Vì sao người Việt chuộng trái cây ngoại?

17/02/2017 - 16:06

PNO - Nhiều người kinh doanh đều khẳng định các loại trái cây Việt dù rẻ hơn nhưng chất lượng không chênh lệch bao nhiêu so với trái cây ngoại. Tuy nhiên, khách Việt vẫn chấp nhận bỏ chi phí cao để mua hoa quả nhập khẩu.

Chị Vũ Hằng My, chủ một cửa hàng kinh doanh trái cây tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho hay nhà chị bán trái cây tươi tại chợ Thủ Đức hơn 10 năm nay. Nguồn hàng chính chuyên cung cấp trái cây cho nhà chị là các vựa tại chợ đầu mối Thủ Đức.

Cửa hàng chị My có hơn 20 loại trái cây khác nhau, có cả trái cây Việt và hàng ngoại nhập.

“Gần đây khá nhiều khách quen chuyển sang chọn trái cây ngoại. Nhiều khách rất rành xuất xứ, cầm trái nho, trái táo biết là hàng Trung Quốc hay hàng Mỹ. Dù là hàng Trung Quốc thì họ vẫn mua bình thường”, chị My nói.

Mua trái cây nhập vì "mác" ngoại

Tại cửa hàng này, giá cam vàng Hà Nội được niêm yết giá 50.000 đồng/kg; cam sành Bến Tre có giá 40.000 đồng/kg, cam vàng được ghi xuất xứ Mỹ chỉ 60.000 đồng/kg. 

Vi sao nguoi Viet chuong trai cay ngoai?
Hai quả táo Pháp khoảng nửa kg có giá gần 50.000 đồng tại cửa hàng trái cây nhập khẩu. Ảnh: Dạ Lan

“Giá cao hơn 10.000 đồng/kg nhưng phần lớn khách mua cam Mỹ. Cam Bến Tre và Hà Nội chủ yếu bỏ sỉ cho quán nước là chính”, chị My nói.

Lý giải lý do vì sao cam vàng Mỹ lại được khách hàng ưu tiên mua, chị My cho hay một phần vì cam Mỹ trái to, màu đẹp và đều quả, nhìn bắt mắt. Tiếng là trái cây Mỹ mà giá không chênh lệch bao nhiêu so với cam trong nước nên được ưu tiên lựa chọn.

Hay với nho Ninh Thuận có giá 45.000-60.000 đồng/kg nhưng khách rất ít mua, trong khi nho đen Mỹ có giá 200.000-220.000 đồng/kg, nho đen Nam Phi từ 170.000 đồng/kg vẫn được khách mua đều hơn. Chị My cho rằng do nho nhập khẩu trái to lại ngọt lịm, trong khi nho Việt trái nhỏ, lại có vị chua ngọt không hợp với khẩu vị nhiều người.

Nhiều cửa hàng khu vực Thủ Đức cũng rao bán táo Mỹ chỉ có giá 70.000 đồng/kg, táo Ba Lan hay táo Trung Quốc 30.000-40.000 đồng/kg, và được khá đông khách mua.

Còn chủ cửa hàng trái cây H. tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cho biết trái cây nhập khẩu ngày nay không quá đắt so với hàng trong nước. Nhưng lý do chính không phải giá mà mác ngoại mới là yếu tố đầu tiên khiến khách hàng ưu tiên mua.

“Trái cây ngoại nhìn mẫu mã bắt mắt hơn trái cây trong nước, còn về chất lượng thì không ai khẳng định tốt hơn hay ngon hơn", chủ cửa hàng nói.

Chị này lý giải, có thể do phần lớn khách ra cửa hàng lớn mua trái cây là để biếu, tặng, nên phải chọn hàng nhập vì có mẫu mã bắt mắt, nhìn "sang". 

“Thường mỗi ngày tôi gói 10-15 hộp quà trái cây ngoại đủ mức giá, thấp nhất là 300.000 đồng/hộp, cao nhất vài triệu tùy vào nhu cầu của khách hàng cho việc biếu hay tặng của khách”, chủ cửa hàng cho hay.

Trái cây ngoại nhiều loại bảo quản 2-6 tháng

Thực tế, trái cây ngoại ngoài ưu điểm mẫu mã đẹp thì thời gian bảo quản khá dài. Ví dụ nho Ninh Thuận chuyển từ vườn vào nơi tiêu thụ là TP.HCM chỉ mất 1 ngày, trong khi hầu hết nho nhập khẩu bán tại các cửa hàng, siêu thị, chợ... thường đã có thời gian sau thu hoạch ít nhất 10-15 ngày. Hoặc với táo, nhiều cửa hàng bảo quản 2-6 tháng. 

Vi sao nguoi Viet chuong trai cay ngoai?
Từ trước Tết đến nay, tại các siêu thị, nhiều loại trái cây nhập khẩu có giá rẻ bất ngờ. Ảnh: Dạ Lan

Nhà có 4 thành viên, thu nhập tương đối ổn định, chị Loan (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết, trong tủ lạnh nhà chị lúc nào cũng có ít nhất 2 loại trái cây. Chị thường xuyên thay đổi trái cây cho các thành viên gia đình, đặc biệt bổ sung thêm các loại trái cây ngoại để đa dạng bữa ăn trong nhà.

“Bây giờ cầm 200.000 đồng có thể mua được vài loại trái cây nhập rồi, nhưng quan trọng mua như thế nào để tránh hàng dỏm đội lốt, mới là mối quan tâm”, chị Loan nói.

Cũng theo chị Loan, mẹo để mua trái cây sao cho tiết kiệm, ăn đỡ "ngán tiền" là mua mỗi thứ một ít, đủ ăn và nhiều loại khác nhau. Ví dụ: Có thể mua nửa kg táo Mỹ, nửa kg nho Mỹ, cả hai khoảng từ 150.000 đồng là cả nhà có thể có 2 bữa tráng miệng.

TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, cho rằng việc trái cây ngoại xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam cũng một phần do nhu cầu của người Việt ngày càng cao. Nhưng những loại trái cây ngoại “chính chủ” không đội lốt thì hiện nay giá vẫn khá đắt đỏ.

Theo TS. Võ Mai, trái cây loại nào cũng tốt, xuất xứ từ nước nào thì cũng có những giá trị khác nhau, thành phần dinh dưỡng khác nhau. Người tiêu dùng không thể so sánh, cho rằng trái cây ngoại thì dinh dưỡng tốt hơn trái cây Việt được.

“Giá trái cây ngoại quá đắt, chỉ có nhà giàu, những người có thu nhập cao mới ăn nổi, nhưng chất lượng thì trái cây Việt hay ngoại nếu đúng nghĩa sạch, sản xuất tốt thì đều tốt như nhau”, TS. Võ Mai chia sẻ.

Dạ Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI