Đường sắt Trung Quốc ở Kenya và nỗi ám ảnh về khoản nợ khổng lồ

21/05/2019 - 12:17

PNO - Kenya đang phải gánh một khoản nợ khổng lồ để mua tuyến đường sắt hiện đại trị giá 3,6 tỷ USD của Trung Quốc mà họ hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước, bất chấp những tranh cãi phát sinh từ quyết định này.

Duong sat Trung Quoc o Kenya va noi am anh ve khoan no khong lo
Một công nhân đường sắt Trung Quốc trên đoạn đường sắt từ Nairobi đến Navaisha của tuyến đường sắt mới ở Kenya

Người dân Kenya vốn ám ảnh với tuyến đường sắt cũ của mình - Lunatic Express - do Anh xây dựng từ năm 1903. Tuyến đường này được xây dựng trên triết lý “đường sắt tạo nên quốc gia” của một nhà quản lý thực dân, Sir Charles Norton Edgecumbe Eliot.

116 năm sau, một tuyến đường sắt mới được xây dựng gần như song song với Lunatic Express (đường sắt điên rồ) của Anh, nhưng do một cường quốc khác đầu tư, đó là Trung Quốc.

Lunatic Express là một kỳ công tuyệt vời của kỹ thuật xây dựng đường sắt với trị giá ban đầu là 840 triệu USD, một công trình gây nên sự tranh cãi và phẫn nộ ở chính quốc, vì người dân Anh ít hy vọng tuyến đường này sẽ sinh lời .

Để xây dựng Lunatic Express, người Anh đưa đến gần 32.000 công nhân Ấn Độ, họ xây dựng 12.000 chiếc cầu và lắp 4,8 triệu chốt thép cho đường ray. Tổng cộng, gần 2.500 người đã bỏ mạng khi xây dựng tuyến đường sắt “điên rồ” – vì lao động cực nhọc và điều kiện sinh hoạt tồi tệ.

Năm 2014, chính phủ Kenya quyết định thay tuyến đường sắt già nua và đồng ý trả cho Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) 3,6 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt mới hiện đại theo phương thức BOT nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển của đất nước Đông Phi này.

Duong sat Trung Quoc o Kenya va noi am anh ve khoan no khong lo
Tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng trải dài từ Mombasa đến Nairobi

Một số nhà phân tích nhận định, đây là một canh bạc lớn của Kenia, vì giống như tuyến đường sắt nhiều tranh cãi trước đó, tuyến đường mới sẽ biến Kenya thành một con nợ lớn của Trung Quốc mà rất nhiều năm sau họ mới có thể thoát khỏi.

Truyến đường sắt mới do trung Quốc xây dựng có tên là Madaraka Express, chạy ngang qua một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất ở Kenya với tốc độ 120 km một giờ. Madaraka Express là một trải nghiệm gây tò mò, nhưng nó không phải là tuyến đường để đi thăm công viên ngoài trời safari.

Đường ray được đặt cao trên những cột bê tông khổng lồ, tuyến đường sắt tiêu chuẩn (SGR) có thể chịu những cơn mưa lớn và dành đường qua lại cho những đàn voi  cũng như hươu cao cổ.

Công ty đường sắt Kenya (KRC) tuyên bố Madaraka Express chưa bao giờ bị trễ và đã vận chuyển 2,7 triệu hành khách kể từ khi khai trương vào tháng 5/2017, 70% trong số đó là người địa phương. Vé tiết kiệm có giá 1.000 shilling Kenya (10 đô la) và với 4,5 giờ chạy, chuyến tàu giảm một nửa thời gian hành trình trên đường và nhanh hơn bốn lần so với tuyến cũ Lunatic Express.

Duong sat Trung Quoc o Kenya va noi am anh ve khoan no khong lo
Ga tàu Nairobi ở ngoại ô thành phố

Ấn tượng ban đầu của Madaraka Express thật tuyệt vời, khoang hạng nhất có các ổ cắm sạc và các phòng vệ sinh trên tàu được làm sạch cứ sau mỗi 30 phút. Trên mỗi toa tàu đều in hình một lá cờ Trung Quốc, như muốn nhắc nhở hành khách về những người cung cấp dịch vụ đường sắt hoàn hảo này.

Elizabeth Nduta, 34 tuổi, một cư dân Nairobi, nói rằng Madaraka Express rẻ hơn so với đi máy bay và an toàn hơn so với xe buýt.

Nhưng sau tất cả những ấn tượng hào nhoáng Madaraka Express mang lại, những năm gần đây, tuyến đường sắt này bắt đầu gây tranh cãi vì khoản nợ khổng lồ treo lơ lửng trước mặt đất nước Kenya.

Tháng 12/2018, các báo địa phương đưa tin rằng cảng Mombasa có nguy cơ bị Bắc Kinh tịch thu vì các khoản nợ chưa thanh toán. Tính đến thời điểm năm 2017, Kenya vay của Trung Quốc 9,8 tỷ USD, chiếm 21% tổng nợ nước ngoài của nước Đông Phi này.

Mặc dù chính phủ Kenya và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều lên tiếng bác bỏ tin thất thiệt trên báo chí, nhưng người dân nước này vẫn chưa giải tỏa được mối lo. Năm 2018, tổng nợ công của Kenya chiếm 63,2% tổng sản phẩm quốc nội, theo ước tính tháng 10/2018 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, làm tăng rủi ro nợ của nước này lên mức trung bình.

Người ta nhớ lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từng nói: “Nếu bạn muốn thịnh vượng, trước tiên bạn cần xây dựng đường, việc thiếu cơ sở hạ tầng là một nút thắt kìm hãm sự phát triển độc lập và bền vững của châu Phi”. Ông ta nhấn mạnh, "việc xây dựng tuyến đường sắt Madaraka Express có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội lâu dài của Kenya và các nước lân cận”.

Duong sat Trung Quoc o Kenya va noi am anh ve khoan no khong lo
Công nhân Kenya xây dựng một nhà ga trên tuyến đường sắt

Tuy nhiên, không phải ai cũng thu được lợi nhuận từ tuyến đường sắt tiêu chuẩn SGR. Đó là bài học từ các công ty xây dựng địa phương trúng thầu tham gia làm tuyến đường Madaraka Express.

Khó khăn cơ bản là họ lệ thuộc vào các nhà quản lý Trung Quốc giám sát công trình, tiến độ cung cấp vật liệu xây dựng và việc trả lương. Nhiều công ty địa phương thiếu hụt nhân công do công nhân bỏ việc, thậm chí có công ty phá sản do làm việc với Trung Quốc.  

KRC nói rằng hiện chỉ còn khoảng 500 nhân viên Trung Quốc ở nước này, trong khi 80% lực lượng lao động của tuyến đường sắt là người Kenya. Đến năm thứ 7 sau khi khánh thành, người Kenya sẽ chiếm 100% lực lượng làm việc trên tuyến Madaraka Express.

Duong sat Trung Quoc o Kenya va noi am anh ve khoan no khong lo
Nhân viên Trung Quốc làm việc tại các nhà ga trên tuyến đường sắt

Tuy nhiên, một số lượng lớn người nhập cư từ Trung Quốc đi theo tuyến đường sắt đã gây nên sự phẫn nộ thậm chí là căng thẳng sắc tộc từ người dân địa phương, vì những người Trung Quốc được cho là cướp công ăn việc làm của người dân bản địa.

Năm 2015, một chủ nhà hàng Trung Quốc dán bảng cấm thực khách châu Phi sau 5 giờ chiều,  và sau đó 3 năm, một ông chủ người Trung Quốc bị trục xuất khỏi Kenya vì bị ghi lại trên video đã gọi một nhân viên là "khỉ".

Duong sat Trung Quoc o Kenya va noi am anh ve khoan no khong lo
Liên tục bùng nổ các cuộc đối đầu giữa người quản lý Trung Quốc và công nhân Kenya dọc theo tuyến đường sắt mới

Liên tục bùng nổ các cuộc đối đầu giữa người quản lý Trung Quốc và công nhân Kenya dọc theo tuyến đường sắt. Một phần của vấn đề, theo nhà chức trách ngành đường sắt Kenya, là sự phân biệt đối xử của người Trung Quốc đối với dân địa phương. Nhiều công nhân đường sắt cho biết họ không được phép rời khỏi khu vực nhà ở của công ty vào buổi tối hoặc cuối tuần nếu không được người quản lý Trung Quốc cho phép.

Duong sat Trung Quoc o Kenya va noi am anh ve khoan no khong lo
Đường hầm Ngong trên tuyến đường sắt của Trung Quốc, dài thứ hai ở châu Phi

Madaraka Express ban đầu được dự tính là một phần của Kế hoạch tổng thể đường sắt Đông Phi sẽ kết nối Kenya với Ethiopia, Uganda, Rwanda, Tanzania, Nam Sudan và cuối cùng, đi đến Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhưng hầu hết các tuyến trên vẫn mới chỉ là đề xuất. Xung đột trong nước, mối lo ngại ngày càng tăng về nợ châu Phi và các mối quan hệ chính trị khu vực tồi tệ đã chứng kiến tuyến đường sắt Kenya bị đình trệ tại Nairobi.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là không ai muốn thấy sự trở lại điên rồ của tuyến đường thực dân Lunatic Express.

Tô Châu (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI