Văn học Nga sẽ dần là khoảng trắng?

10/11/2017 - 20:06

PNO - Không phải đến giờ người ta mới nhận ra văn học Nga ngày càng vắng bóng. Những tác phẩm còn được in là những tựa sách kinh điển, còn dấu ấn của văn học Nga đương đại hết sức mờ nhạt.

Buổi trò chuyện chủ đề Dịch văn học Nga - hôm qua và hôm nay trong khuôn khổ Những ngày sách Nga tại đường sách TP.HCM khép lại bằng câu hỏi đầy lo ngại: văn học Nga sẽ dần biến mất trên thị trường sách Việt khi không có đội ngũ dịch giả kế thừa?

Van hoc Nga se dan la khoang trang?

Một số tựa sách nhắc nhớ thời “hoàng kim” của văn học Nga tại Việt Nam cách đây hàng thập kỷ - Ảnh: T.Q.

Dịch giả Phạm Ngọc Thạch cho biết, thế hệ ông tiếp cận với văn học Nga một cách rất tự nhiên: “Thời chúng tôi, tiếng Nga rất phổ biến. Chúng tôi đi học, tiếp cận các tác phẩm văn học Nga cũng dễ dàng. Độc giả trẻ giờ rất ít người đọc văn học Nga, có khi còn chẳng biết tên các tác giả Nga”. Không phải đến giờ người ta mới nhận ra văn học Nga ngày càng vắng bóng. Những tác phẩm còn được in là những tựa sách kinh điển: Sông Đông êm đềm, Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình, Bông hồng vàng, Bình minh mưa, Cánh buồm đỏ thắm, Tội ác và trừng phạt… Còn dấu ấn của văn học Nga đương đại hết sức mờ nhạt.

“Kể cả tác phẩm nổi tiếng thế giới, từng được chuyển thể thành bộ phim ăn khách - Night Walk (Tuần đêm, tác giả Sergei Lukyanenko, đã được dịch sang tiếng Việt nhưng số lượng bản in rất ít) - giờ nói ra có lẽ cũng rất ít người biết, tìm ở các nhà sách cũng không còn. Ta không có đội ngũ dịch giả kế thừa. Có lẽ khi thế hệ chúng tôi không còn sức làm việc nữa thì cũng không có người tiếp tục” - trăn trở của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cũng chính là băn khoăn chung của lớp độc giả từng một thời đắm mình trong dòng chảy của văn học Nga - Xô viết.

Van hoc Nga se dan la khoang trang?

“Không thể trách độc giả. Họ có điều kiện tiếp cận với các dòng văn học khác từ các nước, thậm chí có thể tự tìm đọc tác phẩm yêu thích bằng tiếng Anh. Văn học Nga một thời có sức ảnh hưởng ở Việt Nam vì ngoài những tương đồng về văn hóa, lịch sử thì còn gắn kết bằng những yếu tố của thời cuộc. Nhưng những biến động từ khi Liên Xô tan rã năm 1991 đã khiến dòng chảy này đứt đoạn” - dịch giả Phạm Ngọc Thạch lý giải.

“Sự đứt đoạn” ấy kéo dài hơn hai thập niên vẫn chưa nối lại được. Trên kệ sách, vẫn có nhiều tựa sách Nga được bày bán. Nhưng giữa những chuyển động trên thị trường sách Việt, văn học Nga đương đại không có trong danh mục “best seller”. Thậm chí truyện cổ tích, những tác phẩm văn học thiếu nhi một thời được yêu thích: Bác sĩ Aibôlit, Bông hoa đỏ thắm, Ông già Khottabych, Ba con gấu… giờ cũng không cạnh tranh nổi với nhiều tựa sách dịch thuộc các nền văn học khác.

Van hoc Nga se dan la khoang trang?

Nếu lo ngại của các dịch giả là đúng, dù được nhận xét “các tác phẩm dù hài hước, gần gũi vẫn luôn mang tính triết lý sâu sắc”, văn học Nga đương đại vẫn sẽ mất dấu trên thị trường sách Việt.  


 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI