Nghiên cứu chỉ ra rằng: Trẻ sơ sinh đã có bản năng hướng thiện mạnh mẽ

20/12/2016 - 11:29

PNO - Kết quả chung cho thấy, con người ta thường bỏ qua lợi ích cá nhân để không phải hợp tác với kẻ xấu, các nhà nghiên cứu nói, và thói quen này có từ khi chúng ta còn rất nhỏ.

Dường như con người có bản năng hướng về điều tốt rất mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu về tâm lý, khi có ai đó lừa người khác, phá vỡ luật lệ hoặc cư xử một cách tồi tệ thì chúng ta, theo bản năng, sẽ tìm cách để ngăn chặn người đó lại. Chính thói quen trong tiềm thức này đã giúp con người gắn kết lại với nhau, và đó chính là bước tiến đáng kinh ngạc của nhân loại.

Điều đáng nói ở đây là bản năng đối với những người xấu, cư xử bất công hoặc vô đạo đức cũng xuất hiện ở trẻ em, thậm chí ở trẻ sơ sinh nữa. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em ngay khi mới được một tháng tuổi đã tìm cách tránh khỏi những người xấu trong xã hội, ví dụ như chia sẻ với họ ít hơn và giúp đỡ họ ít hơn và đáng ngạc nhiên là chúng cũng muốn những người khác làm như thế.

Nhưng bản năng tốt đẹp này mạnh đến cỡ nào, và có gì có thể thay đổi nó được không? Trong một nghiên cứu được công bố mới đây, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm câu trả lời cho câu hỏi đó bằng cách “hối lộ” trẻ nhỏ. Thí nghiệm được dựa trên một nghiên cứu trước đây, theo đó người ta có thể phân biệt người tốt - xấu khi trẻ nhỏ nhận kẹo hoặc đồ chơi từ ai và từ chối món quà tương tự từ ai.

Nghien cuu chi ra rang: Tre so sinh da co ban nang huong thien manh me

Nghiên cứu nhằm đánh giá liệu trẻ em và trẻ sơ sinh có bị cám dỗ bởi những món đồ từ những người không tốt, và nếu có thì món đồ ấy đáng giá đến thế nào.

Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu hỏi 160 bé trong độ tuổi từ 5 - 8 tuổi xem chúng muốn nhận hình dán từ một trong hai nhân vật tưởng tượng, một người cho chúng một miếng hình dán, còn một người cho chúng 2, 4, 8 hoặc 16 miếng, thì chúng sẽ chọn ai? Vì là những đứa trẻ nhỏ ngây thơ, những đứa trẻ trong nghiên cứu này đa phần đều chọn người cho nhiều hình dán hơn.

Rồi sau đó, thí nghiệm lặp lại nhưng bổ sung thêm một yếu tố. Họ nói với bọn trẻ rằng người cho chúng một miếng hình dán là người tử tế, trong khi người cho chúng rất nhiều lại là người xấu tính, anh ta đã đánh người khác. Lúc này, trong nhóm gồm 20 đứa trẻ muốn nhận nhiều hình dán thì có 16 đứa trẻ đã thay đổi và chỉ muốn nhận một miếng hình dán từ người tốt. Chỉ có 4 đứa trẻ vẫn háo hức mong chờ một mẻ lưới lớn mà thôi.

Nhưng đó không phải là tất cả.

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng cũng có thể bọn trẻ chọn người tốt vì chúng muốn làm hài lòng những người làm thí nghiệm mà thôi. Chúng muốn chỉ rõ cho người lớn rằng chúng biết tốt và xấu khác nhau như thế nào nên mới chọn như vậy mà thôi.

Nghien cuu chi ra rang: Tre so sinh da co ban nang huong thien manh me

Để giải quyết vấn đề này, những nhà nghiên cứu đã làm một thí nghiệm tương tự nhưng dành cho một đối tượng khác - trẻ sơ sinh. Theo một nghiên cứu về sự phát triển, chúng ta biết rằng trẻ em chỉ thực sự quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình khi chúng được 3-5 tuổi. Dưới độ tuổi này, chúng còn quá non nớt nên chúng sẽ chẳng hiểu những người làm thí nghiệm làm như vậy với mục đích là gì.

Vì thế, trong một thí nghiệm khác, những nhà nghiên cứu đề nghị 80 trẻ nhỏ trong khoảng 1 tuổi tham gia một bài kiểm tra.

Các thí nghiệm diễn ra trên một sân khấu lớn, với một tấm màn và hai con thỏ nhỏ. Một chú thỏ nhỏ nhảy đến và cho bọn trẻ một cái đĩa với một chiếc bánh quy, trong khi con thỏ còn lại đem đến cho các bé 2 hoặc 8 cái bánh như thế. Cũng như những đứa trẻ lớn hơn, các bé cũng chọn chiếc đĩa có nhiều bánh hơn.

Nhưng rồi sau đó các nhà nghiên cứu bắt đầu cho diễn một vở kịch. Các bé nhìn lên sân khấu, có một con cừu bông không thể mở hộp đồ chơi được. Rồi một con thỏ giúp nó và lấy đồ chơi cho nó, còn con còn lại đóng sầm chiếc hộp lại khiến con cừu chìm trong tuyệt vọng. Tiếp đó, bọn trẻ lại được hai chú thỏ mời bánh lần nữa.

Khi chọn lựa  giữa chú thỏ tốt bụng với một chiếc bánh quy với chú thỏ xấu xa với 2 chiếc bánh quy, bọn trẻ đã nhất nhất chọn chú thỏ tốt, một nhà nghiên cứu nói. Nhưng lại một lần nữa, kết quả cũng có một số khác biệt khi một vài đứa nhỏ chọn chú thỏ xấu với nhiều bánh hơn. Khi chú thỏ xấu đưa ra 8 cái bánh quy, bọn trẻ vẫn có xu hướng chọn số lượng lớn hơn.

Không rõ là do trẻ nhỏ sẵn sàng bắt tay với người xấu, người mà cho chúng nhiều hơn hay là bản thân chúng thích nhiều bánh hơn đến nỗi bản năng tốt đẹp bị lu mờ, hoặc chúng nghĩ lấy nhiều bánh hơn là sự trừng phạt đối với kẻ xấu.

Nhưng kết quả chung cho thấy con người ta thường bỏ qua lợi ích cá nhân để không phải hợp tác với kẻ xấu, các nhà nghiên cứu nói, và thói quen này có từ khi chúng ta còn rất nhỏ.

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI