Từ 'chế độ 60 phút' đến nhà trẻ công sở

26/04/2018 - 09:00

PNO - Hình ảnh phụ nữ không những có sự nghiệp mà còn chu toàn tốt trách nhiệm của người vợ, người mẹ có lẽ là “cái bẫy” gánh nặng cho tất thảy nữ giới.

Nữ giới, đặc biệt bà mẹ có con nhỏ cùng các nhà hoạt động nữ quyền không khỏi nức lòng trước thông tin Thượng viện Mỹ ngày 18/4 ban hành điều luật mới: “Trong các phiên bỏ phiếu, nữ chính khách được mang con dưới 12 tháng tuổi vào phòng họp Thượng viện”.

Như một hiệu ứng cánh bướm (một con bướm đập cánh ở nơi này có thể gây nên cơn lốc ở nơi khác), nhiều người hướng đến một viễn cảnh thách thức: các bà mẹ đi làm được mang theo con nhỏ và công sở nên có nhà giữ trẻ.

Tu 'che do 60 phut' den nha tre cong so
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth - người tiên phong đấu tranh giành lá phiếu ủng hộ

Áp lực vô hình

Nói về sự ra đời của điều luật, thượng nghị sĩ Tammy Duckworth - người tiên phong đấu tranh giành lá phiếu ủng hộ, cho biết: “Thượng viện đang làm gương và gửi đi một thông điệp quan trọng, rằng các bậc cha mẹ dù làm việc ở đâu đều xứng đáng được hưởng các chính sách thân thiện với những người có gia đình”.

Trước đó, Quốc hội Úc cũng đã cho phép các bà mẹ cho con bú trong phòng họp và nhiều quốc gia không cấm nghị sĩ mang con nhỏ lên nghị trường. Những năm gần gây, hình ảnh nữ chính khách cho con bú giữa phiên họp nổi lên như một biểu tượng đẹp đẽ của người mẹ và quyền trẻ em được bảo vệ - bằng tuyên ngôn: “hành động nhân văn, rất con người này hãy được xem là bình thường”. 

Đưa con đến sở làm là đãi ngộ giúp phụ nữ an tâm cống hiến, nâng tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động. Thế nhưng, hình ảnh này chưa bao giờ là câu chuyện được ai tự công khai. Ở nhiều tập đoàn lớn như Google, Facebook, linh hoạt trong chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ nuôi con nhỏ, các bà mẹ được đưa con đến nơi làm việc, song hầu hết họ căng thẳng khi nhận được tin nhắn, đứa trẻ chỉ cách một cánh cửa đang lên cơn khát sữa. Giữa guồng quay chung, những bà mẹ này mặc cảm, e ngại là nguyên nhân cho sự chỉ trích xao nhãng, khiến công việc bị chậm hoặc để xảy ra sai sót nhỏ. 

Bộ luật Lao động nước ta quy định phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú. Dẫu vậy, không đứng ngoài mặc cảm, e ngại “lỗi mắt xích” nói trên, các bà mẹ vẫn tranh thủ đi làm trễ hoặc trở về nhà sớm hơn. Nhiều người do thể trạng không đủ sữa vắt dự trữ, đành chọn cho con bú giờ nghỉ trưa bằng cách quay về nhà.

Phương án nhờ người thân đưa con đến chỗ làm rồi thực hiện “chế độ 60 phút” ngay tại nơi làm việc ít khi là lựa chọn, khi mà, các bà mẹ không có thêm ưu đãi: một không gian dành riêng. Đa phần, họ phải ôm con trốn vào toilet hay góc khuất sau hành lang, cánh cửa.

Viễn cảnh đầy thách thức

Hình ảnh phụ nữ không những có sự nghiệp mà còn chu toàn tốt trách nhiệm của người vợ, người mẹ có lẽ là “cái bẫy” gánh nặng cho tất thảy nữ giới. Trong nỗi khổ tâm “không có thời gian cho con”, điều luật mới của Mỹ chạm vào ước muốn đầy thách thức của rất nhiều bà mẹ: đảm bảo công việc, đảm bảo gần gũi con những năm tháng đầu đời.

Cùng với không gian dành riêng của “chế độ 60 phút”, bằng sự kết hợp, trở thành giấc mơ mỗi công sở có một nhà giữ trẻ riêng, hay một căn phòng đầy đồ chơi cho trẻ. Các bà mẹ tin rằng, xua được cảm giác có lỗi bằng ý nghĩ được gần con, họ sẽ an lòng cống hiến cho công việc.

Thực tế, rất nhiều công ty hiện đã có phòng vui chơi cho trẻ. Song, nó không nằm trong mục đích “cho phép mang con nhỏ đi làm”, mà chủ yếu phục vụ nhu cầu những phụ huynh tan ca muộn so với giờ con tan học. Họ đón, đưa con về nơi mình làm việc. Ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất hay các công ty quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu người lao động, nhà giữ trẻ cũng đã được xây dựng và vận động xây dựng. Thế nhưng, nó vẫn mới là giải pháp cho bài toán không có nhà giữ trẻ thay cho vì mong muốn mang con đến sở làm. 

Cởi bỏ áp lực “vẹn công việc, vẹn gia đình”, trong khi nhà giữ trẻ nơi công sở còn là giấc mơ cần rất nhiều “lá phiếu”; có lẽ “chế độ 60 phút” nên được phát huy bằng chính sự đòi hỏi duy trì tính hữu dụng. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI