Bà già nào chẳng ở một mình

08/09/2015 - 07:57

PNO - “Xưa gánh tới ba đứa nó mà còn sống được, giờ chỉ còn một mình, sợ gì không sống!”. 

Ba gia nao chang o mot minh
Ảnh mang tính minh họa - shutterstock

Mỗi lần nhớ chuyện xưa, người trong xóm hay nhắc hình ảnh bà nội tôi bụng mang dạ chửa, hai tay dắt theo hai đứa con còn thơ dại, ngơ ngác từ mộ ông về nhà, nước mắt giàn giụa.

Hồi ông mất, bà chưa được 30 tuổi, lại mang bầu chú út. “Đi biển một mình” khi còn quá trẻ, bà chỉ nghỉ thai sản vài ngày, rồi tiếp tục hành trình dài dặc buôn gánh bán bưng, dựng nhà, mua đất, cưới vợ cho con.

Nước mắt khóc chồng đã vơi, nhưng nỗi lo lắng cứ triền miên theo từng biến chuyển nhỏ nhặt trong cuộc sống của những đứa con. Hồi đó, chú út gần bốn mươi tuổi vẫn chưa vợ.

68 tuổi, ngày nào nội cũng thấp thỏm đứng ngồi như phải lửa. Mỗi lần chú đi đâu về khuya, bà ở nhà đi qua đi lại, gặp đứa nào lảng vảng cũng kêu lại, vờ hỏi han dăm câu, rồi tẽn tò nói một câu… cũ rích: “Thằng út… chắc nó đang hẹn hò hen bây?”.

Ba tôi kể, hồi đám con còn thanh niên, bà hay khéo léo dặn “nên cưới cô nào hiền hậu, mạnh khỏe, gần nhà”, lại còn “cưới vợ đẹp xấu gì cũng được, nhưng đừng cưới người nào mà chính mình cũng không nhìn ra vẻ đẹp, khó mà chung thủy”.

Thế mà những năm đó, hễ chú út dắt về cô nào, nội cũng nhiệt tình “bàn vô”. Đến nhà chơi có mấy cô chỉ thuần túy là bạn, nhưng tiễn khách về, nội lại chụp lấy tay chú út, rối rít tác hợp: “Con nhỏ ở đâu mà xứng đôi với bây quá!”.

Có mấy cô sang chơi cả buổi, bày bừa ăn uống ê hề, xong rồi… thủng thẳng đi về, chẳng mảy may dọn dẹp; vậy mà nội cũng hớn hở khen: “Con nhỏ còn trẻ, không sâu sắc nhưng được cái vô tư”.

Mỗi lần thấy nội vồn vã quá đà với khách, mặt chú út mếu xệch, còn đám cháu tôi thì xúm lại cười rúc rích. Riết thành quen, mỗi lần nhà có khách nữ vô thăm, tụi tôi lại xúm nhau kéo sang… xem, vì biết thể nào nội cũng “vào vai” bà chủ nhà hiếu khách, rồi chú út sẽ lúng túng, dấm dẳng la rầy, coi rất… vui.

Đong đưa hoài rồi chú cũng lấy vợ. Con cháu, xóm giềng thi nhau trêu nội “mừng quá cười không ngưng được”. Quả thật, giai đoạn đó nội cười hoài, gặp ai cũng hớn hở, rồi thỉnh thoảng lại bật cười một mình mỗi lúc bó củi, làm bếp. Bị tụi tôi bắt gặp, nội hay làm bộ trừng mắt, mắng: “Cha bây, tao mừng tao cười, không được hả?”.

Cười vậy, mà lòng nội cũng giấu mấy nỗi băn khoăn. Cả nhà ai cũng biết, nhưng nghĩ tới nghĩ lui rồi lại im lặng, “cầu an” phần mình. Thím út khá giả, sẵn đất ở thị trấn gần nhà.

Lúc chưa cưới, cả nhà đã thầm mừng khi nghe vợ chồng chú út bàn chuyện cất nhà. Có lần, trong mấy cuộc chuyện trò thường nhật, tôi hay nghe nội chậc lưỡi: “Thôi nó có hạnh phúc của nó, biết làm sao được”. Chuyện cất nhà của chú út đến lúc này lại thoảng chút xót xa.

Nội có ba người con trai. Gần 30 năm trước, ba tôi lấy vợ, nội sắm thêm giường gối, chia lại nhà, dọn cho ba mẹ tôi một căn phòng rộng rãi, tươm tất.

Nhưng, sắp đến ngày cưới, thấy mẹ tôi ngần ngại, không hào hứng mấy với căn phòng mới, nội giả lả: “Mẹ sắm vầy cho có không khí tân hôn, còn bây ở đâu cũng được, hai đứa cất được nhà riêng mẹ càng mừng”.

Ba mẹ tôi… cất nhà riêng thật. Nghe xóm giềng lời ra tiếng vào, người thân thiết còn nhiệt tình khuyên: “Có thằng con cả mà để ra riêng, mai sau lấy ai chèo chống?”; nội ậm ừ: “Còn hai thằng em nó lận mà. Với nhà có tới hai thằng thanh niên, dâu con về ở chung chạ cũng phiền”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI