Những trò chơi cực kì đơn giản giúp trẻ phát triển cảm xúc và kĩ năng xã hội vượt bậc

21/12/2016 - 11:47

PNO - Sau đây là một số ý kiến hay mà bạn có thể làm theo để khuyến khích trẻ nhỏ vừa chơi vừa phát triển kĩ năng cảm xúc cũng như kĩ năng xã hội.

Chơi đóng vai ở nhà

Bạn là tấm gương của trẻ - chúng quan sát mọi việc bạn làm, mọi từ bạn nói rồi bắt chước bạn (hoặc những người khác trong gia đình). Chơi trò đóng vai này sẽ mang lại cho con rất nhiều lợi ích về mặt xã hội, cảm xúc cũng như nhận thức, và chơi trò này cũng thú vị đấy chứ!

Đầu tiên, bé sẽ khám phá trò chơi này bằng cách bắt chước những việc mà bạn làm hàng ngày, như nói chuyện điện thoại, gửi thư hay chải đầu. Sau đó, chúng sẽ bắt đầu chơi những trò phức tạp hơn, liên quan đến bạn, như là làm cho bạn một tách trà tưởng tượng. Cùng chơi với con sẽ giúp hai người thân thiết hơn và giúp con tạo lập cách ứng xử trong xã hội.

Chơi trò đóng vai cũng thúc đẩy trí tưởng tượng, khả năng ngôn ngữ và cảm xúc của bé. Ví dụ, khi bé đóng vai đầu bếp khi chơi trò làm bếp, chúng sẽ quyết định hành động có mục đích và chúng sẽ hành xử đầy tự tin. Chúng sẽ cảm thấy hài lòng khi hoàn thành nhiệm vụ và nói liên mồm về những điều chúng đang làm.

Những đồ vật gợi ý cho trò chơi này:

- Giỏ đựng vật dụng hàng ngày cho trò đóng vai: đồ dùng, lược, ví.

- Đồ chơi có thể dùng trong trò chơi này: điện thoại đồ chơi, khóa nhựa, bộ ấm chén giả.

Những nơi có thể chơi trò này: ở nhà, ở trong vườn, ngoài công viên.

Đối tượng vĩnh cửu

Đối tượng vĩnh cửu ở đây có thể hiểu là mộ vật hay một người vẫn tồn tại trong tâm trí của bé ngay cả khi bé không nhìn thấy, không nghe được, không chạm vào, không ngửi thấy hay cảm nhận được người hoặc vật đó. Đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển nhận thức của bé, và diễn ra khi bé được 5 tháng tuổi.

Bạn có thể nhận ra bé có khả năng này hay chưa qua hành động của bé trong từng tình huống cụ thể. Ví dụ, trẻ sơ sinh có thể làm rơi một thứ và không tìm kiếm thứ đó, cứ biến mất khỏi tầm nhìn thì cũng biến mất khỏi tâm trí.

Nhung tro choi cuc ki don gian giup tre phat trien cam xuc va ki nang xa hoi vuot bac

Nhưng khi một đứa trẻ lớn hơn đánh rơi một thứ đồ chơi, nó sẽ nhìn ngó xem đồ chơi rơi ở đâu. Chúng vẫn nhận ra sự tồn tại của thứ đồ chơi đó ngay cả khi chúng không nhìn thấy nó nữa.

Trẻ em có thể nhận thức được sự tồn tại của sự vật thì rất thích chơi những trò chơi như ú òa hay trốn tìm. Bé nhà bạn rất thích tìm bạn dưới cái chăn, và chúng cũng sẽ trốn bạn ở mỗi góc nhà. Những trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng xã hội.

Những ý tưởng cho những trò chơi mang tính nhận thức sự tồn tại của sự vật:

- Jack trong chiếc hộp

- Ngón tay hay bàn tay của thú nhồi bông (trốn rồi lại xuất hiện)

- Đồ vật trốn dưới một cái chăn hoặc mũ

- Đồ chơi nhỏ trong một cái túi to

Giới thiệu động vật

Đóng giả động vật cũng kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của bé. Gầm như sư tử, bay như chim, hay trườn như rắn. Đừng quên kết hợp tiếng kêu của các loài động vật với từng bước chuyển động. Bé sẽ phát hiện ra từng loài động vật di chuyển thế nào, tiếng kêu ra sao và sẽ bắt chước theo bạn. Mô phỏng theo tiếng động vật cũng là một cách để học những âm thanh mới.

Từ những cuốn sách về động vật, bạn còn có thể trau dồi vốn từ vựng cho bé bằng cách miêu tả con vật: kích cỡ, màu sắc và đặc tính. Điều này cũng hỗ trợ quá trình phát triển trí não của con, thậm chí trước cả khi bé có thể bập bẹ một từ hoàn chỉnh, chúng vẫn sẽ hiểu khi bạn hỏi: “Con hổ gầm thế nào hả con?” và có thể chúng còn gầm cho bạn xem đấy!

Cho trẻ tiếp xúc với động vật sống thì càng tốt hơn, đặc biệt là khi nhà bạn không nuôi thú cưng. Nếu người chủ cho phép, bạn hãy cho bé đến gần một con chó lành và dạy bé xoa đầu nó. Hãy miêu tả con vật: “Con nhìn cái lưỡi của con chó đang thè ra này, nó có màu hồng. Sờ bộ lông xinh đẹp của nó xem, mềm lắm đấy!” Chỉ những tương tác xã hội nhỏ như vậy thôi nhưng cũng dạy trẻ một ngôn ngữ mới đấy.

Vài gợi ý cho trò chơi này:

- Đến vườn thú với những loài động vật nhỏ.

- Mua sách hoặc thẻ về động vật.

- Hát những bài hát về động vật.

Làm dịu cảm giác

Những đồ vật gần gũi sẽ khiến bé cảm thấy mình an toàn khi phải ở trong môi trường lạ lẫm. Cho dù bé phải ngủ trưa ở một nơi lạ lẫm hoặc là có người khác trông, một món đồ chơi mềm mại sẽ ổn định cảm xúc của bé và làm bé bớt căng thẳng hơn.

Một món đồ chơi mà bé yêu thích mà có cảm ứng và âm thanh thì giúp bé thư giãn và làm dịu bé tốt hơn trong những tình huống không thoải mái.

Nhung tro choi cuc ki don gian giup tre phat trien cam xuc va ki nang xa hoi vuot bac

Bạn có thể biến một thứ đồ chơi mềm mại thành một phần thói quen của bé, ví dụ như một dấu hiệu chỉ ra thời điểm để thư giãn hay ngủ trưa. Bạn sẽ nói: “Con ôm chú thỏ bông đi ngủ nhé” hoặc “Mẹ sẽ bật nhạc cho con nghe nhé” rồi bạn bật nhạc cho bé ở trên giường.

Những đồ vật gợi ý cho trò chơi này:

- Những đồ chơi mềm mại có thể rung nhẹ hoặc âm nhạc

- Chăn mềm

- Điện thoại di động phát nhạc ở trên giường

Mặc quần áo như bố hoặc mẹ

Bé là người hâm mộ trung thành nhất của bạn. Từ ngày đầu tiên, bạn và chồng bạn đã luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc cho bé, đáp ứng tất cả các nhu cầu vật chất và tinh thần của bé. Vì vậy, bé coi bạn là tấm gương để noi theo là việc chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.

Trẻ học rất nhiều thứ từ việc nghiên cứu và quan sát những người xung quanh, nhất là những người ở bên bé nhiều nhất là bố mẹ bé. Chúng sẽ bắt chước bạn và học từ những gì bạn nói và những gì bạn làm.

Và đúng vậy, bé cũng muốn hành xử và trông giống bạn nữa. Bé có thể tìm trong cả một cái rổ to những phụ kiện giống với của bạn (vòng cổ, kính mát, túi xách,...) và cả những thứ đồ chơi giống với vật dụng hàng ngày của bạn như điện thoại di động, đồ trang điểm hoặc chìa khóa. Ăn mặc giống bố hoặc mẹ thúc đẩy trí sáng tạo, dạy bé về những tình huống thực tế trong cuộc sống, và gắn kết mối liên kết về mặt cảm xúc giữa bố mẹ và con cái.

Những đồ vật gợi ý cho trò chơi này:

- Máy tính xách tay hoặc máy tính bảng đồ chơi

- Trang phục trong đời sống thật - mũ, kính râm, ví cũ của bạn

- Điện thoại di động đồ chơi

- Đồ trang điểm giả và son.

Tìm kiếm giác quan (nhờ các loại đồ chơi)

"Tìm kiếm giác quan" là trò chơi khơi dậy trí tò mò tự nhiên của bé. Đó là một cách tuyệt vời để phát triển giác quan, tạo lập kỹ năng xã hội và cảm xúc của bé trên suốt chặng đường đời.

Cùng con phát hiện những cảm giác mới mẻ của bé bằng cách tạo ra một chiếc túi cảm giác. Khuyến khích bé mò trong chiếc túi và cảm nhận từng đồ vật trước khi lấy chúng ra và động viên con miêu tả xem cảm giác chạm vào thứ đồ ấy như thế nào.

Bao gồm chất liệu đến từ cả thế giới tự nhiên và nhân tạo - một chiếc lông chim, một miếng xốp, quá thông khô, bìa các-tông, len lông, giấy nhám xước, mảnh vải nhung mềm mại hay một khối gỗ cứng.

Nhung tro choi cuc ki don gian giup tre phat trien cam xuc va ki nang xa hoi vuot bac

Bé sẽ thích cảm giác khám phá được những món đồ chơi từ nhiều chất liệu khác nhau. Hãy kiếm những loại đồ chơi mềm từ nhiều chất liệu (như vải sợi to, nhăn và các loại vải bông). Những thứ đồ chơi khác cũng có thể khuyến khích cảm giác của bé ví dụ như những quả bóng nảy với những chiếc gai mềm giúp bé có thể nắm bắt hay những chiếc vòng nhựa, những tấm chăn mỏng với các loại ruy-băng chẳng hạn.

Mời bạn của bé đến nhà để cùng chơi

Bé rất thích chơi với bố mẹ mình, nhưng cũng rất thích gặp gỡ bạn bè của mình nữa. Vì thế mời bạn của bé đến chơi cũng là một phần quan trọng trong quá trình phát triển kĩ năng xã hội và cảm xúc của bé, việc này sẽ giúp con phát triển lòng tự trọng, sự tự tin, niềm hạnh phúc và sự phấn khích.

Cùng đồng hành với một đứa trẻ khác có thể khiến bé học tập và tích lũy kinh nghiệm, chúng có thể quan sát hành động và cách cư xử của người còn lại. Mặc dù chúng không chơi cùng nhau nhưng chúng sẽ chơi ở bên cạnh hoặc ngồi đối diện nhau. Đó được gọi là "chơi song song".

Khi lập một "cuộc hẹn" cho hai bé, hãy ước tính những thứ đồ chơi to hoặc nhiều mà cả hai bé có thể cùng chơi, nhưng vẫn độc lập với nhau. Các bé sẽ rất vui khi được ngồi hay bò trong một chiếc bể bơi cao su đầy bóng nhựa nhỏ, hoặc khám phá những sàng, xô và những miếng nhựa có hình dạng khác nhau trong một hố cát hoặc bàn nước. Nếu bé chơi ở trong nhà, hãy thử những bộ đồ chơi lớn với những yếu tố mang tính tương tác vui vẻ.

Nhung tro choi cuc ki don gian giup tre phat trien cam xuc va ki nang xa hoi vuot bac

Ai ở đầu dây bên kia thế ?

Bé học được rất nhiều thứ thông qua việc bắt chước. Khi chúng nhìn bạn làm gì trong một ngày, não bộ của chúng đã ghi nhớ từng cử chỉ, từng lời nói của bạn. Vì thế nếu bé muốn gọi điện thoại giống bạn thì cũng là lẽ tự nhiên thôi.

Khi bé nghe và nhìn thấy bạn nói chuyện điện thoại, bé sẽ học được những cảm xúc và tương tác xã hội. Bạn có thể cười, nói với giọng điệu ngạc nhiên, dùng những từ ngữ tình cảm, hoặc kể chuyện một cách sôi nổi với người ở đầu dây bên kia điện thoại.

Giả vờ nói chuyện điện thoại với bé là một cách khiến bé học tập và tích lũy kinh nghiệm. Điều này sẽ kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của bé cũng như vận động khả năng nghe và kĩ năng ngôn ngữ của bé.

Hãy cho bé chơi trò "Ai ở đầu dây bên kia thế?" cùng chiếc điện thoại đồ chơi của bé: Tạo tiếng chuông và nói với bé những từ vựng mới khi bé được gọi điện và giả vờ trả lời để cuộc trò chuyện đi xa hơn.

Thu Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI