Người đàn bà bán vài chục tờ vé số mỗi ngày nuôi chồng bệnh tim, con bại não

03/06/2018 - 19:03

PNO - Ngày nào chị cũng đi một vòng như vậy. Trừ những ngày nắng quá gắt hoặc mưa to. Chị đẩy theo đứa con bị bại não để bán vé số.

Một thân nuôi hai con dại với chồng bệnh tật

Nằm tận sâu trong con hẻm 27/169/15 Điện Biên Phủ, dãy nhà trọ 5 phòng cũ kỹ, chật chội là nơi tá túc của những người lao động nghèo. Họ đều là người Quảng Ngãi vào đây làm ăn sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Buôn bán, bốc vác, xe ôm…

Nguoi dan ba ban vai chuc to ve so moi ngay nuoi chong benh tim, con bai nao

Hai mẹ con chị Thành rong ruổi khắp phố bán vé số

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, chị Phạm Thị Thành (39 tuổi) quê ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi là khó khăn nhất. Chị là lao động chính trong gia đình, tiền chị kiếm được hằng ngày lo thuốc men cho người chồng bị bệnh tim, đứa con trai bại não và đứa con gái đang học lớp 5 ở quê nhà.

Chị kể: “Vào đây đã được 4 tháng, ở quê khổ quá không biết làm việc gì. Đành lòng để con nhỏ và chồng ở nhà, bồng bế theo đứa con bị bệnh này, chỉ mong kiếm được tiền lo cho gia đình”.

Con trai của chị Thành là Nguyễn Trọng Cảm, năm nay đã 12 tuổi nhưng trí não thì như em bé mấy tháng tuổi. Em nằm trên sàn nhà, đôi mắt ngơ ngác, người gầy nhom, trắng bạch và luôn nhỏ dãi. Lâu lâu em kêu ré lên thật to nghe quặn lòng.

Sài Gòn tấp nập, vội vã. Dưới cái nắng tháng 5 gay gắt, ngày qua ngày, chị Thành, dáng người nhỏ bé, gầy guộc, gương mặt hốc hác đẩy đứa con tật nguyền của mình rong ruổi khắp các con phố. Thằng bé ngo ngoe, ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn trông tội nghiệp. Một ngày chị chỉ bán được vài chục tờ, còn đâu mang về trả lại. Số tiền kiếm được chỉ hơn trăm ngàn đồng.

Nguoi dan ba ban vai chuc to ve so moi ngay nuoi chong benh tim, con bai nao

Nụ cười của hai mẹ con

“Có những ngày tôi phải về sớm vì trời nắng quá, nó chịu không được cứ la hét, lên cơn co giật. Những lúc đó tôi rất sợ. Dù có kiếm ít tiền hơn, thương thằng nhỏ phải về thôi. Lúc nó mới sinh ra, khoảng thời gian đầu gia đình không biết nó bị mắc bệnh hiểm nghèo. Đến khi được 6 tháng tuổi thấy nó không bình thường như những đứa trẻ khác, gia đình đưa vào bệnh viện nhi đồng để khám. Bác sĩ bảo nó bị bệnh bại não”, chị Thành nghẹn lời.

Vừa kể chuyện, chị vừa bóp tay, bóp chân cho thằng nhỏ. Chân tay nó lều khều, trơ xương nằm vùng vẫy giữa nền nhà nhìn xót xa. Thằng bé không chịu gối, lúc nào cũng ngóc cái đầu lên kêu ú ớ. Mắt em trợn ngược và có khi chảy lệ. Hồi ấy, bác sĩ khuyên gia đình phải đưa em đi làm vật lý trị liệu thường xuyên may ra mới giảm được phần nào. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền nuôi bệnh nên cậu bé chỉ được điều trị một năm rồi bỏ từ ấy đến bây giờ.

Thấy hoàn cảnh của chị Thành như vậy, cùng là kẻ xa xứ cầu thực nên ai trong xóm trọ nghèo cũng đồng cảm và thương hai mẹ con. Hiện chị đang sống nhờ nhà chị dâu. Trong căn nhà trọ nhỏ, chật chội, chưa được 20m2 đầy vật dụng áo quần bao quanh, càng u tịch hơn dưới cơn mưa chiều.

Nguoi dan ba ban vai chuc to ve so moi ngay nuoi chong benh tim, con bai nao

Mỗi lần Cảm đau quấy khóc, mẹ phải bồng ra ngoài

Chị Phạm Thị Phố (50 tuổi), cũng quê Quảng Ngãi là chị dâu của chị Thành, chị bán nước ở đường Lê Văn Hưu, Chị có một người con gái đang sống cùng, hàng ngày phụ giúp chị buôn bán.

Chị Phố tâm sự: “Thấy hoàn cảnh nó vậy tôi cũng thương lắm, đằng nào cũng khổ rồi, khổ thêm chút nữa cũng không sao. Bây giờ thuê nhà trọ đắt lắm, một ngày nó bán vé số có hơn trăm ngàn bạc thì sao xoay xở nên cho hai mẹ con nó tá túc ở đây luôn, thêm người thêm vui mà”.

Ngoài việc bán vé số, mỗi ngày chị Thành thường ra chỗ hàng quán của chị Phố để phụ bán hàng. Công việc tuy không vất vả nhưng chị phải trông con nhỏ nên nhiều khi cũng khó khăn. Nhưng, đó là nghĩa tình chị em chia sẻ cho nhau những lúc hoạn nạn.

Ăn cơm xay

Đã đến giờ ăn cơm. Con của chị Phố lấy tô múc một ít cơm, thêm vào ít thức ăn rồi cho vào máy xay sinh tố. Sau khoảng một phút, cơm nhuyễn ra trông giống cháo. Nhẹ nhàng lật ngã đứa bé, kê đầu vào bắp chân của mình, chị Thành ra hiệu nó không được cựa quậy nữa, một tay giữ đầu và tay kia múc từng thìa từ từ đưa vào miệng thằng bé. Đang ăn có khi Cảm cười lên sảng khoái, mẹ của nó cũng cười theo. Ba mươi phút sau nó ăn hết.

Nguoi dan ba ban vai chuc to ve so moi ngay nuoi chong benh tim, con bai nao

“Nuôi một mình nó bằng nuôi cả 3 đứa con nít, mỗi lần nó bệnh là phải ẵm suốt đêm vì nằm xuống nó không thở được. Được cái mình ăn gì là nó ăn nấy, chỉ ăn bữa trưa và tối, buổi sáng uống sữa, đặc biệt nó chỉ uống sữa bịch không uống loại khác dù có đắt tiền hơn”. Chị Thành thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua sữa cho con.

Chiếc xe đẩy của Cảm là tấm lòng của một người cô đầu xóm trọ mua cho. Cảm không bao giờ chịu ở nhà, mẹ đi đâu là đòi đi theo, từ khi có chiếc xe, chị Thành không phải ẵm nó đi nữa nên cũng đỡ mệt hơn nhiều. Có điều chiếc xe còn thấp, Cảm phải ngồi khom lưng rất tội.

Sống xa quê, đối mặt với bao bộn bề, lo toan cho cuộc sống, tiền kiếm được từ việc bán vé số không đủ trang trải, gia đình chị ở quê thuộc diện nghèo toàn diện, chồng chị bị bệnh tim lại vừa gặp tai nạn, đã khổ nay còn khổ hơn. Chị cho biết đứa con gái nhỏ ở nhà năm nay lên lớp 6, cháu tên là Nguyễn Thị Thùy Trang. Đứa nhỏ chính là động lực giúp chị vượt qua khó khăn, nó là tương lai của cả gia đình.

Trang học rất giỏi, rất ngoan. Cháu rất nhớ mẹ và anh hai, khi nào đi học về cháu lại mượn điện thoại gọi vào nói chuyện với mẹ. Ba cháu thường mắng cháu, gọi ít thôi không thì hết tiền.

“Mẹ đi chừng nào mẹ về, con nhớ mẹ lắm, mẹ có khỏe không, anh hai có nhớ em bé không. Con mong đến hè để được vào thăm mẹ với anh hai”.

Cơn mưa ngày càng nặng hạt, con đường xóm trọ chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đi. Anh hàng xóm đang tất bật rửa những bó hành cho kịp chợ chiều, chị Phố đã cột gọn gàng hàng nước của mình lên chiếc xe máy. Cảm đã ngủ, chị Thành chiều nay nghỉ bán.

Hữu Lập

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.