Nông sản Việt những lát cắt buồn: Tiếng chim lợn trong vườn thanh long

02/12/2015 - 10:10

PNO - Khi nghe tiếng chim lợn kêu éc éc từ xa vọng lại, ông Bảo nói như an ủi: "Không sao đâu. Điềm xấu với nông dân tụi tôi cũng đã đến rồi..."

Uống thuốc ngủ vẫn không ngủ được

Chiều mùa mưa cuối tháng 11, trời tối rất nhanh, đống thanh long trên vỉa hè đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú, TP.HCM) của chị Xuyến nhanh chóng ngập trong bóng tối. Chị Xuyến xin chủ nhà cho cắm sợi dây điện để thắp cái bóng đèn nhỏ trước tấm bảng “Thanh long 10.000đ/3kg”.

Tha thiết mời tôi mua hàng, chị phân trần: “Em đâu có bán trái cây chuyên nghiệp, ông chú ngoài Bình Thuận gửi vào hai tạ thanh long, nhờ bán giùm nên gió mưa gì em cũng phải cố, chứ một - hai ngày nữa trái chín hết lại đổ bỏ”. Chị Xuyến kể, quê chị ở Hàm Thuận Nam, nơi mà tàu du lịch đi qua ban đêm sẽ thấy hằ ng hà sao trời mọc lên từ đất. Ông chú chị, cũng như bao hộ nông dân xứ này sống chết với cây thanh long.

Nong san Viet nhung lat cat buon: Tieng chim lon trong vuon thanh long

Chúng tôi đến H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - nơi được xem thủ phủ trồng thanh long. Thanh long đang vào vụ mùa. Trái chín đỏ trên cây với những chiếc tai xanh xòe ra như những chiếc lồng đèn.

Từ Quốc lộ 1, men theo những con đường làng xương cá vào tận chân núi Tà Cú, chỗ nào chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy thanh long. Trên lầu lục giác của gia đình ông Nguyễn Như Hoành (thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh) phóng tầm mắt ra bốn hướng, chúng tôi mới thấm câu “trên trời - dưới thanh long” của cư dân địa phương.

“Để có được trái, thì đêm như ngày, tụi tôi ôm bình xịt thuốc còn hơn ôm vợ. Phải ăn, ngủ với thuốc; hít thở không khí luôn có thuốc…” - ông Nguyễn Hoài Bảo, một nông dân ở đây mở đầu câu chuyện. Mùa đông tháng giá, sương muối xuất hiện, nếu không phát hiện để rửa cành trước khi mặt trời lên cao thì cả vườn thanh long sẽ bị “cháy”.

Vào mùa nghịch (từ tháng 8 trở đi), ban đêm nhà vườn phải thắp đèn để kích thích cây ra hoa. Giấc ngủ chập chờn. Trung bình mỗi ha thanh long có khoảng 1.000 trụ, phải thắp hơn 1.000 bóng đèn, vườn càng lớn thì bóng đèn càng nhiều, nếu không kịp tắt đèn trước khi trời đổ mưa, bóng đèn sẽ nổ đồng loạt, người trồng chỉ biết khóc ròng.

Ông Bảo kể: “Nhiều khi cứ nhắm mắt là thấy giá cả lên xuống, thấy mưa không kịp tắt đèn. Có hôm đang ngủ thì thấy mưa, vội cuống cuồng chạy đi tắt điện. Tắt xong, nhìn ra sân trời vẫn trong veo, có hột mưa nào đâu...”.

“Không cực khổ, không phải là nông dân. Nhưng mà cực vậy chứ cực nữa tụi tôi cũng chịu được miễn sản phẩm bán được giá”- bà Huỳnh Thị Diễm Sương, chủ vườn thanh long 5ha, nói như cam chịu. Bà ước ao, bởi những trái thanh long có màu đỏ tươi nhưng lòng người làm ra nó thì đang xám xịt, úa tàn: “Trong vòng ba ngày, giá nhảy từ 14.000 - 15.000đ/kg xuống còn 7.000đ. Đợ t thu hoạ ch vừ a rồ i tôi được gần chục tấn, coi như mất toi 70 - 80 triệu đồng”

Cũng như bà Sương, ông Đà o Văn Quang, chủ vườn thanh long 8ha, thu hoạch 13 tấ n trái bán với giá 7.000đ/kg (giảm 7.000 - 8.000đ so với ba hôm trước), mất 81 triệu đồng. Ông Nguyễn Hoài Bảo, bán hai tấn với giá 5.000đ/kg, mất 18 triệu đồng…

Ông Quang thở hắt ra: “Trái chín thì phải cắt chứ đâu thể chờ. Mà giá cả “nhảy múa” liên tục, một giờ có thể lên xuống vài ngàn, mình đâu thể biết nó lên hay xuống mà chờ”. Ông

Hoài Bảo ví von mà giọng khàn đi như nuốt than: “Đúng là mỡ đến miệng mèo chưa chắc được ăn. Trúng mùa mà không bán được hoặc bị “đạp giá” thì mất ăn, mất ngủ, ngả bệnh là chuyện thường tình. Mình đi ăn tô phở giá cả chênh nhau 5.000đ còn phải cân đo. Vậy mà phải chịu mất một lúc cả ngàn tô phở, bảo sao không mất ngủ. Có người uống thuốc ngủ mà không ngủ được…”.

Thao thức trong căn chòi giữa vườn thanh long của ông Bảo bên chân núi Tà Cú gió lùa, chúng tôi rợn người khi nghe chim lợn kêu éc éc từ xa vọng lại. Ông Bảo nghiêng tai lắng nghe tiếng kêu của loài chim thường được cho là báo hiệu cái chết, mất mấy giây định thần, ông nói như an ủi: “Không sao đâu. Điềm xấu với nông dân tụi tôi cũng đã đến rồi”.

Lời ông nói khiến tôi nhớ những đống thanh long nằm lăn lóc lề đường ở TP.HCM, với giá 10.000đ/3kg hoặc thấp tệ, chỉ 2.000đ/kg. Thảm sầu. Hàng hàng lớp lớp màu đỏ trái cây vài ba ngày sau chuyển màu xám, như màu da mặt héo úa của người làm ra nó.

Nhưng, câu chuyện buồn đâu chỉ dừng lại ở vườn thanh long.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI