Mua nhà: “Không ký bất kỳ hợp đồng gì với sàn giao dịch bất động sản”

06/11/2016 - 11:30

PNO - “Không ký bất kỳ hợp đồng gì với sàn giao dịch bất động sản” là lời khuyên của luật sư cũng như chuyên gia tư vấn tài chính, trước tình trạng một số sàn giao dịch bất động sản tự ý nâng giá sản phẩm để trục lợi.

“Không ký bất kỳ hợp đồng gì với sàn giao dịch bất động sản” là lời khuyên của luật sư cũng như chuyên gia tư vấn tài chính dành cho người mua nhà đất, trước tình trạng một số sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tự ý nâng giá sản phẩm để trục lợi.

Thị trường BĐS TP.HCM xôn xao vụ một Công ty Địa ốc bị tố có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng thông qua việc môi giới đất nền ở dự án Gold Hill (H.Trảng Bom, Đồng Nai). Theo đơn cầu cứu gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, nhiều khách hàng cho rằng họ mua đất nền tại Gold Hill thông qua công ty này với giá cao gần gấp đôi so với giá của chủ đầu tư (CĐT) đưa ra. Số tiền chênh lệch khoảng 100-200 triệu đồng mỗi nền được hợp thức hóa bằng một hợp đồng tư vấn.

Mua nha: “Khong ky bat ky hop dong gi voi san giao dich bat dong san”
Dự án Center Point được Kim Phát vẽ ra để bán hàng

Nhân viên tư vấn của công ty này khẳng định, khách hàng sẽ ký hợp đồng mua bán với công ty: “Anh mua đất của bên em thì phải ký với bên em chứ. Nếu anh thích thì có thể ký với CĐT cũng được nhưng trước hết phải ký với bên em một hợp đồng thỏa thuận”.

Trước đó, tại dự án The Easter City (hay còn gọi là 6B Phạm Hùng) do công ty Quốc Cường Gia Lai làm CĐT, nhiều cư dân cũng bức xúc vì phải trả thêm khoản tiền chênh lệch khá lớn không có trong hợp đồng khi giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS Nam Tiến. Được biết, kể từ khi chuyển công năng từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, Quốc Cường Gia Lai đã ký hợp đồng phân phối độc quyền 20% căn hộ thương mại (dự án nhà ở xã hội được phép trích 20% số căn hộ để bán với giá thương mại) tại dự án The Easter cho sàn giao dịch Nam Tiến.

Trong quá trình tư vấn, môi giới cho khách hàng, Nam Tiến đã tự động thu thêm một khoản tiền chênh lệch, dao động từ 70 triệu cho tới hơn 130 triệu đồng/căn hộ. Thậm chí, có căn hộ bị thu thêm tới hơn 200 triệu đồng. Khi thu số tiền này, phía Nam Tiến cũng chỉ cung cấp cho khách hàng một phiếu thu chứ không hề đưa hóa đơn. Thậm chí, một số căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này cũng bị Nam Tiến kê khống giá bán. Sự việc vỡ lở, phía Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng ra văn bản kết thúc hợp đồng với sàn giao dịch này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này khách hàng vẫn chưa đòi lại được khoản tiền chênh lệch.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, môi giới BĐS chỉ được làm trung gian cho các bên trong việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà đất. Việc này được quy định rõ ràng tại khoản 2, điều 3 của Luật Kinh doanh BĐS.

“Nếu sàn môi giới tự ý nâng giá bán sản phẩm so với giá của CĐT đưa ra là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đơn vị môi giới cố ý gian dối để chiếm đoạt tài sản của khách hàng thông qua việc nâng giá là có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành”, ông Quyền nói.

Theo ông Phan Quang Thắng, Giám đốc Công ty BĐS Goldun Real, khách hàng khi mua đất nền phải kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về CĐT dự án, tiến độ xây dựng, vị trí của dự án. “Bất kỳ dự án nào bây giờ mở bán cũng phải công bố thông tin đầy đủ theo quy định của pháp luật. Khách hàng có thể kiểm tra hiện có bao nhiêu sàn phân phối cho dự án. Cẩn thận hơn, khách hàng nên gọi trực tiếp cho CĐT và xuống tận nơi để xem dự án”, ông Thắng nói.

Khi ký hợp đồng, khách hàng phải xác định rõ, chỉ có CĐT mới được ký hợp đồng. “Khi ký bất kỳ hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán... phải chính CĐT thì khách hàng mới đặt bút ký. Khi giao tiền, phải có phiếu thu và hóa đơn đỏ rõ ràng. Các cam kết trong hợp đồng phải thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của các bên để làm căn cứ phân xử sau này, nếu một bên vi phạm”, ông Thắng nói.

Duy Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI