Cư dân khốn đốn vì dự án bị điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

22/06/2018 - 15:51

PNO - Theo ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khi dự án tăng số tầng, số căn hộ, sẽ làm tăng chỉ tiêu dân số, ảnh hưởng đến quy hoạch vùng đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.

Dự án đã duyệt quy hoạch và bán cho khách hàng nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn tùy tiện điều chỉnh quy hoạch làm tăng mật độ dân số, giảm tiện ích, dự án bị đình trệ... gây thiệt hại quyền lợi khách hàng. Tình trạng này đang diễn ra phổ biến.

Hợp thức hóa sai phạm

Các cư dân tại chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) hiện nay có giàu trí tưởng tượng cũng không nghĩ dự án họ mua cách nay 8 năm lại biến tướng như vậy. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư, được phê duyệt năm 2008 với 232 căn hộ. Năm 2010, công trình được khởi công và đưa ra thị trường bán.

Trong quá trình xây dựng, Thanh tra Xây dựng Q.Tân Phú kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư xây sai thiết kế được duyệt. UBND P.Tân Quý, Q.Tân Phú lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công để xử lý theo quy định. Thế nhưng, mọi việc chỉ được xử lý trên giấy.

Sai phạm chưa khắc phục, chủ đầu tư còn ngang nhiên “chẻ” nhỏ các căn hộ, làm dự án tăng thêm 57 căn. Các cơ quan quản lý lại lập biên bản vi phạm rồi... bỏ đó. Được dung dưỡng sai phạm, chủ đầu tư tiếp tục “chẻ” nhỏ dự án lần hai, thêm 49 căn, đẩy tổng số căn hộ của dự án từ 232 căn lên 338 căn. 

Cu dan khon don vi du an bi dieu chinh quy hoach tuy tien
Chung cư Khang Gia Tân Hương lúc mở bán ra thị trường chỉ có 232 căn hộ, nhưng hiện nay đã bị đẩy lên đến 409 căn hộ

Điều đáng nói là, thay vì xử lý nghiêm vi phạm của chủ đầu tư, UBND Q.Tân Phú và Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM lại chấp thuận điều chỉnh quy hoạch dự án theo đề nghị của chủ đầu tư. Cuối cùng, gần toàn bộ các căn hộ xây trái phép được tồn tại thông qua việc điều chỉnh quy hoạch. Thế nhưng, đến đây, chủ đầu tư vẫn chưa chịu dừng lại: sau khi đưa cư dân vào ở, họ tiếp tục “chẻ” nhỏ lần ba, đẩy tổng số căn hộ tăng lên 409 căn. 

Tương tự, tại chung cư Samland River View (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) do Công ty cổ phần Địa ốc Samco làm chủ đầu tư, khi ký hợp đồng bán căn hộ cho cư dân cách nay khoảng 9 năm, chủ đầu tư cho biết, tầng thượng chung cư làm khu vực tiện ích cho cư dân vui chơi giải trí. Thế nhưng, khi nhận nhà, cư dân phát hiện chủ đầu tư lén lút xây thêm 3 căn hộ ở tầng thượng.

Cu dan khon don vi du an bi dieu chinh quy hoach tuy tien
Chung cư Samland Riverview được hợp thức hóa thêm ba căn hộ xây trái phép

Họ tố cáo đến chính quyền địa phương, cơ quan phòng cháy, chữa cháy nhưng suốt một thời gian dài, các cơ quan này đến kiểm tra rồi bỏ đó, không giải quyết. Bức xúc, cư dân làm dữ. Năm 2017, UBND Q.Bình Thạnh ra văn bản thừa nhận, các căn hộ bị xây trái phép từ tháng 7/2016. Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bằng cách buộc chủ đầu tư nộp lại số tiền bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép. Như vậy, dự án đã được điều chỉnh quy hoạch, nên 3 căn hộ trên đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp giấy chủ quyền.  

Trong khi đó, tại dự án Tân Bình Apartment (Q.Tân Bình, TP.HCM), gần 170 khách hàng cũng đang sống khổ do việc cho phép điều chỉnh quy hoạch của các cơ quan chức năng. Ban đầu, dự án được quy hoạch 14 tầng, nhưng chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình ngang nhiên xây đến 16 tầng và lăm le xây tiếp tầng 17, 18.

Cu dan khon don vi du an bi dieu chinh quy hoach tuy tien
Tầng 16 xây trái phép của dự án Tân Bình Apartment

Vụ việc bị khách hàng phát hiện, tố cáo. Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM kiểm tra, phát hiện dự án xây trái phép hơn 2.000m2, làm tăng thêm 28 căn hộ nhưng chỉ lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định cưỡng chế rồi... bỏ đó.

“100% cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương đã đồng ý khởi kiện UBND TP.HCM ra tòa vì đã ra Quyết định số 6510/UBND vào năm 2013 chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi cơ cấu căn hộ, tăng lên đến 338 căn mà không có sự đồng ý của cư dân”. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng ban Quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương

Khách hàng tiếp tục khiếu nại, yêu cầu Sở Xây dựng xử lý dứt điểm, nhưng mọi việc vẫn kéo dài. Một thời gian sau, cư dân tìm hiểu thì phát hiện dự án đã được Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho điều chỉnh quy hoạch. Hàng loạt các chỉ tiêu quy hoạch trước đây đã bị thay đổi: dự án từ 14 tầng tăng lên 18 tầng; quy mô dân số từ 392 người tăng lên 975 người; mật độ xây dựng từ 43,75% lên 50%; hệ số sử dụng đất từ 4,73 lên 7,0...

Vì quyền lợi chủ đầu tư, mặc kệ khách hàng

Việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch của các cơ quan chức năng không chỉ tiếp tay cho sai phạm của các nhà đầu tư mà còn gián tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi khách hàng.

“Thang máy kẹt, cống nghẹt, nước yếu, bãi giữ xe quá tải... là những gì chúng tôi phải chịu suốt nhiều năm qua” - anh H., cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương, cho biết. Trước tình hình trên, vừa qua, các cư dân ở đây đã họp và quyết định sẽ khởi kiện UBND TP.HCM vì cho phép điều chỉnh quy hoạch làm tăng quy mô dân số, quá tải hạ tầng.

Cu dan khon don vi du an bi dieu chinh quy hoach tuy tien

Tại chung cư Samland River View, việc điều chỉnh quy hoạch của các cơ quan chức năng đã đẩy cuộc sống của cư dân nơi đây vào tình trạng nguy hiểm, vì việc cho các công trình xây trái phép được tồn tại đồng nghĩa với việc bít luôn lối thoát hiểm của cư dân. Các cư dân liên tục khiếu nại thì vừa qua, chủ đầu tư giải quyết bằng cách trổ lối thoát hiểm lên... mái chung cư.  

Còn tại dự án Tân Bình Apartment, sau khi cư dân phát hiện việc điều chỉnh quy hoạch của Sở Quy hoạch kiến trúc, dự án bị tạm dừng, nhưng cũng từ đó, chủ đầu tư không thèm thi công tiếp. Trong khi đó, theo dự kiến ban đầu, đến cuối tháng 3/2016, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho khách hàng.

Cu dan khon don vi du an bi dieu chinh quy hoach tuy tien
Dự án Samland Riverview đẩy cư dân thoát hiểm lên... mái nhà chung cư

“Hơn 2 năm qua, mỗi tháng, tôi phải trả tiền vay ngân hàng 5,1 triệu đồng và 5 triệu đồng tiền thuê nhà, trong khi tổng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ khoảng 16 triệu đồng khiến cuộc sống vô cùng khó khăn” - chị H., khách hàng mua căn hộ dự án này, than.

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc hợp thức hóa sai phạm cho dự án sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng quy hoạch và kết cấu chịu lực công trình. Tất cả các hạng mục như cột, dầm, đà... đều bị thiếu so với một công trình có quy mô lớn hơn; hệ thống cấp thoát nước, điện, phòng cháy chữa cháy... đều không thể gánh vác cho công trình vượt thêm số căn hộ đã được duyệt. Khi dự án tăng số tầng, số căn hộ, sẽ làm tăng chỉ tiêu dân số, ảnh hưởng đến quy hoạch vùng đã được các cơ quan chức năng phê duyệt trước đây. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng (chuyên gia kinh tế), việc dễ dàng hợp thức hóa sai phạm cho các dự án là rất nguy hiểm. Việc này sẽ khiến dân số tại khu vực đó tăng đột biến, hệ thống hạ tầng bị quá tải, phá vỡ quy hoạch, gây kẹt xe, ngập nước. Bên cạnh đó, khi một dự án điều chỉnh thiết kế, khách hàng là người bị thiệt thòi nhiều nhất vì sự điều chỉnh sẽ kéo dài thời gian hoàn thành dự án, khách hàng chậm được nhận nhà; những khách hàng vay vốn ngân hàng vừa không có nhà, vừa phải trả lãi ngân hàng... Về mặt không gian sống, khách hàng sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi mật độ dân cư tăng lên.

Theo Thông tư 02/2013 của Bộ Xây dựng, “dự án muốn điều chỉnh cơ cấu căn hộ mà chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng, trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, mục đích sử dụng, phải được sự đồng ý của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng”. Thế nhưng, trong việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ hiện nay, từ chủ đầu tư đến cơ quan quản lý đều không tuân thủ nghiêm quy định này. 

Luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI