Trường ĐH-CĐ đã bị thâu tóm như thế nào?

19/07/2013 - 20:20

PNO - PN - Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục ở bậc ĐH, nhiều trường ĐH, CĐ dân lập và tư thục đã ra đời. Nhưng vì những quy định còn thiếu rõ ràng, nên không ít nhà đầu tư đang tiến thoái lưỡng nan. Trong khi, lợi dụng sự...

BIẾN HÓA!

Trường ĐH dân lập Hùng Vương ra đời năm 1995 và đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm. Điểm mốc thứ nhất là vào năm 2004, sau khi nội bộ mất đoàn kết kéo dài, Bộ GD-ĐT đã cử ông Lương Ngọc Toản về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) lâm thời với mong muốn giúp trường này ổn định và phát triển. Nhưng sự yên ắng giả tạo chỉ kéo dài được vài năm. Ngày 12/6/2009, hai ông Lương Ngọc Toản (Chủ tịch HĐQT) và Lê Văn Lý (Hiệu trưởng) đã đại diện trường ĐH Hùng Vương ký biên bản thỏa thuận góp vốn với năm đơn vị, với tổng số vốn góp vào để xây dựng ĐH Hùng Vương là 50 tỷ đồng, trong giai đoạn đầu các đơn vị trên sẽ đầu tư 20 tỷ đồng. Từ đây, bằng những trò “ảo thuật”, quyền kiểm soát nhà trường (HĐQT) dần rơi vào tay nhóm các “đại gia”.

Khi bình tĩnh nhìn lại sự việc, người ta mới nhận ra được những trò “ảo thuật” đã diễn ra như thế nào. Thứ nhất, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương (một trong năm “đại gia” đầu tư vào trường) là đơn vị trực thuộc trường thì làm sao góp vốn để trở thành cổ đông của trường được! Thứ hai, trong bốn đơn vị còn lại thì chỉ Ngân hàng TMCP Miền Tây thực hiện cam kết gửi vào tài khoản Trường 20% số vốn đã đăng ký, tương đương với 1.540.000.000đ, ba đơn vị còn lại không thực hiện. Thứ ba, trong biên bản thỏa thuận góp vốn, tài sản của Trường ĐH Hùng Vương đã bị “hạ giá” từ hơn 19,3 tỷ đồng (theo số liệu kết quả định giá trị doanh nghiệp) xuống còn 17 tỷ đồng. Đáng nói là dù không thực hiện đúng cam kết (mới góp 5,1 tỷ đồng/20 tỷ đồng đăng ký) nhưng Chủ tịch HĐQT Lương Ngọc Toản vẫn vô tư công nhận… khống 15 tỷ đồng vốn góp của bốn “đại gia” để họ có đủ tư cách trước khi bước vào đại hội cổ đông (ĐHCĐ) và dễ dàng thâu tóm quyền kiểm soát trường sau đó, đưa ra “Đề án chuyển đổi trường ĐH dân lập Hùng Vương TP.HCM sang loại hình trường ĐH tư thục”, nhưng lại “bỏ quên” việc định giá tài sản hữu hình, xác định giá trị vô hình (thương hiệu) của trường ngay tại thời điểm đó.

Như cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, kiện cáo, tranh chấp bắt đầu và dai dẳng.

Truong DH-CD da bi thau tom nhu the nao?

Nhóm HĐQT ĐH Hùng Vương bó tay trong cuộc chiến giành con dấu vì Phòng Hành chính
kiên quyết chỉ bàn giao con dấu theo đúng quy định của pháp luật

KẺ LÀM THUÊ THÀNH ÔNG CHỦ!

Được thành lập vào năm 2009, trạng thái “trong ấm ngoài êm” của Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật (KTKT) Sài Gòn kéo dài không đầy một năm. Đến đầu năm 2010, Hiệu trưởng và Chủ tịch HĐQT bắt đầu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thì “bí mật” (sử dụng bằng ĐH giả) của ông Chủ tịch HĐQT bị phanh phui. Ông này bị Bộ miễn nhiệm. Kể từ đó, 22/3/2010, ông Phạm Phố - Hiệu trưởng kiêm luôn Chủ tịch HĐQT nhà trường và bắt đầu tự tung tự tác. Sự lộng quyền của ông Phố đã gây bất bình với hai thành viên HĐQT khác là bà Bùi Thị Kim Nương và ông Phạm Ngọc Dưỡng - cũng là hai cổ đông lớn của trường.

Nhận thấy trước được sự thất thế của mình trong các cuộc bầu bán nên ông Phố đã tự ý tổ chức ĐHCĐ trái quy định nhằm đưa thêm hai người của mình vào HĐQT. Vì sai quy định nên Sở GD-ĐT TP.HCM không chấp nhận kết quả đại hội nói trên. Tuy nhiên, ông Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT vẫn tiếp tục làm những điều sai trái.

Trong lúc “cuộc chiến” còn chưa ngã ngũ thì ông Phạm Phố âm thầm xác định lại vốn góp của các cổ đông: giảm từ 13,8 tỷ đồng còn 7,8 tỷ đồng. Theo đó, vốn của nhóm bà Nương - ông Dưỡng bị giảm từ gần 52% (theo cách tính cũ) xuống còn 30% (theo cách tính mới), vốn của nhóm ông Phố tăng từ 48,7% lên 68%. Sau đó, ông đem bán phần lớn số vốn của mình cho một nhóm cổ đông khác.

Sau khi bán vốn, ông Phố quay lại với ông Dưỡng - bà Nương để tổ chức một ĐHCĐ hợp pháp vào 5/1/2013 nhằm bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới nhưng bất thành. Từ đây, Trường CĐ KTKT Sài gòn rơi vào tình huống trớ trêu hơn: nhóm ông Dưỡng - bà Nương và một số người khác (chiếm khoảng 58% vốn góp) vẫn không nắm được quyền kiểm soát và điều hành đồng tiền của mình; nhóm cổ đông mới với hơn 40% vốn góp cũng không nắm. Ông Phạm Phố với vốn góp còn lại chỉ khoảng 100 triệu (tương đương với 0,7%) tiếp tục nắm giữ chức Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT, là chủ tài khoản và là đại diện pháp nhân của trường, điều hành nhà trường.

KẼ HỞ CỦA PHÁP LUẬT

Sẽ rất khó tin những câu chuyện vừa nêu nhưng nó lại hoàn toàn là sự thật. Nhưng, sự thật nào cũng đều có lý do!

Ông Phạm Ngọc Dưỡng cho rằng, trường CĐ tư thục là một pháp nhân đối vốn thì mọi việc cần được quyết định trên vốn chứ không thể trên người. Điều 2 của thông tư 14/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ngày 28/5/2009 ban hành Điều lệ trường CĐ ghi rõ “Trường cao đẳng tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân đầu tư”. Khoản 5 điều 35 cũng ghi rõ: “Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được coi là có giá trị hiệu lực khi có trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”- nghĩa là đối vốn.

Thế nhưng khoản 4 điều 35 lại quy định: “Cuộc họp Đại hội đồng được coi là tiến hành hợp lệ khi có từ 51% trở lên số cổ đông có quyền biểu quyết tham gia dự họp”. Ai cũng hiểu “từ 51% trở lên…” ở đây là đề cập đến vốn (khi đề cập đến người sẽ dùng tỷ lệ 1/2 hoặc 2/3), nhưng vì sự mập mờ, thiếu một chữ “vốn”, nên người ta cứ bám vào đó để tranh giành quyền.

Cũng theo ông Dưỡng, quy định “vừa đối vốn lại vừa đối nhân” như thông tư 14 nói trên là đi ngược lại thông lệ quốc tế, không theo luật nào và dễ dẫn đến sự bế tắc, bởi trên thực tế sẽ rất khó đạt được sự đồng thuận cả vốn và người. Những ông chủ thật dễ dàng bị đám đông khống chế.

Ở khối các trường ĐH tình hình cũng rối không kém. Vì ngại chữ “tư thục” mà Quy chế ĐH tư thục sau khi đã được ký ban hành kèm quyết định số 240-TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Quy chế 240) ngày 24/5/1993 đã không được thực hiện. Thay vào đó là Quy chế tạm thời ĐH dân lập vào tháng 1/1994 (Quy chế chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/7/2000). Quy chế này quy định: “Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường”. Quy định này đã biến tài sản của các nhà sáng lập, nhà đầu tư thành tài sản chung của cả tập thể, và đây là chỗ thường phát sinh tranh chấp trong quá trình chuyển đổi từ mô hình dân lập sang tư thục.

Về sau, quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục và quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế 61 đã giao sự quản lý hành chính đối với các trường ĐH tư thục về cho UBND tỉnh, thành phố (Bộ GD-ĐT chỉ quản lý chuyên môn), thì các trường lại gặp khó khăn khác, đó là hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, năng lực và bản lĩnh của cấp quản lý đối với trường ĐH tư thục. Cụ thể, sau những lùm xùm tại trường CĐ KTKT Sài Gòn, Sở GD-ĐT đã thanh tra, kết luận, chỉ đạo, nhưng ông Phạm Phố chẳng những không thực hiện mà còn tiếp tục những sai phạm khác!

 Minh Nhật - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI