Ngồi nhầm lớp: Chuyện đâu chỉ ở Hậu Giang

26/04/2019 - 09:14

PNO - Mới đây, dư luận lại “nóng” lên vấn đề bệnh thành tích trong giáo dục khi có thông tin năm học sinh Trường THCS Đông Phước A - chuẩn quốc gia của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đọc viết rất kém, thậm chí không biết đọc, viết.

Chuyện thường ngày… ở huyện

Tuy nhiên, với nhiều giáo viên, thông tin đó không lạ, bởi “trường nào chẳng có”. Từ đầu năm nhận lớp, cô Nguyễn Thúy An, giáo viên một trường tiểu học ở tỉnh Bình Thuận đã thấy đau đầu, không biết phải làm thế nào với ba học sinh (HS) đang ngồi nhầm lớp mình.

“Không biết mấy năm trước học hành thế nào mà khi quay trở lại trường sau ba tháng hè, các em như người “tái mù”. Lớp Năm rồi mà vẫn bập bẹ đánh vần từng chữ mỗi khi tôi gọi đứng lên đọc bài. Đọc còn chưa thạo, nói chi đến viết. Chỉ một đoạn văn ngắn, tôi phải rất cố gắng để đoán xem em viết chữ gì, rồi sửa chi chít hơn 40 lỗi chính tả. Chưa kể, các em chưa làm được các phép toán cộng trừ trong phạm vi 10. Không hình dung được HS lớp Năm phải đưa từng ngón tay ra đếm nhưng vẫn không ra được kết quả”, cô An than thở.

Lo lắng cho việc xếp loại thi đua của mình, cô An buộc phải kèm riêng các HS này cả trong và sau giờ học. 16g tan trường, mà ngày nào cũng phải đến 17g30 cô mới chịu “thả” HS về. Nỗ lực cả năm trời, cô An đã “kéo” được hai em lên mức trung bình, HS còn lại thì bất lực vì thiếu sự hợp tác của gia đình. Chuẩn bị thi học kỳ kết thúc năm học, dù sợ ảnh hưởng thi đua, nhưng cảm thấy áy náy nếu để một HS như vậy lên lớp, cô An trao đổi với lãnh đạo nhà trường về việc sẽ chấp nhận thực lực của HS và dự báo việc có HS ở lại lớp, thì hiệu phó nhà trường nói “thôi, tính sao cho nó lên”. Cô An đành… nhắm mắt cho qua.

Ngoi nham lop: Chuyen dau chi o Hau Giang
Trường THCS Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nơi có học sinh "ngồi nhầm lớp"

Khẳng định hiện tượng HS ngồi nhầm lớp rất phổ biến hiện nay, thầy Trần Văn Tài, giáo viên dạy toán một trường THPT tại tỉnh Bình Định, không cần phải mất thời gian suy nghĩ để đưa ra ví dụ ngay tại lớp mình. Cụ thể, HS lớp Mười không biết thực hiện một phép tính đơn giản được học từ cấp tiểu học. 

“Để kiểm tra kiến thức HS trong ngày đầu nhận lớp, tôi ra bài toán 0,2 + 1,02 = ? và gọi ba HS cùng đứng dậy. Sau vài giây lúng túng, HS thứ nhất cúi xuống hộc bàn lôi chiếc máy tính Casio ra. Khi tôi yêu cầu không sử dụng máy tính thì HS này lí nhí: dạ thầy, em không biết. Còn HS thứ hai đứng lên lẩm nhẩm rồi trả lời: dạ, bằng 1,4”. 

Cũng theo thầy Tài, nhiều HS dù đậu tốt nghiệp THPT và hiện đang theo học đại học các ngành khối A, nhưng với bài toán đơn giản như: sinx = ½, vậy x = ?, nhiều bạn trả lời một cách rất máy móc: x = 2sin.

Bỏ lơ vấn đề chất lượng

"Chính căn bệnh thành tích trong giáo dục tồn tại nhiều năm nay là nguyên nhân dẫn đến hậu quả ngồi nhầm lớp của HS. Cấp trên giao chỉ tiêu phải đạt bao nhiêu phần trăm HS lên lớp, bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp khiến giáo viên phải quan tâm đến “nồi cơm” của mình trước khi quan tâm đến HS đang ở trình độ nào". 

Thầy Trần Văn Tài - Giáo viên dạy toán một trường THPT tại tỉnh Bình Định

Trao đổi về thực trạng trên, thầy Tài cho biết: “Cũng bởi nóng lòng với chỉ tiêu, mà hầu hết giáo viên đã khuyến khích, ép buộc HS phải học thuộc lòng văn mẫu, rồi cho HS sử dụng máy tính để hạn chế sai sót trong tính toán. Chính việc làm đó đã dẫn đến tình trạng một HS cấp III không biết tính nhẩm một phép toán cộng trừ đơn giản”.

Bệnh thành tích có thể thấy rõ nhất từ tỷ lệ phần trăm HS tốt nghiệp THPT hằng năm. Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, năm 2018, tỷ lệ đó lên đến 98,36%; năm 2017, con số đó cũng cao “ngất trời” khi số HS tốt nghiệp nhiều tỉnh đạt ngưỡng 99%. 

Thạc sĩ Nguyễn Bích Nhã Trúc, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Con số ấy thực chất chỉ là kết quả nhất thời của việc học để thi, học để qua một cửa, còn việc HS có đủ kiến thức và năng lực để tốt nghiệp không lại là chuyện khác”. Cũng theo cô Trúc, hiện tượng HS ngồi nhầm lớp phản ánh phần nào sự kém quan tâm, thiếu ý thức trách nhiệm không chỉ của giáo viên mà còn của nhà quản lý, người làm giáo dục. Họ bỏ lơ vấn đề chất lượng.

Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ vài HS như thế không ảnh hưởng đến ai. Nhưng không ngờ rằng, một khi trở thành căn bệnh, mức độ lây lan và hậu quả của nó khó mà kiểm soát. 

“Căn cốt là giảm bớt thi đua kiểu hình thức. Các cấp học nền tảng nên chú trọng dạy HS kỹ năng, đi vào thực chất kiến thức. Đặc biệt, khâu kiểm tra, rà soát chất lượng phải thực hiện nghiêm túc thay cho kiểu “cho có” như lâu nay. Và giáo viên, người hiểu rõ nhất tình trạng HS của mình phải thật sự công bằng và có trách nhiệm…”, cô Thúy An đề xuất. Vấn đề HS ngồi nhầm chỗ không mới, điều quan trọng là ngành giáo dục có thực sự quyết tâm dẹp bỏ căn bệnh thành tích hay không. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI