Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị đánh vẫn hoảng loạn tinh thần, chưa thể đi làm

19/04/2018 - 12:59

PNO - Theo thông tin từ phía Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), tới thời điểm hiện tại, bác sĩ V.H.C. bị người nhà bệnh nhân hành hung tối ngày 13/4 vẫn phải nghỉ việc và tinh thần vô cùng hoảng loạn.

Bệnh viện Xanh Pôn lên tiếng chậm trễ?

Sau gần 1 tuần bác sĩ V.H.C. bị đánh, sáng 19/4, Bệnh viện Xanh Pôn mới chính thức lên tiếng vụ hành hung bác sĩ đêm 13/4. Điều đáng nói, tại cuộc họp báo, bác sĩ C. đã không xuất hiện.

Giải thích về điều này, PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, bác sĩ V.H.C. vô cùng hoảng loạn và tới nay vẫn phải nghỉ làm.

Thậm chí, sau đêm 13/4, lo ngại bị đối tượng hành hung trả thù, bác sĩ C. còn có ý định xin bãi nại cho người tấn công mình. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xử lý vụ việc. Theo bác sĩ Hùng, bố của bệnh nhi 7 tuổi không chỉ hành hung bác sĩ, mà còn tấn công một bảo vệ, tuy nhiên anh này đã tránh được.

Bac si Benh vien Xanh Pon bi danh van hoang loan tinh than, chua the di lam
BS Trần Trung Dũng - PGĐ BV Xanh Pôn lên tiếng về sự việc

Không ít ý kiến cho rằng, ban lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn phản ứng quá chậm trễ, thậm chí là “bỏ rơi” bác sĩ khi đến nay mới lên tiếng. Ông Dũng lý giải đây là vụ việc tạo dư luận trong xã hội, nhưng phải chờ có thông tin đầy đủ dựa trên căn cứ và hướng xử lý của cơ quan điều tra mới cung cấp tới báo chí.

Bác sĩ C. làm đúng quy trình

Giải đáp thông tin cho rằng là do bác sĩ V.H.C. thực hiện quy trình “khá cứng nhắc” nên dẫn đến sự vụ trên? Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định, quy trình xử lý khám chữa bệnh, cấp cứu của bệnh nhân liên quan được làm hoàn toàn đúng của quy định của bệnh viện và Sở Y tế.

Khi bệnh nhi vào khám, bác sĩ V.H.C. đã tư vấn chuyên môn, chi phí thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, đây là ca bệnh có liên quan tới tính thẩm mỹ nên việc giải thích này hoàn toàn bắt buộc, không chỉ chuyên môn mà cả ngoài chuyên môn. “Việc quyết định là của chính gia đình bệnh nhân, bệnh nhân chứ không ai quyết định thay”, bác sĩ Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, bệnh nhi trong vụ việc bị tổn thương vùng cằm hàm mặt, đây là vấn đề liên quan đến thẩm mỹ nên bác sĩ cần thiết phải tư vấn kỹ để gia đình bệnh nhi quyết định và lựa chọn.

Hơn nữa, với những trường hợp cấp cứu (chảy máu kéo dài, sốc…) bắt buộc phải đưa lên phòng mổ hoặc khâu kịp thời tại phòng khám, còn những trường hợp khác thì bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình trực tiếp đánh giá xử lý để đạt mục tiêu tốt nhất, đẹp nhất cho bệnh nhân. Trong trường hợp này, theo bác sĩ Dũng, bệnh nhi thương tổn không nặng, không chảy máu vùng mặt nên quy trình hoàn toàn đúng.

"Sau vụ việc này, bệnh viện mong muốn cơ quan công an, pháp luật phải làm nghiêm, làm đúng, để không tái diễn vấn nạn này”, bác sĩ Dũng nói.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI