Vũ điệu nguyên sơ trên 'nóc nhà' Hà Nội

12/02/2019 - 18:00

PNO - Bao đời nay bà con vẫn duy trì Tết Nhảy, suốt ba ngày ba đêm đầy mộng mị, đẫm huyền sử và đầy lòng kiêu hãnh như những cánh đại bàng trên 'nóc nhà' của Thủ đô.

Hà Nội nghìn năm có lẽ chưa bao giờ văn hoá thực sự phong phú với nhiều phong tục huyền bí như hôm nay. Trên Tản Viên sơn - nơi cao nhất của Thủ đô - có cộng đồng hơn hai nghìn người Dao của xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Bao đời nay bà con vẫn duy trì Tết Nhảy, suốt ba ngày ba đêm đầy mộng mị, đẫm huyền sử và đầy lòng kiêu hãnh như những cánh đại bàng trên “nóc nhà” của Thủ đô.

Có dự Tết Nhảy mới hiểu được người Dao 

Những đêm ngày chung vui cùng bà con Ba Vì là những ám ảnh về một thế giới âm dương chập chờn. Những ông thầy cúng, những trai đinh khắp các bản tụ về với hàng trăm lượt nhảy. Các vũ điệu miền sơn cước hùng dũng, bay lượn đầy mê dụ; tấm lòng tạ ơn trời đất, tưởng nhớ cội nguồn cứ vắt trong, vẹn nguyên như thuở hồng hoang.

Những người chữ nghĩa nơi này bảo: “Chỉ khi nào tham dự Tết Nhảy thì bạn mới thực sự hiểu người Dao và núi rừng của chúng tôi”. Quả thế thật! Người Dao lái ô tô rời núi Ba Vì đi khắp nơi hành nghề thuốc nam, nhưng hễ nhắc đến Tết Nhảy là họ cũng như bà con quê mình, tâm trí ai cũng như được phủ vào sương khói mơ màng, linh thiêng.

Vu dieu nguyen so tren 'noc nha' Ha Noi
Tranh thờ treo kín trên tường. Góc trái là một thầy cúng của cộng đồng người Dao xã Ba Vì (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội).

Ban thờ là một cái tủ cao, bên trong đó có rất nhiều tranh thờ xanh đỏ, vừa thâm nghiêm, vừa rờn rợn; có cả lông gà, lông thú cắm lia chia; có dao, có kiếm và cờ phướn; có cả một cái túi rết to bằng vải cũ, hai đầu buộc túm và dường như lúc nào cũng phủ bụi tối om, trong cái túi ấy cũng là tranh thờ và đồ tế lễ.

Người Dao xưa vốn du canh nay đây mai đó, nên đồ thờ bỏ trong túi rết để tiện bề “di chuyển” cả tổ tiên. Tết Nhảy cũng ra đời trong một cuộc thiên di kiểu đó. Lịch sử người Dao truyền lại: Tổ tiên họ từ phương Bắc vượt biển xuống trời Nam. Đang lênh đênh trên biển bỗng thấy chú cu li ở mũi thuyền ôm mặt “khóc”. Cu li vốn là loài báo bão, nên cơn “khóc” của nó còn chưa ngưng thì bão tố đã kéo đến điên cuồng, đoàn người rơi vào đói khát, bệnh tật, chết chóc tang thương.

Những người sống sót chỉ biết ngửa mặt cầu xin tổ tiên, trời đất và hứa sống sót thì hằng năm sẽ làm lễ cúng thật to để tạ ơn. Cuối cùng, mười hai dòng họ người Dao còn lại đã bảo toàn sinh mạng để đặt chân đến đất Việt ta. Và Tết Nhảy chính là lễ tạ ơn trời đất, số phận và vị thủy tổ Bàn Vương của người Dao

Vu dieu nguyen so tren 'noc nha' Ha Noi

Vu dieu nguyen so tren 'noc nha' Ha Noi
Múa kiếm (ảnh trên) và múa rùa (ảnh dưới) là những phần thiêng liêng nhất của Tết Nhảy.

Trưởng tộc Lý Văn Minh năm nay vinh dự “đăng cai” Tết Nhảy. 98% dân số xã Ba Vì là người Dao nên triền miên tiệc, liên tiếp những điệu múa uyển chuyển, phong phú, mô phỏng những tích trò lấp lánh ý nghĩa nhân văn và tinh thần thượng võ. Tay họ rung chuông, chân lướt như bay khỏi mặt đất, ngẫu hứng cuồng say nhưng vẫn theo đúng bài bản và mô tả các sự tích rất rõ ràng. Cả không gian ấy như toát lên cái suy nghĩ hồn nhiên, hoang sơ của người Dao trước thiên nhiên và cuộc sống.

Tích cóp một đời

Ngoài điều kiện là trưởng tộc hoặc con trai trưởng, để “đăng cai” Tết Nhảy cần rất nhiều thủ tục cả vật chất và tâm linh khác nữa, đặc biệt là vô cùng tốn kém! Bà con quan niệm, con trưởng hoặc trưởng tộc mà không lo được Tết Nhảy theo chu kỳ ít nhất 12 năm một lần thì bị xếp vào hàng vong ân bội nghĩa. Xưa, không ít gia đình tán gia bại sản sau một kỳ tổ chức Tết Nhảy cho cả bản, cả xã đến ăn uống nhảy múa suốt ba ngày, ba đêm.

Bởi suốt ba ngày, ba đêm dằng dặc ấy, cánh trai đinh chỉ có ăn, uống rượu rồi ra nhảy; còn phụ nữ lo cỗ bàn, tiệc tùng, ăn uống cho cả mình và cánh đàn ông. Họ nhảy xong một bài lại sà xuống mâm, ngà ngà men rượu là tiếp tục đứng lên nhảy múa; có khi, một thanh niên “vào binh ra tướng”, ra mâm cỗ rồi vào cuộc nhảy đến mấy chục lần.

Để lo được Tết Nhảy, nhiều gia đình phải nai lưng tích cóp. Nhưng cũng nhiều gia đình đành chịu phận hẩm: 40 năm mới tổ chức được Tết Nhảy một lần. Riêng không gian để tổ tiên về “xem” con cháu tạ ơn đã mất vài chục triệu. Đó là tiền sắm bộ tranh thờ xếp thành dãy dài vẽ các vị thần linh tiên tổ của họ.

Mua được tranh bé vào bàn thờ (gọi là Hành Khay), lại mua tranh lớn gồm 18 bức to cao gần như người thật để vào tiệc. Rồi cả lễ khai quang (tựa như “hô thần nhập tượng”) cho tranh cũng kỳ công không kém. Mỗi lần có tranh, gia chủ cần mổ ba con lợn, sáu con gà, mời ba ông thầy cúng về làm lễ. Lại phải thêm lễ tạ mả nữa thì nhà vừa sắm đủ tranh và ban thờ kia mới được công nhận là Nhà tổ. Lúc ấy mới đủ điều kiện làm Tết Nhảy - cái tết năm nào cũng tổ chức gần với Tết Nguyên đán.

Vu dieu nguyen so tren 'noc nha' Ha Noi
Để có đủ tranh thờ và cỗ bàn ba ngày, ba đêm cho cả xã vui Tết Nhảy, nhiều nhà đã phải dành dụm cả đời.

Ở nhà ông Minh, lợn gà ngả ra, tất cả các loại thịt lẫn lòng, dồi đều thái nhống bày lên tàu lá chuối xanh ngắt trong mâm; đu đủ xanh, bí ngô hái trong vườn nhà, thả vào nước xuýt làm canh. Những người phụ nữ đội khăn sặc sỡ, ý nhị ra vào xem mâm nào vơi để gọi nhau bưng cỗ tiếp thêm. Người Dao hồn nhiên và chân tình, họ cho rằng khách khứa bất kỳ đã đến cổng là phải ngồi vào cỗ lá; khách càng đông, càng nhiệt tình ăn uống, càng no say thì chủ và khách càng được tổ Bàn Vương của người Dao phù hộ.

Vẫn đậm nguyên sơ giữa thời hiện đại

Vu dieu nguyen so tren 'noc nha' Ha Noi
Những sắc màu gợi nhớ thuở hồng hoang.

Các ông thầy cúng ngồi trang trọng gần bộ tranh thờ treo kín các bức tường. Người già ngồi trên, bọn trẻ lâu nhâu khắp các bản kéo về, ngồi tràn cả sân, kéo mãi ra vườn. Trên tường, những bức tranh thờ vẽ các vị thần uy nghi, râu tóc, mũ mão, dao kiếm khắp người. Có lẽ khách lạ nào lạc vào không gian ấy cũng đều nín thở kính cẩn.

Những bức tranh thờ như cái phông nền để thầy cúng và những người đàn ông Dao thăng hoa cùng các vũ điệu. Họ múa rùa, múa kiếm, múa vào binh ra tướng, các ông thầy cúng thì biến thành người âm, trò chuyện với người đã khuất với sự tự tin vô hạn. Sau Tết Nhảy, họ thận trọng cuốn tranh lại, treo trước ban thờ và không bao giờ dám mở ra cho đến khi gia chủ lại được “đăng cai” ở kỳ sau.

Ngoài sân, trong nhà, mỗi người cầm một con dao hoặc cây bút màu. Họ say sưa đẽo các thanh kiếm, chuỳ, búa, long đao, cán cờ phướn bằng gỗ. Mỗi “vũ khí” dài độ năm mươi xăngtimét, đều được viết chữ Nôm, chữ Hán và vẽ viền xanh đỏ. Họ cắm vô số dao kiếm cùng những lá cờ dọc sân tế lễ. Các ống tre tươi cũng được cắm, dựng khắp nơi; có ống đựng nước, có ống để đồ lễ. Ngoài lễ tổ tiên, họ còn vo những nắm xôi bé xíu rồi bày trên lá chuối để cúng các vong hồn chết trẻ.

Vu dieu nguyen so tren 'noc nha' Ha Noi
Đàn ông trong bản đang làm "vũ khí" phục vụ Tết Nhảy.

Bản làng tập trung chăm chút hóa trang cho các trai đinh trước khi họ bước vào tế lễ và nhảy múa. Áo dài thụng vẽ rồng phượng, bắp chân cuốn băng vải dài cho gọn lẳn (phong tục này khiến người xuôi gọi bà con là “người Dao quần chẹt”). Nhìn các chàng trai trẻ lướt bay điêu luyện, vạm vỡ và khéo léo trắng đêm này qua đêm khác; từ người cao niên bản Dao, vị thầy cúng kỹ tính nhất đến trưởng bản Yên Sơn -  ông Triệu Văn Cao cũng đều gật đầu tán thưởng.

Không ít trai đinh Ba Vì hôm nay tay lướt smarphone, chân nhấn cần ga những cỗ xe bốn bánh nhưng trong huyết quản của người Dao nơi này vẫn rần rật chảy một niềm tin đau đáu tâm linh. Các mạch ngầm văn hóa phong tục vẫn chưa bao giờ phai nhạt, Tết Nhảy vẫn diễn ra đầy bí hiểm, phiêu linh. Nó khiến bất cứ ai có mặt cũng phải ngỡ ngàng, nhất là khi Tết Nhảy lại thuộc nơi cao nhất trong địa giới hành chính của Thủ đô.

Trong nhà vẫn rộn bóng người say sưa nhảy múa. Ngoài trời, sương trên đỉnh Ba Vì ùa xuống, núi thắt cổ bồng như chiếc khoăn voan của công chúa Mỵ Nương còn vương lại nhân gian.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI