Chung cư đua nhau 'biến hình', khách hàng khốn đốn

15/07/2017 - 15:56

PNO - Nhiều dự án vô tư “biến tướng” quy hoạch, gây thiệt hại cho người mua nhà, không chỉ chậm trễ giao giấy chủ quyền mà còn khiến không gian sống của cư dân bị thu hẹp.

Bán nhà xong là nâng tầng, tăng số lượng căn hộ 

Vào chung cư ở gần hai năm, bất ngờ cư dân nhận văn bản từ chủ đầu tư đề nghị tạo điều kiện cho họ thi công thêm một tầng nữa… Chuyện thật như đùa xảy ra tại chung cư Phúc Yên 2 (P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM), do Công ty cổ phần địa ốc và đầu tư Phúc Yên làm chủ đầu tư. 

Theo các cư dân, khoảng năm 2013, họ ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư, nêu rõ dự án chỉ có 17 tầng nổi. Khoảng tháng 7/2015, dự án chính thức bàn giao nhà. Các cư dân sinh sống ổn định và đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư để được cấp giấy chủ quyền. Thế nhưng, từ đó đến nay, giấy chủ quyền vẫn không thấy đâu. Bất ngờ, mới đây, chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị cư dân hỗ trợ cho họ thi công thêm tầng 18.

Chung cu dua nhau 'bien hinh', khach hang khon don
Chung cư Phúc Yên sau khoảng hai năm bàn giao nhà cho khách hàng bất ngờ đòi xây thêm một tầng nữa

Mặc các cư dân phản đối, chủ đầu tư vẫn chuyển vật liệu xây dựng đến, chuẩn bị thi công. “Họ tuyên bố đã được các cơ quan chức năng cho phép thi công thêm một tầng nữa nên dù cư dân có phản đối, họ vẫn làm” - bà H. (một cư dân ở đây) phản ánh. 

Tương tự, dự án Thảo Điền Pearl (P.Thảo Điền, Q.2) do Công ty cổ phần địa ốc và xây dựng S.S.G2 làm chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng gần bốn năm, nhưng đến nay các cư dân vẫn còn mòn mỏi chờ giấy chủ quyền. Theo các cư dân, họ đã nhiều lần khiếu nại, chủ đầu tư liên tục hứa hẹn, nhưng đến nay tình hình vẫn vậy.

Nhiều cư dân tìm hiểu vụ việc, giật mình phát hiện dự án chưa thể ra giấy chủ quyền cho cư dân vì chủ đầu tư đã “biến tấu” hàng nghìn mét vuông chung cư không đúng như công năng sử dụng được duyệt ban đầu. Cụ thể, khoảng 3.000m2 tầng hầm để xe đã bị chủ đầu tư biến thành siêu thị, thương mại dịch vụ. Các cư dân phản đối. Chủ đầu tư cho rằng mình đã được các cơ quan chức năng cho phép.

Anh T. (cư dân chung cư Thảo Điền Pearl) bức xúc: “Việc chủ đầu tư thay đổi công năng sử dụng hàng nghìn mét vuông sàn chung cư gây thiệt hại nặng cho cư dân. Nếu thật sự các cơ quan chức năng cho phép việc này là quá xem thường cư dân”. 

Chung cu dua nhau 'bien hinh', khach hang khon don
Dự án Thảo Điền Pearl thay đổi quy hoạch nhưng không lấy ý kiến khách hàng

Chung cư Đạt Gia Thủ Đức (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức) đang chuẩn bị bàn giao nhà. Vừa qua, những người mua nhà tại đây cũng “tá hỏa” khi phát hiện dự án cơi nới lên đến gần 1.500m2 sau khi bán nhà cho khách hàng. Điều đáng nói, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện vụ việc từ khoảng tháng 10/2016, ra quyết định đình chỉ xây dựng rồi “để đó”, đến nay không xử lý dứt điểm.

Dự án “ầu ơ” và có nguy cơ không thể giao nhà đúng hẹn cho khách hàng. “Chúng tôi khiếu nại việc chủ đầu tư cơi nới, làm tăng số lượng căn hộ, tăng mật độ dân số, gây thiệt thòi quyền lợi cho cư dân, chủ đầu tư nói họ đã được các cơ quan chức năng chấp thuận cho cơi nới rồi” - một khách hàng mua căn hộ dự án Đạt Gia Thủ Đức phản ánh. 

Hợp thức hóa… xây dựng trái phép? 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các dự án “biến tấu” quy hoạch đều thực hiện sau khi đã bán nhà. Điều đáng nói, việc thay đổi này là trái phép nhưng luôn được các cơ quan chức năng “thông qua”.

Cụ thể, dự án chung cư Phúc Yên được ông Nguyễn Văn Danh - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP ký duyệt cho điều chỉnh dự án tăng từ 17 lên 18 tầng. Trong đó, tầng 18 có tổng diện tích hơn 1.600m2 được Sở Xây dựng cho làm khu văn phòng với tổng diện tích hơn 1.000m2, còn lại làm sân vườn. Đồng thời, tại quyết định này, Sở Xây dựng cho chủ đầu tư được tự điều chỉnh các thiết kế về diện tích căn hộ, diện tích sở hữu chung, riêng của người mua và sở hữu của chủ đầu tư.

Tương tự, dự án Thảo Điền Pearl, năm 2014 được Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho điều chỉnh quy hoạch. Hai năm sau, Sở Xây dựng chính thức ban hành quyết định điều chỉnh 3.000m2 chỗ để xe của dự án thành khu vực thương mại dịch vụ. Theo đó, để được phép thực hiện việc này, chủ đầu tư phải nộp thêm tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, suốt ba năm trời chủ đầu tư vẫn không nộp được số tiền này. Vì thế, các cư dân phải “dài cổ” chờ giấy chủ quyền. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đồi - Phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc và xây dựng S.S.G2 nói: “Việc điều chỉnh thiết kế vẫn thường xuyên xảy ra ở các dự án, không nhiều thì ít. Nhưng ở đây việc đó xảy ra lâu rồi và đã xong hết rồi. Lý do điều chỉnh là để tốt cho dự án, tốt cho cư dân. Từ 2015 tất cả đã làm xong từ hoàn công, điều chỉnh thiết kế...”.

Còn tại dự án Đạt Gia, dù hiện nay dự án chưa được các cơ quan chức năng chính thức duyệt cho cơi nới, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, một vài cơ quan có trách nhiệm đã “bật đèn xanh” cho thực hiện việc này. Cụ thể, cách nay khoảng ba tháng, trong một lần lập biên bản dự án, thay vì đề nghị chủ đầu tư phá bỏ toàn bộ diện tích cơi nới thì thanh tra sở lại đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến việc điều chỉnh thiết kế xây dựng của công trình.

Theo quy định, để thực hiện việc điều chỉnh dự án, bên cạnh việc lấy ý kiến khách hàng, các đơn vị gồm UBND quận/huyện, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng… có nghĩa vụ phối hợp thực hiện. Sở Xây dựng là đơn vị cuối cùng duyệt thông qua việc thay đổi này. Tại sao các dự án nêu trên chưa lấy ý kiến người mua nhà, Sở Xây dựng vẫn duyệt cho điều chỉnh? Chúng tôi đã chuyển vấn đề này đến Sở Xây dựng và nhiều lần liên hệ nhưng chưa nhận được trả lời.

Không lấy ý kiến khách hàng là trái luật

Khi chủ đầu tư thay đổi thiết kế, thay đổi công năng sử dụng của dự án sẽ làm thay đổi cơ cấu căn hộ. Vì vậy, các cơ quan chức năng có nghĩa vụ phải lấy ý kiến khách hàng. Theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, các dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ phải được sự đồng ý của 100% khách hàng. Thực tế, phải chăng có hành vi “ưu ái” của cơ quan chức năng, hợp thức hóa xây dựng trái phép, nhiều chung cư dễ dàng cơi nới, khiến cư dân thiệt đơn thiệt kép?

Luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương

Nguy cơ phá nát quy hoạch

Dự án điều chỉnh thiết kế bằng cách nâng tầng, “chẻ” nhỏ căn hộ, cơi nới, điều chỉnh công năng sử dụng... sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch đều được xem là xây dựng, sử dụng trái phép. Đáng lẽ các cơ quan chức năng phải đình chỉ xây dựng và khôi phục đúng như giấy phép đã duyệt, đằng này lại duyệt cho phép tồn tại. Việc điều chỉnh quy hoạch, công năng sử dụng tại các chung cư không chỉ gây tổn hại quyền lợi khách hàng do tăng mật độ dân số, giảm tiện ích, bàn giao nhà trễ, chậm cấp giấy chủ quyền... mà còn có nguy cơ phá nát quy hoạch.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia bất động sản

Phan Trí - Xuân Hồng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI