Đọc xong bài này, bố mẹ sẽ ngừng ngay việc dùng roi để đánh đòn con

18/09/2016 - 06:30

PNO - Nếu bạn là vị phụ huynh đang dùng đòn roi để ép trẻ vào quy củ thì bạn cần phải đọc và nghiên cứu kĩ hơn về những tác động tiêu cực của loại hình phạt này đối với trẻ.

Trừng phạt thể xác nghĩa là gì?

Trừng phạt thể xác là mọi hành động làm đau trẻ em khi phạt chúng. Hình phạt bao gồm các hành vi sử dụng vũ lực như đánh, ném đồ vật vào trẻ, tát, bắt trẻ chạy vòng quanh,... hay đơn giản là bắt trẻ đứng im một chỗ trong nhiều giờ liền.

Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ đều sử dụng phương pháp bạo lực này như một hình thức kỉ luật để dạy trẻ em hành động đúng đắn hơn thì các nhà nghiên cứu lại cho rằng: Đánh đập hoặc làm đau trẻ chỉ đem lại tác dụng hoàn toàn trái ngược.

Theo các nghiên cứu, cách thức trừng phạt này không những chẳng mang lại hiệu quả gì trong việc giáo dục trẻ em mà về lâu về dài còn gây ra các vấn đề khác cho trẻ, ví dụ như tính hiếu chiến hay hành vi chống đối xã hội.

Doc xong bai nay, bo me se ngung ngay viec dung roi de danh don con

Trừng phạt thể xác đang được sử dụng rộng rãi

Theo tiến sĩ Liz Gershoff - nhà tâm lý học, phó giáo sư đang làm việc tại Cục Phát triển Con người và Khoa học Gia đình (ĐH Texas - Mỹ), có đến 83% trẻ em ở Mỹ bị bố mẹ đánh đòn khi học lớp 5.

Về phía bố mẹ, có đến 77% đàn ông và 65% phụ nữ được khảo sát cho rằng đôi lúc trẻ em phải bị "ăn đòn" - kết quả của một cuộc khảo sát xã hội thường niên của ĐH Chicago cho biết.

Một nghiên cứu khác từ ĐH Michigan và ĐH Wisconsin cũng chỉ ra rằng ngay cả trẻ từ sơ sinh cho đến một tuổi trong các gia đình ở thành thị cũng bị đánh đòn. 30% trong số các bà mẹ được hỏi trả lời là "đã từng" về việc đánh con khi con được một tuổi.

Điều đặc biệt đáng quan ngại mà các nghiên cứu trên chỉ ra là: Trẻ em bị đánh đòn ở độ tuổi càng nhỏ thì sẽ càng có nguy cơ trở nên bạo lực.

Tại sao cha mẹ lại đánh con cái của mình?

Bố mẹ có rất nhiều lý do khi chọn hình phạt này. Đối với một số người đã từng bị phạt bằng cách đánh đòn khi còn nhỏ thì họ cũng sẽ đánh con mình khi trẻ mắc lỗi và cho rằng đó là hình phạt hiệu quả nhất để dạy dỗ con cái.

Đối với số còn lại, đánh đòn là một trong những hình phạt mà họ áp dụng với trẻ (cùng với quát mắng, khoán thời gian hay ra điều kiện cho con xem ti vi hoặc chơi máy tính ít hơn,...). Họ cho rằng đánh đòn và những hành vi khác xâm phạm đến thân thể trẻ là hình phạt tốt và hữu hiệu nhất.

Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia, trong đó có Học viện Nhi khoa Mỹ đang ngày càng chỉ ra nhiều bằng chứng về những tác động tiêu cực của việc sử dụng bạo lực để ép trẻ em vào kỷ luật, và khẳng định rằng hình thức trừng phạt này không chỉ không hiệu quả mà còn có khả năng gây tổn hại đến trẻ em.

Doc xong bai nay, bo me se ngung ngay viec dung roi de danh don con

Những tác động xấu khi đánh đòn trẻ em

Đánh đòn và sử dụng các hình thức trừng phạt thể chất khác, chẳng hạn như bắt trẻ đứng im một chỗ trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến những hành vi tiêu cực khác nhau ở trẻ em. Ví dụ như:

- Thái độ và hành vi chống đối xã hội ở trẻ (các hành vi như nói dối, trộm cắp, lừa lọc, bắt nạt bạn bè, hành hung người khác, không tỏ ra ăn năn hối lỗi khi làm những điều sai trái).

- Tăng hành vi hiếu chiến, hung hăng ở trẻ em (một đứa trẻ bị đánh đòn càng nhiều thì càng có khả năng đánh anh chị em, bạn bè hay bất kì ai ở gần chúng).

- Làm trẻ nhận thức sai lầm (chúng sẽ nghĩ rằng cứ sử dụng vũ lực cũng chẳng sao, đặc biệt là khi mình cao to và khỏe mạnh hơn người khác).

- Sự tin tưởng, tình yêu thương, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tại sao đánh đòn không mang lại hiệu quả?

Có rất nhiều lý do giải thích tại sao việc đánh đòn trẻ không phải là phương pháp giáo dục trẻ em hiệu quả. Có lẽ bằng chứng rõ ràng nhất là không một ai có thể chỉ ra rằng việc này có làm bé thật sự thay đổi hành vi hay không. 

Tiến sĩ Gershoff cho biết: "Đánh đòn sẽ không thể dạy cho trẻ em cư xử như cách mà cha mẹ mong muốn. Chúng chỉ sửa chữa được ngay lúc đấy và cũng không biết phải làm gì cho lần sau". Nghĩa là hình phạt này có thể ngăn chặn hành vi của trẻ trong lúc đó, nhưng chúng lại không biết rằng mình đã làm gì sai, sai như thế nào, và lần sau nên làm gì.

Đối với trẻ, cha mẹ là người yêu thương chăm sóc mình nên khi bị bố mẹ đánh, chúng sẽ bị tổn thương sâu sắc và khó có thể quên đi, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ.

Thu Phương (Theo Very Well)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI