edf40wrjww2tblPage:Content
Amari Black phát triển khả năng nói khá chậm. Mùa Giáng sinh trước, một người bạn của gia đình đã tặng bé món đồ chơi trên sau khi bố mẹ của bé là anh Garfield và chị Marcha kể, họ rất mong con mình có thể sớm nói chuyện trôi chảy như những đứa trẻ cùng trang lứa. Đồ chơi này được thiết kế bắt mắt và thân thiện với những em bé như Amari. Vì thế, cậu bé vô cùng thích thú với Peppa Pig.
Amari lặp lại những từ phát ra từ “người bạn” mới. Ban đầu là các chữ cái, sau đó là các từ có hai, ba chữ cái. Em gọi chính xác từ “bố”, “mẹ”… và rồi đến nhóm từ có bốn chữ cái thì em vô tình học luôn một từ văng tục. Em “thực hành” ngay từ mới này với bố mẹ của mình.
Garfield và vợ chẳng thể tin nổi đứa con bé bỏng có thể phát ra từ ấy với vẻ mặt rất vui vì bé cảm nhận mỗi khi mình nói từ đó, người lớn có thái độ rất lạ, khiến bé càng tò mò. Bố mẹ Amari tìm hiểu mới biết, con học chửi tục chính từ thiết bị hỗ trợ phát âm Peppa Pig. Họ gửi thư phàn nàn đến nhà sản xuất đồ chơi InspirationWorks nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Anh Garfield chia sẻ: “Phụ huynh tin cậy vào nhà sản xuất và nghĩ rằng những món đồ chơi dành cho trẻ là vô hại, nhưng chúng tôi đã phí phạm 20 bảng Anh để mua một món đồ chơi làm hư con mình”. Vợ chồng họ đã tịch thu món đồ chơi ấy và buộc Amari hứa là không lặp lại cái từ “xấu xí” kia thêm một lần nào nữa. Thế nhưng, thỉnh thoảng cậu bé vẫn cố tình lặp lại vì chưa hiểu đó là gì mà khiến người lớn “dị ứng” đến thế.
Nhiều sản phẩm chiếu tia laser ngang nhiên được bán như đồ chơi cho trẻ - Ảnh: Internet
Bị xếp vào nhóm đồ chơi bạo lực, súng nhựa luôn gây ấn tượng mạnh và được nhiều trẻ lựa chọn. Nhiều chuyên gia có ý kiến trái chiều để bảo vệ quan điểm giữa việc súng nhựa chỉ là món đồ chơi với việc nó kích thích tinh thần bạo lực trong trẻ. Thực tế đã xảy ra các vụ việc đáng tiếc. Một bé trai hai tuổi hồi cuối tháng 12/2014 đã vô ý cầm khẩu súng mà cậu bé lục được trong bóp của mẹ rồi bắn chết mẹ mình tại một cửa hàng Walmart ở bang Idaho (Mỹ).
Để thu hút khách hàng là trẻ nhỏ, nhiều nhà sản xuất tung ra thị trường những khẩu súng giả không khác gì súng thật. Cuối năm ngoái, cậu bé da màu Tamir Rice (12 tuổi), sống ở bang Cleveland (Mỹ) bị cảnh sát địa phương bắn chết vì nhầm khẩu súng giả em cầm là súng thật. Ngay sau đó, chính quyền nhiều bang đã yêu cầu các hãng sản xuất phải thiết kế lại, sơn màu cam một số bộ phận trên súng giả để dễ phân biệt súng đồ chơi và súng thật.
Bác sĩ Elizabeth Powell thuộc bệnh viện nhi Elizabeth Powell (bang Illinois) nhìn nhận: “Việc chứng kiến trẻ cầm súng đồ chơi bắn vào mình không còn là điều xa lạ với nhiều ông bố bà mẹ. Mức độ ý thức của mỗi trẻ khác nhau. Có em xem đó là trò chơi nhưng có em ám ảnh những pha bạo lực từ phim ảnh, xem khẩu súng nhựa như đồ thật và luôn muốn hạ gục bất kỳ ai. Điều này rất đáng lo, khoảng cách giữa súng giả và súng thật dường như không còn”.
Một trong những mối lo lớn nhất của nhiều phụ huynh là khó tránh khỏi hóa chất độc hại từ đồ chơi, vật dụng dành cho trẻ em, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của trẻ. Hàng năm Quỹ giáo dục PIRG (Mỹ) đều công bố danh sách “Trouble in Toyland” - tức những thành phần, bộ phận, kết cấu của đồ chơi có thể gây hại cho trẻ.
Ở một số quốc gia châu Âu vốn nổi tiếng về quy định an toàn trong sản xuất cũng xuất hiện các loại yếm làm bằng vật liệu có hóa chất gây hại cho trẻ. Cuối năm 2014, châu Âu thu hồi sản phẩm súng nước đồ chơi có chứa chất di-(2-ethylhexyl) phthalates (DEHP) vượt quá 34% mức cho phép. Chất phthalates có thể gây tổn hại sức khỏe của trẻ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản. Cùng thời điểm, bộ đồ chơi búp bê Girls Briskness do Trung Quốc sản xuất cũng bị cấm đưa ra thị trường với lý do tương tự.
Đây không phải là lần đầu tiên đồ chơi xuất xứ từ quốc gia này bị truyền thông, hay một số quốc gia trên thế giới tẩy chay vì không bảo đảm được quy định về sử dụng chất liệu an toàn đối với sức khỏe trẻ em. Thị trường đồ chơi Trung Quốc đa dạng về chủng loại, thiết kế bắt mắt nhưng là mối hại trực tiếp lên sức khỏe trẻ. Nhiều mặt hàng lẽ ra không được phép là đồ chơi cho trẻ nhưng vẫn được bán tràn lan, gây hậu quả khôn lường.
PIRG cho biết, dù liên tục được khuyến cáo nhưng các bậc phụ huynh vẫn còn khá vô tư trong chuyện mua đồ chơi cho trẻ. Việc kiểm soát thị trường kém cộng với sự lơ là của phụ huynh vô tình đẩy trẻ em vào mối nguy hiểm mà lẽ ra các em phải được bảo vệ an toàn tuyệt đối.
THIÊN ANH
(Theo Daily Mail, NBC News)
Danh sách “Trouble in Toyland” năm 2014, với những thành phần, bộ phận, kết cấu gây nguy hại có trong đồ chơi trẻ em: - Chì: Ngày càng có nhiều đồ chơi trẻ em nhiễm độc chì với hàm lượng vượt quá mức an toàn. Chì ảnh hưởng đến dây thần kinh và bộ não đang phát triển của trẻ. Mức độ của chì trong máu tăng càng cao thì cảm xúc của trẻ càng biến động. Chỉ số IQ tỷ lệ nghịch với nồng độ chì trong máu của trẻ. - Chromium: Da trẻ dễ bị tổn thương, nếu tiếp xúc với Chromium có thể dẫn đến hiện tượng nổi đỏ, phồng rộp. Hợp chất Chromium có thể gây ung thư. - Phthalates: Bé trai nhiễm Phthalates bị ảnh hưởng chức năng sinh sản, có thể khiến bé dậy thì sớm. Chất này thường có trong các sản phẩm đồ chơi nhựa, cao su. - Đồ chơi được làm từ các bộ phận nhỏ, khó kiểm soát: Trẻ nuốt phải dị vật là các bộ phận từ đồ chơi có thể bị tắc đường thở. Các quả bóng nhỏ, bong bóng cũng là dị vật mà vô tình trẻ nuốt. - Nam châm: Tránh xa đồ chơi có hai viên nam châm nhỏ. Khi hai viên nam châm nhỏ trái cực hút vào nhau sẽ gây viêm và tạo thành ổ mủ trong ruột non, khiến ruột bị dính và thủng ruột. - Pin: Khi trẻ nuốt nhầm các viên pin nhỏ như cúc áo có trong đồ chơi sẽ rất tai hại. Pin tham gia hàng loạt phản ứng hóa học, gây chảy máu nội tạng của trẻ. - Đồ chơi có âm thanh quá lớn: Tiếng ồn ảnh hưởng đến thính giác của trẻ, ảnh hưởng khả năng học nói của trẻ ở những năm đầu đời. |