Bị cho 'ăn dày', Vissan, Sagri nói gì?

28/04/2017 - 14:48

PNO - Các doanh nghiệp giết mổ, phân phối thịt heo bán lẻ tại TP.HCM cho rằng, họ đang bị sụt giảm lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ...

Không lời!

Làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng ngày 28/4, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Vissan cho biết, giá thịt heo hiện nay ở mức 72.000 - 77.500 đồng/kg, tùy loại thịt sau khi pha lóc.

Bi cho 'an day', Vissan, Sagri noi gi?
Vissan cho rằng lợi nhuận của họ đang sụt giảm khi giá heo xuống.

Theo ông An, với mức giá bán ra như trên, công ty đã phải giảm lợi nhuận rất lớn, hiện nay mức lợi nhuận mỗi tháng của doanh nghiệp chỉ còn 3,3%. Từ tháng 8-2016 đến nay, công ty đã giảm 4 lần giá thịt heo đầu ra, mới đây ngày 26/4, công ty đã giảm giá thịt bán lẻ đến người tiêu dùng 5.000 đồng/kg.

Đại diện Vissan cho hay, việc hạ giá, tăng mua để hỗ trợ người chăn nuôi nhưng doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Các phần thịt ngon của heo có thể đảm bảo tiêu thụ ổn định nhưng các sản phẩm phụ phẩm, nội tạng heo tăng lên khiến công ty khó tiêu thụ. Mấy ngày gần đây, công ty phải cho công nhân các sản phẩm nội tạng, vì không tiêu thụ hết.

Đại diện Sagri cũng cho biết, hiện nay doanh nghiệp cũng đang chịu lỗ vì giá heo xuống thấp do đơn vị này tự nuôi heo và giết mổ, chế biến lẫn tiêu thụ. Giá thành nuôi đúng của con heo là 38.000 đồng/kg, nhưng hiện nay công ty thu mua từ trại chỉ có giá 27.000 đồng/kg, dù cao hơn thị trường nhưng vẫn lỗ nặng. Công ty bán ra thị trường tại các cửa hàng lẫn siêu thị liên kết cũng có mức giá theo chương trình bình ổn của TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, theo công thức tính giá mỗi công ty chăn nuôi khác nhau, nhưng bản thân là người tiêu dùng họ thấy giá thịt heo bán trên thị trường hiện nay vẫn bất hợp lý. Vì khi giá heo hơi 50.000 đồng/kg, doanh nghiệp bán trên mức giá 70.000 đồng/kg thịt là đã có lãi, và hiện nay giá heo hơi còn 23.000-24.000 đồng/kg, giảm 50%, DN chăn nuôi bán lẻ dù đã giảm cũng chỉ ở trên mức 70.000 đồng/kg thịt đến tay người mua, chắc chắn vẫn lãi.

Theo đề nghị của thứ trưởng Tám, các DN cần có những giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ giải cứu người chăn nuôi đang thua lỗ lúc này.

"Chỉ cần Vissan giảm 10.000-20.000 đồng/kg thịt heo thì ngay lập tức tác động thị trường rất lớn, buộc các chợ lẻ phải giảm theo. Giá thịt giảm, người tiêu dùng sẽ quay sang mua thịt heo, kích cầu, tăng đầu ra, tình hình giá heo sẽ tốt hơn”, ông Tám nói.

Các công ty chăn nuôi, giết mổ tính toán, giá heo hơi mà công ty mua vào vẫn cao hơn thị trường (ở mức giá 26.000-27.000 đồng/kg), tỉ lệ thịt thu được sau giết mổ là 75%, tính ra giá bán heo mảnh khoảng 34.000 đồng/kg. Đến giai đoạn pha lóc, tỉ lệ thịt thu được chỉ còn khoảng 50%, tính ra giá bán thịt ra thị trường khoảng 69.000 đồng/kg. Phụ phẩm nội tạng bán giá thấp, thậm chí bán không được, tồn kho, chưa kể bán vào siêu thị các công ty phải chiết khấu 9-10% nữa. Dòng tiền phải cả tháng mới thu hồi được khi bán sản phẩm tại siêu thị. Vì vậy, với mức giá hiện nay, các DN giảm xuống còn 72.000 - 77.000 đồng/kg là các DN chăn nuôi lợi nhuận rất thấp.

Giải cứu bằng cấp đông

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, các DN cần tìm cách tăng năng lực cấp đông ngay thời điểm này, cần liên kết với các kho cấp đông của các công ty ở những ngành khác như thực phẩm, thủy sản… để tăng sản lượng thịt cấp đông mới tác động tích cực tăng đầu ra cho người chăn nuôi, chứ không thể chờ tháng nữa hay chờ đến hết năm thì ngành chăn nuôi đã phá sản chứ nói gì đến giải cứu.

Đại diện Vissan cho biết, hiện kho lạnh của Vissan đang tồn khoảng 1.000 tấn nạc heo, khả năng cấp đông thêm của công ty khoảng 100 con heo/ngày. Do năng lực kho lạnh cấp đông hạn chế nên công ty chỉ cấp đông thêm khoảng 100 con/ngày để góp phần giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi. Đến khoảng tháng 5-2017, sau khi tăng được năng lực cấp đông, Vissan dự kiến cấp đông thêm 100 con/ngày nữa lên thành 300 con/ngày.

Đề cập đến chương trình bình ổn giá ảnh hưởng đến diễn biến giá thịt heo trên thị trường, Thứ trưởng Vũ Văn Tám bày tỏ ý kiến cần xem xét lại. Bộ sẽ kiến nghị TP.HCM bỏ bình ổn giá, khuyến khích các doanh nghiệp giá xuống thấp hơn nữa.

Theo ông Tám, thịt heo không thuộc sản phẩm được bình ổn giá theo quy định của nhà nước. Còn TP.HCM có chính sách bình ổn giá riêng cho thịt heo khi giá heo tăng cao, tăng đột biến là tốt, giúp người tiêu dùng không phải mua giá cao. Thế nhưng, khi giá thấp mà bình ổn giá theo kiểu giữ giá thì không hợp lý. Nếu khi giá heo hơi xuống quá thấp, giảm hơn 50% thì TP.HCM cần bỏ chương trình bình ổn giá này, giữ giá thịt heo là bất hợp lý. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI