Gạo bốn tháng đang cháy hàng

07/10/2016 - 07:56

PNO - Những loại gạo được trồng từ 4-6 tháng đang được người tiêu dùng ưa chuộng vì tin rằng do không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên thời gian trồng lâu.

Vét cả… tấm

Tại các phiên chợ nông sản như chợ phiên Tâm Dân, phiên chợ Xanh… ở TP.HCM cuối tuần qua, nhiều người đến chợ chưng hửng trước một gian hàng gạo mà ngay từ đầu phiên, nhân viên đã thông báo hết gạo, chỉ còn tấm. Sau một thoáng đắn đo, nhiều khách cũng chấp nhận mua với giá 30.000 đồng/kg.

Chỉ là loại gạo Nàng Hoa 9, giá tại các đại lý 16.000-17.000 đồng/kg, nhưng ở đây lại có giá gần gấp đôi. Thông tin trên bao bì cho thấy, đây không phải là sản phẩm có chứng nhận GAP hay hữu cơ mà chỉ ghi “gạo an toàn”. Sự đặc biệt không phải ở giống gạo, mà do cách trồng, bốn tháng mới có một đợt bán, số lượng lại rất hạn chế.

Chị Phương Hà, ngụ đường Thạch Thị Thanh (Q.1) cho biết, cách đây bốn tháng, chị đi chợ phiên thấy giới thiệu loại gạo trồng theo hướng tự nhiên, không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay chất bảo quản, nên mua thử về dùng và thấy có sự khác biệt (thơm tự nhiên, mềm, dẻo…) so với gạo cùng loại tại các đại lý, dù nhìn bề ngoài không bóng bẩy, bắt mắt bằng.

Gao bon thang dang chay hang
Nhiều người tin rằng, gạo được trồng 4-5 tháng sẽ tránh được việc lạm dụng hóa chất, phân bón hóa học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm này hút khách không phải vì chủ nhân của nó, anh Võ Văn Tiếng (Hồng Ngự, Đồng Tháp), vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, mà nhờ quá trình canh tác đã thuyết phục được người tiêu dùng.

Anh Tiếng cho biết, cách trồng thực ra chỉ là gần giống như truyền thống, tận dụng phù sa từ sông Mêkông nuôi mầm lúa lớn; đắp bờ bao cách ly với ruộng làm hóa học xung quanh để hạn chế dịch bệnh lây lan; luôn giữ mực nước trong ruộng để đỡ cỏ dại và sâu rầy; nuôi cá và vịt trên đồng để ăn ốc và sâu. Những vụ đầu anh chấp nhận năng suất thấp nhưng bù lại được người mua chấp nhận mức giá cao - 32.000 đồng/kg, nên có điều kiện cùng các cộng sự tiếp tục làm.

Lúa bốn tháng được người mua tin tưởng vì nhiều người cho rằng, do không bón phân hóa học, phun thuốc sâu, cây lúa mới trưởng thành lâu như vậy. Anh Đỗ Mạnh Hùng, một đầu mối phân phối gạo tại đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) cho biết, có người nhà tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) thu mua được nguồn lúa từ các làng người dân tộc K’Ho, đưa về TP.HCM cho anh bán thử.

Lúa trồng trên núi mất tới bốn-năm tháng mới thu hoạch, vì người K’Ho không có thói quen dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Hạt gạo đen nhẻm, nhiều bột cám, không bắt mắt nhưng lại rất được các bà nội trợ vì tin đây là sản phẩm sạch.

Theo anh Tuấn, nhân viên gạo Cỏ May, người tiêu dùng hiện rất chuộng các sản phẩm gạo sạch. Với những loại gạo canh tác dài ngày, không dùng chất bảo quản, thời gian sử dụng sẽ ngắn hơn, nên những sản phẩm canh tác theo phương pháp tự nhiên cũng cần có cách bảo quản an toàn, chẳng hạn như đóng bao bì hút chân không…

Cứ trồng lâu là gạo sạch?

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo, xu hướng chọn gạo dài ngày không phải mới, vì hầu hết các vùng trồng lúa hiện đều chạy theo lúa cao sản, năng suất cao, thời gian canh tác ngắn. Cách trồng này phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu khiến người tiêu dùng có tâm lý bất an khi sử dụng sản phẩm. Thực tế, nhiều lô gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, Nhật đã bị trả về do dư lượn

g thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Người tiêu dùng trong nước còn chuộng gạo Campuchia, gạo Thái vì tin là “sạch” hơn do canh tác dài ngày hơn. Giáo sư Xuân nhận định, những sản phẩm đáp ứng các nhu cầu về đảm bảo sức khỏe sẽ được người tiêu dùng ủng hộ, nhưng việc quản lý, kiểm soát các sản phẩm này thế nào cho đúng với chất lượng, giá thành mới là vấn đề cần chú ý.

Hiện hầu hết các loại gạo canh tác dài ngày được phân phối trực tiếp từ tay người trồng đến tay người tiêu thụ, hoặc được các đại lý thu mua và phân phối lại nên vẫn không tránh khỏi những nghi vấn về chất lượng và sự kiểm soát quá trình canh tác.

Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp, Trung tâm BSA cho rằng, một đơn vị tự canh tác, tự công bố chất lượng chưa thể thuyết phục được người tiêu dùng; nhưng nếu có một đơn vị giữ vai trò thẩm định chất lượng thì sẽ đảm bảo hơn.

Theo đại diện Cục Trồng trọt tại TP.HCM, tiêu chuẩn sản phẩm lúa gạo hiện nay là VietGAP hay GlobalGAP, cao hơn là hữu cơ (do các tổ chức nước ngoài cấp). Các loại lúa không dùng phân bón, thuốc trừ sâu luôn được khuyến khích canh tác nhưng hình thức phân phối thế nào, ai giám sát chất lượng sản phẩm là vấn đề cần được lưu ý.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI