Trả giá vì "chơi bẩn" trong kinh doanh

24/10/2016 - 14:44

PNO - Trung Quốc chấn động trước thông tin sữa của hãng Yili chứa dầu cá có thể gây dậy thì sớm. Tin đồn thất thiệt này do một số người được trả tiền, giả là thai phụ đăng tải lên mạng, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Năm 2010, ngành sữa và thị trường Trung Quốc chấn động trước thông tin sữa của hãng Yili chứa dầu cá có thể gây dậy thì sớm. Tin đồn thất thiệt này do một số người được trả tiền, giả là thai phụ đăng tải lên mạng, gây hoang mang cho người tiêu dùng, nhất là các gia đình đang cho con uống sữa Yili. Kẻ “ném đá giấu tay” là nhân viên hãng sữa lớn nhất Trung Quốc Mengniu.

Theo điều tra của cảnh sát, An Yong - một quản lý thuộc bộ phận kinh doanh của Mengniu khai rằng, trước áp lực doanh số, người này đã ngầm chi 42.000 USD để thuê Công ty dịch vụ truyền thông BossePR hỗ trợ. BossePR nhanh chóng bắt tay vào thương vụ bẩn thỉu này, thuê nhiều người giả là phụ huynh và những bà mẹ đang mang thai (nhằm đánh vào sự phẫn nộ của dư luận) dựng chuyện bôi bẩn đối thủ số một Yili, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia bình luận.

Tra gia vi
Ảnh: Internet

Dĩ nhiên, Mengniu phủ nhận mọi cáo buộc, đổ hết trách nhiệm cho An Yong, người phải chịu án tù hai năm vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, trước áp lực của dư luận, cuối cùng Mengniu cũng phải công khai xin lỗi Yili.

Năm 1999, giáo viên Victoria Knight McDowell (ở California, Mỹ) cùng chồng là nhà biên kịch Thomas Rider McDowell tung ra thị trường loại thuốc trị cảm lạnh, ho, bệnh cúm do họ bào chế tên là Airborne. Loại thuốc này được bán ở các cửa hàng bán lẻ của Mỹ dưới dạng những viên dẻo có thể nhai, viên tròn, viên nhộng dạng sủi hay bột. Đáng nói là không một nghiên cứu khoa học nào chứng minh Airborne có những công dụng như quảng cáo.

Đến năm 2006, một người dùng đã tố cáo Airborne không phải là thuốc. Ủy ban Thương mại liên bang vào cuộc và xác định: Airborne không phải thuốc như thông tin trên nhãn mác mà công thức chỉ có một số loại vitamin, chiết xuất thảo dược. Kết quả điều tra còn chỉ ra những ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Hai viên Airborne chứa lượng vitamin A đến 10.000 IU (hoạt lực của vitamin A được tính theo đơn vị quốc tế), ngang bằng lượng vitamin A tối đa cho phép cơ thể hấp thu mỗi ngày; trong khi liều dùng yêu cầu của Airborne là ba viên/ngày. Chưa hết, công thức Airborne chứa phần lớn là vitamin C với mức có thể gây sỏi thận. Người dùng Airborne vô cùng phẫn nộ .

Hậu quả là Airborne phải chấp nhận chi 23,3 triệu USD bồi thường cho khách hàng trong vụ kiện tập thể có sự góp mặt của Trung tâm Khoa học vì quyền lợi công chúng Mỹ (CSPI).

Anh Thông (Theo Campaign Asia, Financial Times, cspinet.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI