Ào ạt nhập thực phẩm biến đổi gen: Người tiêu dùng làm “chuột bạch”!

26/08/2014 - 07:10

PNO - PN - Trước việc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy xác nhận cho một số loại bắp (ngô) biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ao at nhap thuc pham bien doi gen: Nguoi tieu dung lam “chuot bach”!

Loại nào biến đổi gen, loại nào không?

Sau bài viết “Bắp biến đổi gen sẽ được dùng làm thực phẩm”, trên Báo Phụ Nữ ngày 22/8, một số độc giả tỏ ra hoang mang. Chị Thu Thủy, nhân viên bán bảo hiểm, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết, do lo ngại nguồn sữa đậu nành trên thị trường không đảm bảo vệ sinh nên chị thường tự mua đậu nành hạt về làm sữa: “Tôi hoàn toàn không biết hạt đậu mình mua về có là sản phẩm biến đổi gen (BĐG) hay không vì hỏi nguồn gốc thì người bán cũng không biết”. Chị Thanh Thảo (P.5, Q.Gò Vấp) thắc mắc: “Những loại thịt nhập mà chúng tôi chọn mua, liệu có phải là từ động vật ăn thực phẩm BĐG?”.

Tại nhiều cửa hàng, sạp chợ tại TP.HCM bán đậu nành, hầu hết những điểm người viết khảo sát đều cho biết họ đang bán đậu nành Mỹ và Ấn Độ, giá bán lẻ dao động từ 30.000-34.000đ/kg tùy loại. Chị Chi, chủ cửa hàng gạo trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) cho biết, đậu phộng, đậu xanh… còn có hàng trong nước chứ đậu nành lâu nay đa phần là hàng nhập khẩu.

Bà Trần Thị Lâm, một hộ làm đậu hủ tại P.Tân Chánh Hiệp (Q.12) cho biết, trung bình mỗi tháng bà nhập hàng tấn đậu nành về để làm đậu hủ, sữa để bán, ngày thường ít nhất cũng tiêu thụ hết 10-15kg đậu nành hạt, ngày rằm hoặc mùng Một lượng hàng có thể tăng gấp đôi, gấp ba do nhu cầu ăn chay nhiều. Theo bà Lâm thì bên bán đậu nành chỉ nói là hàng nhập khẩu, lấy từ các đại lý phân phối thuộc các công ty nhập khẩu, giá lấy sỉ chỉ khoảng 25.000-27.000đ/kg. Riêng “đậu nành Miên” (nhập khẩu từ Campuchia) có ghi rõ nguồn gốc trên bao bì, giá bán sỉ khoảng 15.000-16.000đ/kg. Đậu nành Mỹ rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn, nhưng khi chế biến đậu có cảm giác khô... Bà Lâm hoàn toàn không biết đậu nành mình sử dụng hàng ngày có phải là đậu BĐG hay không.

Ao at nhap thuc pham bien doi gen: Nguoi tieu dung lam “chuot bach”!

Cấm nhưng vẫn nhập ào ào (?)

Liệu các giống cây trồng BĐG đã ra đến các vùng trồng của Việt Nam hay chưa? TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM khẳng định chắc chắn là chưa vì trong nhiều năm làm khảo nghiệm các giống cây này, đơn vị phụ trách quản lý gắt gao tới từng hạt giống. “Lượng hạt giống nhập về, sử dụng bao nhiêu, đến khi thu hoạch giữ lại bao nhiêu để làm mẫu. Còn lại sẽ đem luộc tiêu hủy, ngay cả phần thân, lá cây cũng phải đốt thành tro, tránh tuyệt đối phát tán ra môi trường nên không thể có chuyện cây BĐG đã được trồng đại trà…”, TS Xô nói.

Dù quy trình thử nghiệm giống BĐG theo TS Dương Hoa Xô là hết sức gắt gao, nhưng theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, việc quản lý các sản phẩm BĐG hết sức lỏng lẻo. Về lý thuyết, trước nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc BĐG, thực tế trên thị trường chưa thấy sản phẩm nào dán nhãn thực phẩm BĐG, trừ một số cửa hàng thực phẩm Nhật có gắn nhãn “thực phẩm không BĐG”. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam lại có hàng triệu tấn bắp, đậu nành, cải dầu… nhập từ các nước sử dụng cây trồng BĐG. Loại thực phẩm này từ lâu đã len lỏi vào bữa ăn của người Việt. Trong năm 2013, Việt Nam nhập 2,19 triệu tấn bắp; 1,3 triệu tấn đậu nành. 90% số bắp và đậu nành nhập khẩu là từ Brazil, Mỹ, Argentina, Ấn Độ - có diện tích cây bắp, cây đậu nành BĐG lớn nhất thế giới. Đó còn chưa kể hàng trăm ngàn tấn thịt (gà, bò, heo…) được nhập từ các quốc gia cho phép sử dụng thực phẩm BĐG làm thức ăn chăn nuôi. Theo một doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tại Đồng Nai, việc nhập các sản phẩm trên hoàn toàn theo đường chính ngạch. “Trước nay chưa thấy có quy định về quản lý thực phẩm BĐG dùng làm TĂCN, sản phẩm này hoàn toàn không được phía Việt Nam quản lý mà chỉ dựa trên xác nhận của nước xuất khẩu”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Tại sao cấm mà vẫn nhập? Bộ không thể nói là không biết vì rõ ràng Cục Chăn nuôi cũng khẳng định rằng nước ta đã sử dụng bắp, đậu nành BĐG nhập khẩu cả chục năm nay.

Ao at nhap thuc pham bien doi gen: Nguoi tieu dung lam “chuot bach”!

Người Nhật nói "không" với GMO

Cần minh bạch

Nhiều ý kiến lập luận rằng, bắp, đậu nành… nhập về chỉ dùng làm TĂCN, phần rủi ro (nếu có) thuộc về vật nuôi vì chúng ta chỉ ăn thịt vật nuôi. Theo GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, các nghiên cứu tác động trực tiếp từ cây trồng BĐG đối với người sử dụng trực tiếp hay gián tiếp vẫn đang được nhiều nước tiến hành. Ông Nguyễn Văn Phong, một cán bộ ngành nông nghiệp tại Tiền Giang cho biết, chi phí để mua giống cây trồng BĐG cao hơn nhiều giống truyền thống, và những giống này đều do một số tập đoàn nước ngoài cung cấp nên chắc chắn không tránh khỏi sự phụ thuộc. “Liệu người nông dân có giảm được giá thành, tăng năng suất và người tiêu dùng mua được sản phẩm rẻ hơn hay không?”, ông Phong đặt nghi vấn.

TS Leo Gonzales, chuyên gia trong lĩnh vực cây trồng BĐG tại Philippines cho biết, hiện ở Việt Nam vẫn có những nghi ngại về sự mất an toàn của những giống cây trồng BĐG. Ông cho rằng nhà nước nên để sản phẩm BĐG tồn tại song song với sản phẩm canh tác truyền thống, nhưng bắt buộc phải để nhãn mác rõ ràng là sản phẩm có BĐG gen hay không, để người tiêu dùng quyết định sử dụng hay không sử dụng. Thiết nghĩ đây cũng là mong muốn của người tiêu dùng, như ý kiến của chị Thu Thủy: “Khi lợi hại của thực phẩm BĐG còn đang được cân nhắc, có phải người tiêu dùng chúng tôi đang bị biến thành… “chuột bạch”? Thị trường đã có thực phẩm BĐG thì sao không có chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm để chúng tôi có quyền lựa chọn, không thể “ép” chúng tôi sử dụng như vậy được”.

 Thư Hùng

  

Bất chấp vì mối lợi trước mắt

Thực phẩm biến đổi gen (GMO) được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng chuyển gen (GMC). Trên thế giới có khoảng 170 triệu ha (ở 28 quốc gia) chuyên trồng GMC, chiếm 12% diện tích canh tác toàn cầu. Diện tích này tăng gấp 100 lần so với năm 1996. GMC có diện tích chiếm hơn 50% diện tích đất canh tác tại Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Mỹ, Argentina… Ba loại GMC đang được trồng nhiều nhất là bắp, đậu nành và cây bông vải. Trong khi một số nhà khoa học bảo vệ GMO thì phần lớn đều lo ngại loại thực phẩm trên có thể gây ra một số bất lợi như tăng nguy cơ dị ứng, làm lờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người.

Trên thực tế, GMO được xem là mối tai ương cho nhiều nhà nông ở các nước. Theo các chuyên gia sinh học và nông nghiệp thì GMC không giúp tiết kiệm chi phí cũng như về giống, ngược lại, giá các loại giống này còn đắt hơn bình thường nhiều lần. Điều nguy hiểm là nguồn giống của loại GMC lại phụ thuộc vào các tập đoàn cây giống. Nghĩa là, một quốc gia nếu phát triển GMO sẽ bị động khi nguồn cung gián đoạn. Trên thị trường hiện nay, tập đoàn Monsanto được công nhận bằng sáng chế đối với 90% hạt giống BĐG. Monsanto lập luận rằng, GMC làm tăng năng suất cây trồng, từ đó giúp giải quyết vấn đề thiếu lương thực ngày càng trầm trọng trên thế giới. Tuy nhiên, Đại học Kansas của Mỹ chứng minh được rằng, đậu nành BĐG cho năng suất thấp hơn 10% so với giống đậu nành truyền thống.

Dù vậy, doanh thu toàn cầu về GMO hiện nay ước tính khoảng 300 tỷ USD và Mỹ là nước đứng đầu về công nghệ này, nên chính quyền Washington từ nhiều năm nay vẫn cố tình làm ngơ, để ngỏ cho Monsanto hoạt động, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía người dân.

Bài học ở Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Do tin vào viễn cảnh tươi sáng của những mùa bội thu mà nông dân Ấn Độ đã vay tiền để mua hạt giống GMC với giá trên trời để rồi sau đó nhìn mùa màng thất bát, bản thân họ đối mặt với nợ nần.

Liên minh châu Âu (EU) cũng không thoát được sự “cám dỗ” từ GMO và GMC. EU nổi tiếng vì những quy chuẩn an toàn thực phẩm nhưng tháng Sáu vừa qua, EU cho biết đã đồng ý cho các quốc gia thành viên thử nghiệm GMC.

Bang Oregon (Mỹ) vừa thông qua dự luật dán nhãn GMO cho những sản phẩm sản xuất từ 1/7/2016. Đây là một trong những nỗ lực đáng khen của chính quyền bang, vì Oregon là một trong những bang có lượng GMO chiếm phần lớn ở Mỹ.

THIÊN NHƯ
(Theo responsibletechnology.org,Daily Mail, USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI