tầm, nhân viên mang xà bông, nước giặt, dầu ăn, nước mắm giảm giá ra ngoài cửa hàng rồi đọc loa mời khách.
Có anh nông dân đang chở mấy bao lúa đi ngang, thấy lạ cũng dừng lại nghe ngóng. Mấy chị công nhân thấy xôm tụ, tranh thủ tạt vào để chọn hàng... Bởi họ tin “có công ty uy tín đứng sau, hàng có gì dễ mắng vốn”.
Về vùng ven đi cửa hàng tiện lợi, người Sài Gòn cũng thấy một không khí khác, thân mật, rộn rã và… ồn hơn ở khu vực trung tâm. Song, lúc này nó lại có vẻ phù hợp và góp phần khiến thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân bắt đầu thay đổi.
Họ chấp nhận mua phần thịt, miếng cá, bó rau… có giá cao hơn một chút, miễn là chất lượng đảm bảo, nhất là khi mạng xã hội, ti vi liên tục phát thông tin cảnh báo vấn nạn thực phẩm bẩn.
Anh bán rau lên đời cho… bó rau
Không chỉ cung cấp hàng hóa có nguồn gốc, hệ thống cửa hàng tiện lợi còn dần thay đổi cách kinh doanh của các quầy hàng ở chợ gần đó. Tiểu thương bán ở các chợ nhỏ vùng ven này hầu hết có nguồn gốc từ nông dân, chất phác và chậm thay đổi.
Song, khi những quầy rau “bắt mùi” giảm khách vì bị cạnh tranh, người bán cũng thấy được những cái hay của cửa hàng tiện lợi để… bắt chước. Trước đây, vợ chồng anh Quy, bán rau gần chợ Xuân Thới Thượng, nổi tiếng chiều khách và bán giá phải chăng.
Song hiện nay, sự nổi tiếng này không đủ mạnh để hút khách như trước nữa khi cửa hàng tiện lợi xuất hiện. Anh Quy bàn với vợ bắt chước cửa hàng tiện lợi, tân trang lại quầy rau thật gọn gàng, bắt mắt. Trên kệ, anh bày thêm vài loại rau có dấu mộc công ty, hợp tác xã chuẩn Vietgap để khách có thêm lựa chọn.
Các nhà bán lẻ, cửa hàng tiện lợi đã nắm bắt được đặc điểm của người dân, đặc biệt là dân vùng ven, khi rầm rộ mở cửa hàng tại các huyện ngoại thành và kinh doanh với phong cách gần gũi.
Thực tế, các cửa hàng tiện lợi luôn tấp nập khách trong những ngày khai trương.
|
“Khách của tôi đủ thành phần từ giáo viên, cán bộ xã đến cả nông dân, họ chọn mua vì rau luôn tươi, giá cả phải chăng, phục vụ nhiệt tình. Tuy nhiên, phải thừa nhận, từ ngày có cửa hàng tiện lợi, bà con chuyển qua đó mua sắm nhiều, tuy thu nhập không giảm là bao nhưng tôi lo lắm. Không thay đổi thì chết, có thêm vài món rau Vietgap cạnh tranh với cửa hàng tiện lợi, rõ ràng bà con có thêm lựa chọn, họ muốn bỏ mình cũng khó”, anh Quy cười tươi giải thích.
Báo cáo mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cũng cho thấy, người tiêu dùng nông thôn khá tin tưởng các nhà bán lẻ, họ sẵn sàng chọn mua những mặt hàng mà nhà bán lẻ tư vấn, chưa kể, 70% người tiêu dùng nông thôn mua sắm dựa theo sự giới thiệu truyền miệng của anh em, họ hàng, xóm giềng...
Rõ ràng, các nhà bán lẻ, cửa hàng tiện lợi đã nắm bắt được đặc điểm của người dân, đặc biệt là dân vùng ven, khi rầm rộ mở cửa hàng tại các huyện ngoại thành và kinh doanh với phong cách gần gũi. Thực tế, các cửa hàng tiện lợi luôn tấp nập khách trong những ngày khai trương.
Sau đó, dù không đông đến mức phải chờ đợi xếp hàng thanh toán, nhưng các cửa hàng luôn có khách lai rai đến mua sắm. Các cửa hàng này tồn tại và phát triển thế nào là câu chuyện dài, nhưng trước mắt, khi sự cạnh tranh bắt đầu, người tiêu dùng được tận hưởng các dịch vụ mua sắm văn minh, chất lượng hơn.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel: Hơn 1/3 hộ gia đình Việt chọn mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi và xu hướng này ngày càng tăng. Theo đó, số lượng cửa hàng tiện lợi cũng đang gia tăng với tốc độ “chóng mặt”.
Vinmart+: sẽ mở hơn 1.000 cửa hàng trong năm 2017-2018.
FamilyMart: có 130 cửa hàng, sẽ mở thêm 50 cửa hàng và sẽ mở hơn 800 cửa hàng vào năm 2020.
7 - Elevent: mở 300 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng ba năm và phát triển lên 1.000 cửa cửa hàng tiện lợi.
Bách hóa xanh: 50 cửa hàng chuyên bán hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm tươi sống; sẽ còn tăng thêm 350 cửa hàng tiện lợi sau 10 năm.
|
Thu Hồng