Thảm kịch từ những cơn ghen

14/04/2016 - 07:00

PNO - Ánh mắt u sầu của người mẹ bị hại. Án tử hình là cái giá bị cáo phải trả, nhưng liệu có quá nặng với một người đã mất đi tất cả?

Tham kich tu nhung con ghen
Ảnh minh họa - Nguồn internet

Ích kỷ vì tình yêu

TAND TP.HCM vừa xét xử và tuyên mức án tử hình đối với Nguyễn Minh Quàng (SN 1985, ngụ Q.Bình Tân, quê Ninh Thuận) về tội “giết người”. Bị hại trong vụ án này là Cao Thị Yến Thi (SN 1985), người mà Quàng đã yêu thương và hò hẹn gần mười năm qua.

Phòng xử sáng hôm ấy không quá đông người như những vụ án giết người khác. Người phụ nữ đầu bạc ngồi lặng lẽ ở hàng ghế trên cùng, chờ tới giờ xử án. Ánh mắt đau buồn, khắc khoải trên khuôn mặt gầy gò khiến bà càng thêm hốc hác. Nỗi đau đứa con gái xấu số ra đi quá sớm đè nặng tâm can người mẹ.

Vụ án xảy ra vào cuối tháng 12/2014, khi chị Thi đòi chia tay vì không còn tình
cảm, vì đã có người khác. Quàng ra sức níu kéo, anh không đành lòng để hạnh
phúc tưởng chừng sẽ đi đến hồi kết đẹp, lại nhanh chóng vỡ tan như bọt sóng.


Không được chấp nhận, còn bị trách mắng, quá tức giận nên Quàng đã bóp cổ
Thi, dùng dao đâm tám nhát vào ngực, khiến chị tử vong ngay tại chỗ. Quàng cắt
cổ tay và đâm nhiều nhát vào ngực mình để cùng kết thúc cuộc sống với người
yêu, nhưng không thành.

HĐXX nhận định, hành vi của Quàng quá côn đồ, gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải loại bỏ khỏi đời sống. Quàng đã vi phạm pháp luật, đoạt đi mạng sống của người yêu một cách tàn ác nhất. Quàng sẽ kết thúc cuộc đời mình, trả giá cho tội ác anh gây ra.

Nhưng nỗi đau sẽ còn kéo dài mãi với những người thân và đau đáu trong lòng những người tham dự phiên tòa ngày ấy. Biết tội lỗi của mình, Quàng không bao biện hay cầu xin gì cho bản thân, anh ta chỉ xin lỗi gia đình bị hại và cúi đầu nhận hết tội lỗi về mình

Tình yêu và lòng tự trọng

Đầu tháng Sáu vừa qua, vụ án “giết người vì ghen tuông” cũng đã được TAND TP.HCM xét xử. Bị cáo Trương Văn Huệ (SN 1979, làm công nhân, ngụ P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) bị tuyên mức án 15 năm tù về tội danh này.

Lên Sài Gòn sinh sống, Huệ quen biết và tiến tới hôn nhân với chị Đặng Thị Bạc (SN 1993). Bạc đã có một đời chồng và một đứa con. Chị để con ở quê rồi lên thành phố làm ăn. Nhan sắc mặn mà, đằm thắm, chị được nhiều người đàn ông yêu chiều, đưa đón.

Nhưng Bạc chọn Huệ và hai người đã có thời gian chung sống hạnh phúc. Thế rồi, cách biệt tuổi tác quá nhiều, mâu thuẫn gia đình không có lối thoát, hai vợ chồng chọn cuộc sống ly thân.

Dù vậy, hàng ngày Huệ vẫn tới chỗ ở của vợ cũ, đưa đón chị đi làm. Một lần, chỉ vì đọc được tin nhắn mùi mẫn của vợ với người yêu cũ, Huệ đã không kiềm chế nổi cơn ghen. Huệ tra hỏi thì Bạc cho biết đó là người tình cũ, cách đó mấy hôm còn đi thuê nhà nghỉ ngủ chung.

Chị buông những lời cay đắng như “lấy chồng chỉ để cho có thôi, chẳng yêu đương gì, trong lòng vốn dĩ đã là chỗ của người khác…”. Dù vợ chồng mâu thuẫn, nhưng thâm tâm Huệ vẫn một mực yêu thương người vợ trẻ, thế nên khi biết vợ phũ phàng với mình, anh vô cùng căm phẫn.

Khai trước tòa, Huệ cho rằng lòng tự trọng của mình bị xúc phạm, tình cảm của anh ta bị chà đạp, nên đã hành động sai lầm. Trong cơn ghen tuông cực độ, anh ta lấy dây dù siết cổ vợ đến chết. Tội ác của Huệ là rõ ràng, không thể nào chối cãi. Huệ nói trong nước mắt rằng mình dốc lòng yêu thương vợ, nhưng lại bị đối xử tàn nhẫn.

Đành rằng, anh ta đã phạm tội ác đặc biệt nghiêm trọng, là nguy hiểm cho xã hội, nhưng tận sâu trong trái tim người đàn ông ấy, sự bội bạc về tình cảm còn ác hơn nhiều lần. Tình cảm và lý trí muôn đời vẫn không chung một nhịp.

Giá như Huệ không yêu thương vợ mình theo cách như thế, giá như chị Bạc hiểu và trân trọng tình cảm của chồng mình, tôn trọng cuộc hôn nhân của cả hai người, thì có lẽ kết cục sẽ không bi thảm như hôm nay. Người chết, kẻ vào tù, con thơ mất mẹ… và còn vô vàn nỗi đau khác. Trong chốn lao tù, liệu anh công nhân nghèo còn dám hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp?

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI