Giá thịt lợn xuống thấp nhất thế giới, Bộ NN-PTNT bàn cách 'giải cứu'

24/04/2017 - 15:35

PNO - Trước tình hình giá thịt lợn đang "rẻ nhất thế giới”, Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp bàn các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhằm tìm ra giải pháp để “giải cứu” ngành hàng này.

DN không lường được giá lợn chạm đáy

Sáng 24/4, lý giải về cuộc khủng hoảng của ngành hàng thịt lợn tại “Hội nghị tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi”, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, bên cạnh nguồn cung đang vượt cầu, việc tổ chức ngành hàng này cũng chưa tốt. Trên cả nước có tới 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 55% thị trường) đã khiến cho việc kiểm soát theo chuỗi khó khăn, giá thành cao, các khâu tách rời…

Do đó, khi thị trường có biến cố thì gây ra thiệt thòi lớn cho nông dân sản xuất nhỏ. Trong khi đó, khâu chế biến và tổ chức thị trường xuất khẩu kém khiến tiêu thụ cả trong và ngoài nước đều “èo uột”…

Còn theo Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco, năm 2016, các DN chăn nuôi lợn trong nước đều dự kiến sẽ còn có một năm tiếp tục khó khăn, tuy nhiên, do có hệ thống thông tin thị trường cảnh báo cho người chăn nuôi và doanh nghiệp nên không thể hình dung ra thị trường lại tụt giảm sâu như hiện nay. Do đó, đại diện DN này kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần làm tốt công tác này để người chăn nuôi kịp thời điều chỉnh.

Gia thit lon xuong thap nhat the gioi, Bo NN-PTNT ban cach 'giai cuu'
Bộ NN-PTNT họp bàn tìm cách giải cứu ngành hàng chăn nuôi lợn khi giá lợn xuống thấp nhất thế giới

Ông Võ Việt Dũng – Công ty Cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội nêu lên một thực trạng đáng buồn: “Giá lợn Việt Nam hiện nay là rẻ nhất thế giới”. Hiện, tại thủ phủ nuôi lợn Ngọc Lũ (Hà Nam), giá lợn xuống chỉ còn khoảng 1,5 triệu/con (loại nặng 1,4 – 1,5 tạ/con) nhưng không có người thu mua!

Bên cạnh những khó khăn của người nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, giá lợn thấp khiến hộ chăn nuôi dễ lơ là việc tiêm vắc xin phòng cho heo nái và heo con, đẩy tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, các đơn vị phải làm tốt công tác truyền thông để kiểm soát vấn đề này.

Đề nghị DN chia sẻ với người chăn nuôi

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là nhanh chóng tái cơ cấu ngành này theo hướng rà soát, giảm quy mô tốc độ tới mức phù hợp nhất. Trong đó đặc biệt giảm số lượng lợn nái, cố gắng tới năm 2019 giảm đàn lái xuống từ 4,2 xuống 3 triệu con. Ngoài ra, cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm, đảm bảo phân khúc thị trường và tập trung mở thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, trước thực tế giá lợn đang khiến các hộ chăn nuôi thua lỗ, lao đao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các DN ngay lập tức có động thái chia sẻ với bà con bằng cách hạ các yếu tố đầu vào như cám, thuốc thú y… trên cơ sở rà soát công tác quản trị. Bởi theo ông Cường, các DN lớn có điều kiện chế ngự rủi ro tốt hơn.

Đồng ý kiến với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho rằng, trong suốt 20 năm qua, ngành chăn nuôi được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt trong vấn đề thuế suất với các nguyên liệu đầu vào. Do đó, thời điểm này các DN, đặc biệt là DN chế biến thức ăn chăn nuôi nên có trách nhiệm chia sẻ với người nông dân.

Theo ông Lịch, hiện giá lợn xuống chỉ còn 23- 25 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn trung bình vào khoảng 9 ngàn đồng/kg. Trung bình để tạo ra 1 kg thịt lợn cần 4 kg cám. Với phép tính này, có thể dễ dàng hình dung người nông dân đang thua lỗ nặng nề như thế nào. “Nếu các cơ sở chăn nuôi “chết” thì các nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng chỉ thành… đống sắt vụn”, ông Lịch cảnh báo.

Tại cuộc họp, đại diện một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết đã có động thái giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 4 – 7% và tiếp tục bàn bạc để có thêm hỗ trợ. Trước lời hứa của nhiều Doanh nghiệp về việc sẽ xem xét việc hỗ trợ giảm giá đầu vào, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là việc làm mang tính “chữa cháy” nên cần phải có sự vào cuộc khẩn trương. Bộ NN-PTNT sẽ tổng hợp các giải pháp từ các DN và sẽ có thư khen đối với các DN nỗ lực chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI