Du lịch lễ 30/4: Gọi bốn món ăn, được phục vụ một món rồi gác đũa hơn một tiếng vẫn chưa có món mới

01/05/2017 - 20:47

PNO - "Gọi bốn món mà chờ mãi mới phục vụ được một món rồi ngưng luôn, nhắc nhân viên mấy lần mà toàn bảo mình chờ. Bực quá mình gọi tính tiền rồi về khách sạn ngủ cho xong”, anh Hai Ty bức xúc.

Nằm không xa TP.HCM, hai điểm du lịch biển là Vũng Tàu, Phan Thiết trong hai ngày qua đón du khách khắp nơi ùn ùn đổ về nghỉ lễ khiến bãi biển, nhà hàng, quán ăn đều ngập trong biển người.

Theo ước tính, toàn tỉnh Bình Thuận đón khoảng 56.000 lượt khách lưu trú, tăng 7% so với năm 2016 (52.200 lượt). Trong đó khách quốc tế khoảng 9.100 lượt, tăng 16% so với năm 2016 (7.800 lượt). Thủ đô resort Hàm Tiến – Mũi Né trong trạng thái kín phòng. Các khu du lịch dã ngoại như Hòn Rơm, Thùy Trang... thì chật kín người.

“Đây là dịp lễ mà tôi thấy du khách đông như vậy, hầu như các quán ăn, nhà hàng luôn trong trạng thái hết chỗ, hoặc phải chờ đợi rất lâu. Đó là tín hiệu vui nhưng cũng dễ khiến trở thành con dao hai lưỡi”, chị Đoàn Bích Ngọc, chủ quán ăn khu vực bờ kè Hàm Tiến chia sẻ.

Du lich le 30/4: Goi bon mon an, duoc phuc vu mot mon roi gac dua hon mot tieng van chua co mon moi
Nướng hải sản vỉa hè phục vụ du khách tại Phan Thiết.

Tại khu vực tập trung nhiều resort như Hàm Tiến, nhiều nhà hàng, quán ăn đã lựa chọn phương thức phục vụ “vỉa hè” bằng cách chế biến hải sản bằng dạng thức ăn nhanh. Quán ăn Nét Việt (Phan Thiết) đưa toàn bộ nhân viên ra vỉa hè làm tiệc nướng cho du khách. Tất cả các món như hào nướng phô mai 15.000đồng/con, mực xiên que 20.000 đồng/xâu, cơm chiên hải sản, bánh canh Phan Thiết. Không còn chỗ ngồi, chính vợ chồng anh Nguyễn Chí Tâm chủ quán trực tiếp nướng hải sản để phục vụ du khách.

“Bình thường quán ăn nằm bên kia đường, nhưng có phần chỉn chu khiến nhiều du khách e ngại bị chặt chém. Đợt lễ năm nay, chúng tôi nghĩ cách làm này để du khách yên tâm”, anh Tâm cho biết. 

Khu vực Hàm Tiến Mũi Né vẫn đứng vị trí dẫn đầu so với nhiều địa phương khác về thu hút du khách, đặc biệt là những dịp lễ, tết. Nhiều resort đã kín phòng trước đó, dù còn hơn 10 ngày mới đến kỳ nghỉ lễ. Các khu mới cũng đã có những chương trình ưu đãi cho du khách, như Ngọc Sương, Lótus Mũi Né, Melon, Biển Đá Vàng....

Tuy nhiên, giá phòng ở các resort cũng tăng cao, ít nhất 30% so với những ngày thường. Còn các nhà nghỉ thì đưa giá phòng cao từ 50 – 100% so với ngày thường vì nhu cầu khách vãng lai tăng bất ngờ. Giá phòng ở các khu resort dao động từ 1.100.000đ đến hơn 3.000.000/đồng/đêm, các khu dã ngoại dành cho dân phượt thấp hơn nhưng cũng từ 600.000 – 1.000.000đ cho dạng ở nhà lều, nhà container.

Du lich le 30/4: Goi bon mon an, duoc phuc vu mot mon roi gac dua hon mot tieng van chua co mon moi
Bãi biển Vũng Tàu luôn đông nghẹt khách.

Tại Vũng Tàu, nhà hàng, quán ăn lớn, nhỏ đều chật khách. Nhiều điểm ăn uống từ chối nhận đặt bàn trước khi thực khách có nhu cầu. Khách đến có bàn thì ngồi, không thì đi quán khác. Chuyện tìm một quán ăn trở nên khó khăn đối với nhiều gia đình vì không còn chỗ đậu xe.

Gia đình anh Hai Ty đến Vũng Tàu vào ngày 30/4, buổi tối anh phải vòng đi vòng lại một đoạn đường khá dài vì mãi không tìm được quán ăn còn chỗ trống. Sau hơn một giờ đồng hồ xoay sở thoát khỏi dòng xe đông đúc nối đuôi nhau, anh cũng tìm được một nhà hàng cách khá xa trung tâm nhưng cũng suýt phải đi tìm quán khác vì nhà hàng không giữ xe nữa do hết chỗ đậu. Đến lúc ổn định chỗ ngồi thì gọi món có món không, cơm hết, bún cũng hết nên cuối cùng vì quá mệt mỏi, trẻ con nhăn nhó vì đói, gia đình anh Ty đành chấp nhận ăn tạm lẩu chua với… mì gói.

“Đi du lịch mà cứ như hành xác, ăn uống toàn phải năn nỉ nhân viên làm nhanh lên vì quá đói. Đồ ăn thì chất lượng kém hơn ngày thường, phục vụ cũng kém mà giá thì cắt cổ. Cái lẩu chua được vài miếng cá lỏng lẽo mà tính 300.000 đồng, gọi bốn món mà chờ mãi mới phục vụ được một món rồi ngưng luôn, nhắc nhân viên mấy lần mà toàn bảo mình chờ. Bực quá mình gọi tính tiền rồi về khách sạn ngủ cho xong”, anh Hai Ty bức xúc.

Du lich le 30/4: Goi bon mon an, duoc phuc vu mot mon roi gac dua hon mot tieng van chua co mon moi
Xe nối đuôi nhau thành hàng dài trở về TP.HCM. Ảnh: Bình Yên.

Còn gia đình chị Hoàng Mai, ngụ Q. Tân Bình TP.HCM thì quyết định chiều tối ngày 1/5 quay về nhà thay vì phải đến trưa ngày 2/5 do lo ngại ngày cuối của kỳ nghỉ du khách từ khắp nơi đổ về lại TP.HCM sẽ gây ra tình trạng tắc đường. Tuy nhiên, chia sẻ trên mạng xã hội, chị Mai cho biết chiều 1/5 trở về chị đã "dính" kẹt xe.

"Thua toàn tập. Mình sẽ không chọn đi du lịch vào những ngày nghỉ lễ nữa vì chơi không bao nhiêu, vừa tốn tiền hơn mà lại mệt mỏi", chị Mai cho biết

Ghi nhận, đây cũng là dịp lễ mà lần đầu tiên các tuyến đường hầu như đều đông kịt các phương tiện giao thông, rất nhiều tuyến đường đã xảy ra ùn tắc. Tại Phan Thiết, một số khu dã ngoại còn quá bừa bãi vì ý thức nhiều người đi du lịch quá thấp.

“Vẫn biết với lượng du khách đông như vậy, chắc chắn phải xảy ra những điều không đẹp mắt, nhưng chúng ta buộc phải sống trong tâm điểm đó để giải quyết bằng giải pháp khác. Mặc dù tại các khu dã ngoại đã có biển cấm, có đặt thùng rác nhưng ý thức du khách còn kém, rác vẫn bị vứt bừa bãi”, bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó giám đốc phụ trách Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bình Thuận nhìn nhận.

Thế Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI