Những điều về sinh mổ tưởng đã cũ mà rất ít người biết

01/12/2016 - 06:30

PNO - Hóa ra, có rất nhiều điều về sinh mổ mà chẳng ai nói cho bạn cả, trừ khi bạn tìm hiểu rõ ràng hoặc là tự mình trải nghiệm lấy một bài học xương máu như tôi.

Trước khi tôi sinh đứa con đầu lòng, tôi không nghĩ nhiều về việc sinh mổ. Tôi cứ đinh ninh rằng lên kế hoạch sinh kĩ càng là mọi chuyện sẽ được kiểm soát, và giống như hầu hết những việc tôi đã tự mình chuẩn bị trước đây, sinh con cũng sẽ hoàn hảo như thế thôi.

Vì thế, vào lúc đó, tôi đã tự tin đến mù quáng và không hề nghĩ đến khả năng mình sẽ phải sinh mổ. Hóa ra, có rất nhiều điều về sinh mổ mà chẳng ai nói cho bạn cả, trừ khi bạn tìm hiểu rõ ràng hoặc là tự mình trải nghiệm lấy một bài học xương máu như tôi.

Khi giáo viên của lớp dạy sinh sản bắt đầu nói về phần chúng ta có thể nghe thấy những tiếng gì trong khi sinh mổ, tôi đã bật cười và bị mọi người quay lại nhìn như thể người ngoài hành tinh vậy. Sau này, tôi cũng cười đùa khi nói về vấn đề này với bác sĩ phụ sản của tôi và cô ấy nói rằng, tôi cứ việc lạc quan đi và hãy hy vọng rằng tôi có thể sinh thường như tôi hằng mơ.

Tôi tin chắc rằng có những việc khi bạn không biết rõ thì nó có vẻ tốt đẹp đấy, cho đến tận khi bạn trải nghiệm nó. Tôi cũng nghĩ rằng có những lúc chính tri thức, sự hiểu biết sẽ đem lại cho bạn sức mạnh và giúp bạn kiểm soát tình hình.

Khi tôi phải phẫu thuật sinh mổ, tôi ước rằng có ai đó đã nói trước với tôi những sự thật kinh hoàng này, như thế tôi đã có thể chuẩn bị sẵn tâm lý. Cảnh báo những người muốn được ngạc nhiên: tôi sẽ tiết lộ hết ở dưới đây đấy.

Một sự thực buồn cười: người ta để bạn nằm trên bàn mổ hình chữ T

Vì thế hai tay của bạn sẽ dang rộng ra hai bên, bạn sẽ chẳng động đậy được nhiều. Như thế thì bác sĩ mới làm việc được, nhưng nằm trên bàn mổ như thế khiến tôi cảm thấy sợ hãi.

Tôi biết là hình dạng của bàn mổ có vẻ chẳng liên quan mấy, nhưng khi bạn đã biết trước thì dù sao cũng sẽ không bị bất ngờ - đặc biệt là khi bạn phải phẫu thuật khẩn cấp. Khi bạn nhìn thấy một cái bàn mổ kì lạ mà bạn chưa từng thấy với lỉnh kỉnh các dụng cụ y tế, bạn sẽ bị mất phương hướng và sốc.

Vì thế, tôi nghĩ một điều quan trọng mà bạn phải biết trước khi vào phòng sinh mổ, đó là hai tay của bạn phải duỗi thẳng sang hai bên trong suốt cuộc phẫu thuật.

Bạn có thể cảm nhận mọi thứ đang diễn ra với cơ thể mình

Bác sĩ của tôi khẳng định rằng cô ấy đã tiêm thuốc gây tê liều mạnh nhất trong một ca sinh mổ cho tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy từng mũi kim đường kéo. Sau khi tôi hồi phục sau phẫu thuật, tôi có thể cười khi kể về nó (mặc dù tôi vẫn lo lắng khi lên kế hoạch cho lần sinh thứ hai của mình), bác sĩ của tôi thừa nhận rằng quá trình sinh kéo dài đến 24 giờ đồng hồ thì thuốc gây tê cũng mất hết tác dụng khi tôi lên bàn phẫu thuật.

Nhung dieu ve sinh mo tuong da cu ma rat it nguoi biet

Đây có thể là nhược điểm của những ca sinh mổ khẩn cấp, và một trong số những lý do tôi chọn sinh mổ cho lần sinh thứ hai của mình đó là vì lần thứ nhất đã sinh mổ thì khả năng phải phẫu thuật là khá cao. Tôi không muốn rặn đẻ cả ngày trời rồi sau đó lại bị đưa vào phòng mổ, rồi lại trải nghiệm những cảm giác kinh khủng như ca phẫu thuật đầu tiên: bên trong dường như bị đốt cháy, ruột đau rát vì bị chọc vào rồi khâu.

... Nhưng có thể bạn không cảm nhận được chân mình một lúc đấy

Gây tê ngoài màng cứng khiến tôi cảm thấy mình như là một chú voi với đôi  chân nặng nề kinh khủng. Đó là do tác dụng của thuốc tê và tôi không thể cảm nhận được đôi chân của mình.

Khi tôi được đẩy vào phòng cấp cứu, tôi nhận ra rằng chân phải của tôi đang để ở một góc không thoải mái lắm, và tôi không thích chân mình cứ để mãi như thế trong suốt cuộc phẫu thuật.

Tôi đã nhờ y tá kéo chân tôi xuống một chút, nhưng cô ấy có làm gì đi chăng nữa thì tôi vẫn không cảm thấy thoải mái. Tôi bắt đầu nghĩ rằng chân mình sẽ mãi ở vị trí khó chịu ấy, hoặc là tôi cứ nằm trong tư thế ấy cho đến hết 45 phút của cuộc phẫu thuật.

Tôi không bao giờ quên cảm giác ấy, chân phải của tôi như nặng đến cả trăm cân và tôi phải nằm trong một tư thế mất tự nhiên mà tôi không thể thay đổi được. Đôi chân cứ nặng như thế cho đến vài giờ sau cho đến khi có bé con của tôi đánh lạc hướng, nếu không tôi vẫn cứ tập trung vào cảm giác khó chịu ấy.

Mọi chuyện nhanh hơn bạn tưởng nhiều

Từ lúc bác sĩ bắt đầu phẫu thuật cho đến khi bạn gặp được con mình tưởng như chỉ mất 5 phút mà thôi (các thủ tục khác chỉ mất 10 phút hoặc ít hơn).

Khoản tệ nhất là sau khi họ lấy em bé ra

Tôi chắc rằng mỗi bệnh viện ở mỗi thành phố có những chính sách khác nhau, nhưng ở bệnh viện mà tôi sinh đứa trẻ đầu lòng, sau khi bé chào đời, tôi chỉ được ôm bé một lúc và cả nhà cùng chụp một bức ảnh gia đình, sau đó thì chồng tôi và con tôi đều phải ra nngoài. Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất đối với tôi.

Tại thời điểm ấy, tôi chỉ ước có ai đó nắm lấy tay tôi. Tôi run rẩy vì đủ các loại thuốc, và rất lo lắng cho con của mình, đồng thời cũng sẵn sàng để ra khỏi phòng phẫu thuật. Cứ cảm giác như lúc khâu lại kéo dài rất dài, và khi phẫu thuật lâu như thế, tôi chỉ sợ có gì đó không ổn.

“Xin lỗi cô, chỉ mất vài phút nữa thôi”, bác sĩ của tôi hứa hẹn. “Mọi chuyện có ổn không?”, tôi thấp thỏm lo âu. “Vâng, tôi chỉ muốn làm cho thật đảm bảo thôi”, cô ấy nói. Tôi đã chẳng vui lòng như mình biểu hiện, tôi đã chửi thề trong đầu.

Tất nhiên, tôi đã được phẫu thuật nhờ bàn tay của một người bác sĩ đầy năng lực, nhưng tôi ước rằng tôi biết trước lúc mổ lấy bé ra thật ngắn ngủn, còn lúc chờ khâu lại dài đằng đẵng đến thế (khoảng 45 phút hoặc hơn).

Bạn sẽ cảm thấy mình như là người duy nhất đứng trên sân khấu của một chương trình tạp kĩ kì quặc

Những bà mẹ sinh thường đã sớm được về nhà, họ chỉ phải ở bệnh viện 24 - 48 tiếng thôi. Tuy nhiên, chúng ta, những bà mẹ sinh mổ phải ở lại rất lâu. Tôi đã nằm viện 5 ngày, ở cữ như thể không bao giờ kết thúc. Tôi ở cùng phòng với một bà mẹ khác cũng vừa sinh, và cô ấy rời đi ngay vào sáng hôm sau, để lại mình tôi với những đêm dài cô đơn tịch mịch.

Tôi trở nên quen thuộc với mọi bà mẹ khác, thời gian như đóng băng khi cứ chứng kiến họ đến rồi lại đi. Mỗi khi có một bà mẹ đến chờ sinh, tôi lại thấy thời gian quay ngược trở lại, tôi bế tắc ở đó và đầu óc hoàn toàn trống rỗng.

Bạn phải chịu di chứng sau sinh mổ

Lần đầu tiên tôi nhìn vào bụng mình trong gương sau khi sinh mổ, tôi suýt nữa thì hét lên. Những gì tôi nhìn thấy là không thực, vì trông nó như phim kinh dị ấy.

Nhung dieu ve sinh mo tuong da cu ma rat it nguoi biet

Nhìn tổng thể, bụng của tôi xệ xuống, có những vùng da nhăn nheo, kéo dài đến tận vùng kín. Ngay phía trên, vết mổ trông như cái miệng rộng . Xung quanh nó đỏ, sưng, viêm, vùng bụng như đang bĩu môi vào mặt tôi. Tôi điên cuồng tra trên Google xem chuyện gì đang xảy ra với cơ thể mình và tôi phát hiện ra đó là một phần di chứng sau sinh mổ. Di chứng ấy là khi vết mổ sinh sưng lên (như tôi).

Tuy là di chứng của tôi đều biến mất sau một thời gian, nhưng tự nhiên khi nhìn thấy vết sẹo xấu xí thì người phụ nữ nào mà chẳng kinh hoàng cơ chứ.

Sẽ chảy máu. Rất nhiều máu

Một điều bất ngờ khác về sinh mổ? Thực tế là tôi vẫn chảy máu âm đạo. Tôi cứ nghĩ rằng sinh mổ sẽ không để lại di chứng xấu xí gì nữa ngoài một đôi chân khuỳnh to hay quần lót rộng như của bà ngoại. Vâng, tôi đã sai. Có sinh mổ hay không, tôi vẫn chảy máu trong 6 tuần liền. Tôi nghĩ điều này thật là bất công.

Bạn sẽ phải mặc đồ lót đặc biệt

Bởi vì ở bụng bạn có vết mổ nên bạn phải mặc quần lót sao cho không chạm vào vết mổ đó, vì thế có thể bạn sẽ không thể mặc những bộ bikini nóng bỏng xẻ thấp trong một thời gian.

Đa phần phụ nữ đều quyết định mặc quần lót lưới mà bệnh viện tặng cho họ (dù sao thì cũng khá là quyến rũ). Cơ thể của tôi, thật không may, không thích ứng được với nhãn hiệu đó, vì thế vùng da của tôi nổi mẩn lên theo từng vết lưới. Mẩn ngứa kéo dài những vài tuần. Vì thế, cứ mặc quần lót dành cho bà ngoại thôi.

Khi quan hệ vẫn còn đau

Bạn cứ đinh ninh rằng sinh mổ là sẽ thoát khỏi những đau đớn mà các bà mẹ sinh thường sẽ gặp phải, đúng không? Ồ, không hề. Không đúng đâu. Tôi nhớ một hôm, tôi cùng những bà mẹ ở Brooklyn cùng ngồi trong một phòng khách ấm cúng và mỗi người kể về câu chuyện sinh đẻ của mình.

Tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì, bằng cách nào đó, “nơi đó” đều có những triệu chứng đau đớn giống nhau, ngay cả khi trong chúng tôi mỗi người sinh một kiểu.

Sau đó, chúng tôi đều nhớ ra một vài nguyên lý khoa học cơ bản, sau khi sinh con lượng estrogen giảm thấp, hơn nữa cho con bú cũng ảnh hưởng đến estrogen, và có thể đó là nguyên nhân dẫn đến chứng khô âm đạo.

Nhung dieu ve sinh mo tuong da cu ma rat it nguoi biet

Mất hơn 6 tuần để bình phục

Tôi nhớ vết sẹo của tôi luôn nhức nhối và ngứa ngáy cho đến cuối tuần thứ sáu. Trên thực tế, trung thực mà nói thì cảm giác ấy đối với tôi kéo dài hơn 6 tháng.

Sinh mổ ảnh hưởng đến các mô sâu trong cơ thể, và gần như là các mô ấy không thể bình phục hoàn toàn. Vì thế, trong khi vết sẹo bên ngoài như đã lành rồi thì vết thương bên trong phải mất kha khá thời gian. Khi sinh cả hai đứa, tôi nghĩ mình bình phục trong khoảng từ 9 tháng đến một năm.

Thu Phương
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI