Mua sắm qua tư vấn của… bạn bè

04/05/2017 - 11:00

PNO - Người tiêu dùng ngày nay có hiểu biết sâu hơn, thông minh hơn và cẩn trọng hơn khi mua sắm. Họ đã có nhiều kinh nghiệm hơn, thậm chí từng trả giá đắt cho những kẻ bán hàng bất lương.

Mua sắm ở thế giới thực, khi mắt thấy, tai nghe, tay sờ đụng, tiền trao cháo múc mà còn bị hớ, huống chi là mua sắm trên Internet - nơi người ta chỉ có thể mua sắm bằng lòng tin trong khi có quá nhiều kẻ lừa lọc, xảo trá.

Mua sắm online là một xu thế của thời đại trên toàn cầu. Ở Việt Nam, sự phát triển ngày càng sâu rộng của mạng lưới Internet với giá cả linh hoạt, hầu như ai cũng có thể lên mạng, kết hợp với thị trường thiết bị di động có khả năng nối mạng ngày càng đa dạng và phong phú cũng với "giá nào cũng có" càng giúp cho việc mua sắm trên mạng rộn ràng hơn.

Với không ít người, bên cạnh thú vui đi shopping tại các siêu thị, họ cũng đã có thêm một thú vui "đầy tốn kém" nữa là mua sắm online. Thậm chí phải dùng từ chính xác là "ghiền mua sắm online". Nhiều người đã chia sẻ trên mạng xã hội về cái cảm giác rất thú vị khi đặt hàng rồi chờ tới ngày được giao hàng. Người mua hàng online có "đặc quyền" mà người shopping offline không có được là sau khi đặt hàng phải chờ đợi một thời gian, có khi gần cả tháng nếu mua từ nước ngoài, và luôn có cái cảm giác hồi hộp không biết hàng thực tế nó ra sao. Rồi lâu lâu không mua cái gì lại cảm thấy như mình thiếu thiếu cái chi đó.

Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đang là một thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển rất "nóng". Theo số liệu do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội đưa ra tại sự kiện Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam hồi tháng 2-2017, quy mô thị trường TMĐT ở Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2016 đạt khoảng 4 tỷ USD.

Mặc dù vẫn còn rất thấp so với Nhật Bản (đạt mức 120 tỷ USD), nhưng thương mại điện tử ở Việt Nam lại nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đạt 22%. Còn theo dự báo của ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trong 5 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Thủ tướng cũng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu trong 4 năm tới, doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng) đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Vào năm 2020 sẽ có 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT và khoảng 30% dân số Việt Nam mua hàng qua online.

Có thể nói chưa bao giờ hoạt động mua bán trên mạng lại sôi động như bây giờ. Không kể các website bán hàng online đang ngày càng nhiều hơn, bên cạnh các website đóng vai trò như những ngôi chợ ảo cho mọi người vào bày hàng, chào mời khách mua, chính các mạng truyền thông xã hội mới làm tăng nhiệt độ của hoạt động mua bán online. Bây giờ ai cũng có thể trở thành một thương nhân, một người bán hàng. Làm ăn nhỏ thì dùng chính tài khoản của mình trên mạng xã hội để chào hàng. Làm ăn lớn hơn thì lập nhóm, lập trang Fanpage mua bán.

Mua sam qua tu van cua… ban be
 

Bên cạnh đó, do nhiều lý do, người tiêu dùng chẳng còn mấy lòng tin nơi người chào bán hàng. Và để mua sắm cho chắc ăn hơn, người ta chỉ mua những gì mà bạn bè mình hay những nhân vật nổi tiếng, có uy tín từng mua và giới thiệu lại. Giới chuyên môn gọi đây là dạng mua bán chia sẻ.

Một đặc trưng của hình thức này là người bán hàng tập trung chào mời từng món hàng một và khai thác tính năng kết nối bạn bè của các tài khoản trên các mạng truyền thông xã hội để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Mạng lưới khách hàng được hình thành theo dạng tổ ong, tạo thành những vòng khách hàng từ các vòng bạn bè của từng tài khoản để rồi kết nối lại với nhau. Cái lợi là người bán hàng có thể bán hàng cho đúng đối tượng người dùng; còn người mua hàng sẽ an tâm vì có thể mua hàng trong vòng nội bộ bạn bè dựa trên niềm tin vào sự chia sẻ, đề xuất của bạn bè.

Một nghiên cứu với hơn 1.000 người mua hàng online do Sociable Labs công bố vào năm 2012 cho thấy có tới 62% trong tổng số người mua hàng online được thăm dò đã đọc các chia sẻ có liên quan tới sản phẩm đó từ bạn bè trên Facebook, để rồi có tới 75% số người đó đã click chuột vào thăm trang sản phẩm của website bán lẻ được giới thiệu. Có tới 53% số người mua hàng online đã mua sản phẩm được bạn bè chia sẻ.

Như đã nói ở trên, mua hàng online càng dựa nặng hơn vào lòng tin. Vì thế, người tiêu dùng đã có một lựa chọn đúng đắn và thông minh là tham khảo sự chia sẻ, mách bảo của bạn bè để mua hàng hóa online an toàn hơn, đúng ý mình hơn.

Và ngay chính những người bán hàng nhanh nhạy cũng hiểu ra lợi thế của hình thức mua hàng chia sẻ này để có thể khai thác nó mà bán hàng. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ online và sự phổ cập ngày càng rộng của loại hình mua bán online, sự thành công chỉ dành cho người bán hàng nào có thể đem đến cho khách hàng sự tiện dụng và an toàn khi mua sắm online.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI