7 năm nhập vú heo không kiểm dịch từ Trung Quốc

23/12/2015 - 08:09

PNO - Khi các thùng xốp in toàn chữ Trung Quốc được mở, lộ ra những tảng nầm rỉ thứ nước trắng đục. Người đoán đó là sữa, người cho rằng chất bảo quản.

Bắt quả tang

Rạng sáng 22/12, trước căn nhà số 108/2 Quốc lộ 1A, KP.2, P.Đông Hưng Thuận, nằm ngay chân cầu vượt Quang Trung, Q.12, chiếc xe tải chở hàng vừa dừng lại, chủ nhà và người làm công nhanh chóng mở cửa chuyển những thùng hàng lớn, bọc ngoài bằng lớp bao ni lông đen đúa.

Khi các cán bộ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP.HCM) phối hợp với Chi cục thú y thành phố ập đến kiểm tra hành chính, khui các thùng hàng, phát hiện bên trong là nầm (vú) sữa động vật, không rõ nguồn gốc, không có bất cứ loại giấy tờ kiểm dịch nào… Lời khai của chủ hàng đã hé lộ nhiều điều đáng sợ từ điểm tập kết loại thực phẩm bẩn này.

7 nam nhap vu heo khong kiem dich tu Trung Quoc
Hàng trăm tấn vú heo thối được phát hiện sáng 22/12

Căn nhà rộng chừng 50m2 là nơi tập kết hàng với những tủ đông hoen rỉ, sàn nhà nhơ nhớp vì lớp dịch nhầy đượ c cho là sữa từ các thùng nầm chảy ra. Căn gác nhỏ phía trên chật kín những vỏ thùng. Chứng kiến lô hàng xếp ngay cạnh nhà vệ sinh ngập ngụa rác và cặn bẩn, cùng mùi hôi thối bốc lên, chẳng ai nghĩ số thực phẩm này sẽ được sử dụng cho người. Thế nhưng, nó sẽ là “đặc sản” vú dê, thịt thú rừng… nếu trót lọt ra thị trường.

Theo lời ông Cao Chí Đông, sinh năm 1979, quê Bến Tre - chủ nhân lô hàng, ông thuê căn nhà này từ bảy tám năm nay để tiện cho việc đổ hàng từ các xe tải chạy Bắc Nam. Mặt hàng chính mà ông Đông phân phối là nầm và thịt heo, nhập lậu từ Trung Quốc về, bán sỉ, lẻ cho các quán ăn, nhà hàng tại TP.HCM. Hỏi đến các loại giấy tờ (giấy phép kinh doanh, giấy kiểm dịch…), chủ hàng này thở dài “loại hàng này thì làm gì có thể có được giấy đó chứ?”.

Lợi, nhân viên trực tiếp bán hàng hằng ngày tại cửa hàng của ông Đông cho biết, có khá nhiều khách, chủ yếu là từ các quán nhậu, quán ăn, nhà hàng… đến mua từ vài ký đến vài chục ký. Giá nầm sữa tại cửa hàng bán ra trung bình từ 150.000- 153.000đ/kg, thịt heo nái đã thui vàng da 85.000đ/kg… Mỗi ngày, cửa hàng bán được hơn 100kg các loại sản phẩm này.

“Người ta mua về chế biến thành vú dê, thịt rừng… hay không thì không biết, tùy người mua thôi”, Lợi cho hay. Theo lời Lợi, nầm heo trước khi vào thùng đã được sơ chế thành những tảng lớn, bề ngang 10-20cm, dài 40-60cm, cấp đông, sau đó xếp vào những thùng xốp (mỗi thùng đóng từ 50-55kg) vận chuyển về TP.HCM.

7 nam nhap vu heo khong kiem dich tu Trung Quoc

Dù trải qua khoảng 2.000km từ bên kia biên giới Trung Quốc về nhưng theo Lợi, chẳng cần đến xe đông lạnh vận chuyển, về đến cửa hàng cứ xếp dưới nền nhà bán chừng hai-ba ngày, khi những thùng nầm bớt lạnh mới chuyển sang các tủ đông trong cửa hàng để bán dần. Lợi nói, chẳng dễ gì mà những lô hàng này hư được nhưng không tiết lộ lý do.

Giật mình với "đặc sản"

Chỉ trong sáng 22/12, cơ quan chức năng đã bắt quả tang 2.055kg nầm sữa động vật (theo người bán hàng đây là vú heo) và 90kg thịt heo miếng đã được thui vàng lớp da. Toàn bộ các thùng hàng không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, nầm sữa chứa trong thùng xốp, bên ngoài chỉ có chữ Trung Quốc, không đảm bảo vệ sinh, bề mặt nầm sữa có nhiều vật thể lạ. Nầm đã chuyển màu tái nhạt, có mùi hôi, thịt heo được bảo quản trong tủ đông cáu bẩn.

Cơ sở này không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, dụng cụ chứa đựng, sản phẩm động vật để trực tiếp trên nền xi măng không đảm bảo vệ sinh… Nhưng điều khiến là m người ta giật mình là ông Đông đã bán loại thực phẩm này trong suốt bảy năm qua. Không biết đã có bao nhiêu thực khách lầm tưởng mình thưởng thức vú dê, thịt rừng mà thực ra là thứ hàng tiềm ẩn độc hại xuất phát từ đây.

Không muốn cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm vì biết rõ việc này sẽ chỉ phanh phui chất lượng dỏm của thứ hàng nhập lậu này, ông Đông làm đơn xin tự nguyện tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

Ông Đông cũng nộp phạt vi phạm hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; kinh doanh sản phẩm động vật có trong danh mục sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch; phương tiện bày bán, dụng cụ chứa đựng sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y… Số hàng tiêu hủy trị giá hơn 300 triệu đồng, nhưng theo lời một cán bộ PC49, với bảy năm bán trót lọt, thiệt hại này với chủ hàng chẳng thấm vào đâu.

Tại sao cơ sở này hoạt động bảy năm qua mà cơ quan thú y lại không hề hay biết, bà trạm trưởng Trạm thú y Q.12 giải thích, do mới về nhận nhiệm vụ và do cơ sở không đăng ký kinh doanh nên không biết để kiểm soát.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI