Cầu nguyện ở đền thiêng Ấn giáo

06/03/2018 - 09:25

PNO - Người Sài Gòn lúc nào cũng rộng lòng đón nhận các tinh hoa văn hóa, tín ngưỡng để làm giàu hơn đời sống tâm linh của mình.

Sáng đầu năm mới, khu trung tâm Sài Gòn thông thoáng, sinh hoạt thanh thản hơn ngày thường. Ngày tết và ít ngày sau đó - khoảng thời gian duy nhất tạm thời thoát các vấn nạn đô thị cũng là dịp người Sài Gòn bày tỏ lòng thành kính với đức tin tôn giáo. Nhà thờ, chùa, đền, miếu… nào cũng tấp nập tín đồ.

Cau nguyen o den thieng An giao
Nhiều người Việt, người Hoa đã đến úp mặt cầu nguyện ở đền Mariamman như những tín đồ Hindu thuần thành - Ảnh: Andy Trần

Một trong những phẩm chất đặc biệt về đức tin tín ngưỡng của người Sài Gòn là cúng viếng càng nhiều chùa, đình, miếu… càng tốt cho đời sống tâm linh. Chính nhờ sự rộng lòng, không cố chấp của người Sài Gòn mà đô thị này, ngay từ các thế kỷ trước, đã là đô thị đa văn hóa, đa tôn giáo.

Sài Gòn, nhất là khu quanh chợ Bến Thành, đầu thế kỷ XX, đã có cộng đồng người Nam Ấn, phần nhiều là người Tamil, theo chân người Pháp đến đây lập nghiệp với nghề cho vay, bán vải và địa ốc. Sách xưa chép, Sài Gòn có bốn đền thờ đạo Hindu. Nhưng ngày nay, đền thờ Ganesh ở đường Thuận Kiều, Q.11, mà dân thường gọi là chùa Ông Voi, không còn nữa.

Viếng các đền Ấn giáo là một phần trong hành trình đi cúng viếng của người Việt, người Hoa, để cầu nguyện phúc lành trong năm mới; dù nhiều người không phải là tín đồ của đạo Hindu.

Ba đền còn lại đều ở Q.1, thuộc đường Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Tôn Thất Thiệp. Trong đó, nổi tiếng và cổ kính nhất là đền thờ Bà, tên chính thức là đền Mariamman, tọa lạc ở số 45 Trương Định. Đền được cộng đồng người Tamil ở Sài Gòn xây dựng từ năm 1885. Nữ thần Mariamman chính là một hóa thân của thần Shiva tối cao.

Trong văn hóa Ấn Độ, Shiva được tầng lớp trung lưu và thượng lưu tôn thờ, còn dân nghèo tôn thờ nữ thần Mariamman. Bà giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mua may bán đắt, sức khỏe dồi dào, hôn nhân suôn sẻ, con cháu đông vui…

Chúng tôi đến đền Mariamman vào khoảng 10 giờ. Toàn cảnh cổ kính mang màu sắc huyền nhiệm của một ngôi đền Ấn giáo khác hẳn các ngôi chùa của người Việt, người Hoa, khiến người bình dân Sài Gòn có cảm giác được đi du lịch đến miền Nam Ấn.

Nhưng điều mà khách hành hương kính nể hơn hết là sự trang nghiêm không gian tôn giáo, trật tự trong hành lễ, tôn trọng lẫn nhau giữa các tín đồ mà ban trị sự người Việt gốc Ấn điều hành cho khách thập phương. Điều này cho thấy, tinh thần giữ gìn và tôn trọng sự gìn giữ nền tảng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng, dân tộc.

Nhờ đó mà hầu hết các lễ hội tín ngưỡng trên khắp miền Nam đến nay vẫn được đánh giá là văn minh hơn và ít xô bồ, biến tướng như tại một số lễ hội tâm linh ở một vài địa phương khác.

Các nghi thức cúng bái ở đền như đốt đèn, thắp hương, xin lộc cho thấy, sự tùy duyên theo nhu cầu tín ngưỡng của người Việt và người Hoa. Bên trong đền, ở ba mặt tường xung quanh có 18 tượng của 18 vị thần, đều là hóa thân của thần Shiva.

Ở bờ tường mặt sau chính điện thờ bà Mariamman, rất nhiều người Việt, người Hoa đứng úp mặt vào tường để cầu nguyện như những tín đồ Hindu thuần thành.

Phần đặc biệt nhất là nghi lễ nhận điểm chấm đỏ lên trán, giữa hai chân mày. Chấm màu đỏ được người Ấn gọi là bindi, tượng trưng cho danh dự, tình yêu và sự thịnh vượng, phát lộc, rồi sau đó được uống nước thánh. Đây là một nghi thức tôn giáo Hindu dành cho khách hành hương có tâm nguyện.

Nhìn những người đàn ông, đàn bà, trẻ con người Việt, người Hoa, cả khách du lịch phương Tây đến đứng chắp tay trước các giáo sĩ để nhận cho mình chấm đỏ may mắn theo tinh thần Ấn giáo, mới thấy, người Sài Gòn lúc nào cũng rộng lòng đón nhận các tinh hoa văn hóa, tín ngưỡng để làm giàu hơn đời sống tâm linh của mình.

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI