Dự án sân bay Long Thành nguy cơ đội vốn nếu không giải tỏa bồi thường nhanh

28/03/2018 - 18:48

PNO - Đó là khẳng định của các chuyên gia, đại biểu tại cuộc họp “Giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tại TP.HCM sáng ngày 28/3.

Dự án cấp bách vẫn còn loay hoay

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, lõi sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha. Muốn giải phóng mặt bằng phải thiết lập khu tái định cư cho người dân. Hiện tỉnh đã thiết lập được khu tái định cư khoảng 370 ha, số còn lại đang tiếp tục thực hiện. Ngoài ra, việc tái định cư còn cần quỹ đất để di dời nghĩa địa, nghĩa trang trong khu vực nên thực tế phải thiết lập khu tái định cư hơn 5.000 ha. 

Qua thống kê cho thấy tổng số hộ dân bị giải tỏa hơn 8.000 hộ với hơn 15.000 nhân khẩu. Trong 5.000 ha xây cảng hàng không có 1.000 ha đất cao su đang cho thuê. Khi thu hồi Nhà nước chỉ đền bù tài sản trên đất. Đây được xem là mặt thuận lợi.

Về mặt khó khăn, giá đất bồi thường theo quy định hiện nay phải định giá đất chứ không áp theo bảng giá đất như quy định cũ. Trong khi hiện giá đất vùng phụ cận sân bay theo giá thị trường đã tăng lên rất nhiều.

Du an san bay Long Thanh nguy co doi von neu khong giai toa boi thuong nhanh
Các đại biểu đề nghị cần linh hoạt trong phương án giải phóng đền bù để đẩy nhanh tốc độ thực hiện

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc đề nghị, các cơ quan ban ngành cần phải tìm cơ chế để triển khai nhanh. Hiện ở khu vực sân bay có rất nhiều thành phần đất, trong đó đất nông nghiệp chiếm diện tích lớn nhất, đây là điều thuận lợi cho việc đền bù với chi phí thấp. Như vậy, vấn đề là chúng ta cần có chính sách đúng để vận động dân. Việc vận động không chỉ thực hiện “chay” mà cần có chính sách thiết thực làm sao người dân thấy được lợi ích khi giao đất. 

“Chúng ta cần làm nhanh để tránh tình trạng trượt giá làm phát sinh kinh phí thực hiện. Hãy làm sao sân bay Long Thành không chỉ mang lại lợi ích về mặt giao thông mà còn giúp cuộc sống người dân và kinh tế trong khu vực tốt hơn” - ông Dương Trung Quốc nói. 

Giáo sư, Tiến sĩ ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, người bị thu hồi đất cần được bồi thường bằng tiền hoặc bồi thường khu đất có giá trị tương đương. Với nhiều giải pháp bồi thường như vậy, tùy theo mục đích và lợi ích của mình người dân lựa chọn tiến độ sẽ nhanh hơn. Mô hình này Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới áp dụng rất thành công.

Du an san bay Long Thanh nguy co doi von neu khong giai toa boi thuong nhanh
Tiến sĩ Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không cho rằng đến nay các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay là quá chậm

“Chúng ta cần tham khảo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở đây mỗi khi xây dựng dự án chính quyền không chi tiền ngân sách vào dự án đó, mà họ lấy kinh phí sinh lời từ mảnh đất đó để thực hiện xây dựng. Ngoài ra, cơ chế và luật đất đai hiện hành ở nước ta cần chỉnh sửa lại để phù hợp với tình hình thực tế” - Ông Đặng Hùng Võ hiến kế.
   
Còn Tiến sỹ Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không nhận định: “Tôi cho rằng đến nay các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay trong việc triển khai đầu tư. Tôi cảm nhận cách triển khai dự án này đang làm theo mô hình đầu tư công. Có nghĩa dùng ngân sách nhà nước. Trong khi ngay từ đầu Chính phủ đã xác định dự án đầu tư theo mô hình công - tư. Việc cấp bách hiện nay cần làm rõ mô hình đầu tư để huy động vốn. Việc huy động vốn sẽ không quá khó vì dự án hàng không luôn đảm bảo lợi nhuận”. 

Cảnh báo dự án đội giá gấp đôi nếu thực hiện chậm

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, chúng ta cần làm rõ huy động nguồn lực ở đâu, phần nào của tư nhân, phần nào của nhà nước? “Tôi khẳng định tiến độ triển khai đang thực hiện rất quyết liệt nhưng thực tế mô hình đối tác công - tư rất đa dạng. Cái khó là hành lang pháp lý của chúng ta chưa đồng bộ. Trong khi chúng ta phải có luật quy định về việc này, để có những điều khoản thực hiện. Chẳng hạn, luật chúng ta không có từ “nhượng quyền”, trong khi ở nước ngoài vấn đề này đã được phổ biến, để tạo bài toán lợi nhuận cho nhà đầu tư. Đây chính là thách thức trong việc huy động vốn, xây dựng mô hình để triển khai” - ông Đông nói. 

Du an san bay Long Thanh nguy co doi von neu khong giai toa boi thuong nhanh
Dự kiến chi phí xây dựng giai đoạn 1 sân bay Long Thành là 11.450 tỉ đồng, nhưng nếu làm chậm chi phí có thể đội lên gấp đôi

Ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cụm cảng hàng không Việt Nam (đơn vị được giao lập đề án triển khai dự án) thông tin: “Hiện nay chúng tôi đang làm quyết liệt. Dự kiến ngày 5/6/2019 sẽ xong báo cáo khả thi để trình Chính phủ. Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ giao cho chúng tôi đầu tư các hạng mục thiết yếu của sân bay. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay dự kiến đầu năm 2021 dự án sân bay Long Thành mới khởi công. Như vậy, sân bay khó hoàn thành vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra.  

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy cứ sau 5 năm, chi phí đầu tư sân bay tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, giá trị lợi ích của sân bay mang lại cũng khoảng thời gian này tăng gấp đôi. Nên càng chậm thực hiện càng gây thiệt hại lớn - ông Bình cảnh báo. 

Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan ban ngành thực hiện trước một số việc đơn giản để giải phòng mặt bằng nhanh hơn, giao mặt bằng cho công ty vào năm 2019 và khởi công vào năm 2020 thì sân bay mới có thể đưa vào vận hành đúng tiến độ đề ra. 

Ông Nguyễn Huy Cường - Cục phó cục hàng không phía Nam góp ý, nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Indonexia, Thái Lan... trước đây cũng chọn giải pháp xây dựng sân bay mới, bỏ sân bay cũ hoặc hoạt động song song hai sân bay. Bởi sân bay cũ rất khó có dư địa để phát triển. Ngày 21/3 vừa rồi chúng tôi có đàm phán với các nhà hàng không Nga, họ có đề nghị Việt Nam cho mở thêm đường bay nhưng họ không chọn sân bay Tân Sơn Nhất mà chọn sân bay Liên Khương và Tuy Hòa. Họ từ bỏ tăng cường đường bay đến sân bay Tân Sân Nhất vì kết nối đường bộ quá kém. Tương tự, từ 1/4, Á Rập Xê Út cũng quyết định sẽ giảm bớt đường bằng đến sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy, việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng sân bay Long Thành là vô cùng cần thiết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục phó quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch đầu tư) cho biết: “Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rất tích cực phối hợp với các bộ ngành trình Chính phủ Luật đầu tư công (PPP) để thu hút vốn đầu tư tư nhân. Dự kiến đầu quý I/2018 hoặc trong quý II/2018 Chính chủ sẽ trình Quốc hộ xem xét. Sau đó bộ sẽ xây dựng dự thảo lấy ý kiến rộng rãi để Chính phủ trình Quốc hội ban hành.

Phan Trí

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI