Phỏng ở trẻ em người lớn bất cẩn, trẻ đau trọn đời

27/09/2015 - 10:48

PNO - Sự chủ quan, bất cần của người lớn đã vô tình khiến trẻ bị thương tật và đối diện nguy cơ tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong.

Phỏng là tai nạn có thể chủ động phòng tránh, nhưng khoa này của các bệnh viện nhi luôn trong tình trạng quá tải với những đứa trẻ quấn băng trắng toát, vật vã đau đớn.

Vào khoa phỏng là nghe tiếng khóc thét xé lòng vì đau đớn của con trẻ quyện với nước mắt xót xa, hối hận của cha mẹ. Chính sự chủ quan, bất cần của người lớn đã vô tình khiến trẻ bị thương tật và đối diện nguy cơ tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong.

1001 tai nạn phỏng không thể ngờ

Phong o tre em nguoi lon bat can, tre dau tron doi
Bé Hoài H. 2,5 tuổi bị té vào nồi hủ tiếu bị phỏng hết vùng lưng

Dù xã hội cảnh báo nhiều lần, nhưng tình trạng phỏng ở trẻ em vẫn đang có chiều hướng gia tăng về số lượng. Độ tuổi bị phỏng ngày càng nhỏ; nguyên nhân gây phỏng ngày càng mở rộng, ngoài lửa, nước sôi, còn có phỏng điện, ngay cả chén cháo cho trẻ ăn dặm cũng trở thành thủ phạm.

Sáng 7/9, khoa Phỏng - BV Nhi Đồng 2 náo loạn bởi tiếng khóc thét đau đớn của những đứa trẻ đang tập vật lý trị liệu. Bé Đ.N.A., bốn tuổi, ở thị trấn Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, điều trị ở phòng 14, khóc khản cổ khi được mẹ và bà ngoại tập… đứng.

Cánh tay trái còn lành lặn của bé bấu miết vào bà ngoại, miệng cắn chặt vai mẹ không chịu nhả ra. Mẹ con, bà cháu đều khóc ròng. Chị Thu, mẹ của bé ôm con vào lòng dỗ dành:

“Mẹ không muốn làm con đau đâu, nhưng mẹ con mình không tập, sau này con sẽ không đi lại được. Con cho mẹ tập nghen!”.

Chị Thu cắn răng tập tiếp cho con, nhưng vừa xoay chân cho con thì bé tức tưởi: “Mẹ cũng không thương con nữa sao?”. Như có nhát dao đâm vào tim, chị Thu lại bật khóc, dù nhớ rõ bác sĩ (BS) dặn dò: “Chân thằng bé nặng lắm, nếu không cố gắng tập thì bé sẽ tàn tật suốt đời”.

Chị Thu kể, tối 30/8, nhà chị tổ chức tiệc nướng, một người bạn chủ quan lấy cồn đổ vào bếp than đang cháy để nướng thịt. Lửa phụt lên bén vào bé A. đang chơi gần đó làm cháy mặt, tay phải, mông và hai chân của bé.

Oái oăm hơn, khi sơ cứu, một người đã lấy nước mắm tưới lên người bé A. khiến vết thương càng trầm trọng hơn. Chị Thu uất nghẹn: “Nhìn con mình mới lành lặn, chạy nhảy đó mà giờ nằm đau đớn thế này, tôi nát lòng”.

Trường hợp của bé Thiên P., ba tuổi, ở Q.7, được BS Nguyễn Quốc Hải ví như “bị trụng nước sôi”. Mẹ bé làm nghề bán sữa đậu nành, khi nấu sữa sôi trào chị đặt nồi xuống đất mà không hay con mình đứng kề bên. Trong lúc chị lau bếp, bé P. té gọn vào nồi sữa.

Do bé không la khóc nên đến lúc chân nóng ran vì sữa tràn ra, chị mới phát hiện con mình lọt thỏm trong nồi, sữa nóng tràn gần đến cổ, từng mảng da của bé trôi tuột. Bệnh viện xác định P. bị phỏng gần 50% diện tích cơ thể.

Phong o tre em nguoi lon bat can, tre dau tron doi
Bé D. 12 tuổi, bị phỏng toàn thân do nghịch xăng

Tàn tật thể xác và tâm hồn

Theo BS Nguyễn Quốc Hải, phỏng gây nên một chuỗi hệ lụy đối với nạn nhân: đau đớn kéo dài, thời gian điều trị lâu, tốn kém tiền bạc, người thân phải thay phiên chăm sóc.

Đặc biệt, nạn nhân phỏng không chỉ đối diện với nguy cơ tàn tật về thể xác nếu bị phỏng nặng, để lại nhiều di chứng như sẹo lồi, sẹo xấu, co rút, không đi đứng như bình thường, mà còn khủng hoảng tâm lý, “tàn tật” cả tâm hồn.

Với các bé gái bị phỏng ở vùng mặt, vùng ngực nếu để lại tổn thương sẽ tự ti, mặc cảm, khó hòa nhập cuộc sống, có thể ảnh hưởng đến đời sống, hạnh phúc lứa đôi sau này.

Mẹ của bé Tr., ba tuổi, đang nằm ở phòng hồi sức khoa Phỏng, như ngồi trên lửa, gặp ai chị cũng hỏi “ngực của bé có phát triển không…?”. Bé Tr. bị phỏng toàn bộ vùng ngực trong lúc xem anh trai, tám tuổi, chơi nghịch dùng lửa đốt… xăng.

Cả hai bé đều bị phỏng nặng và sâu. Còn bé D., 12 tuổi, người dân tộc Ê Đê ở Gia Lai, dù nằm viện năm tháng nay nhưng người vẫn quấn băng trắng toát.

Bé bị phỏng gần như toàn bộ cơ thể, mặt bị biến dạng, cằm dính vào cổ, tay, chân bị co rút, dù đã ghép da hai lần nhưng di chứng của phỏng vẫn rất nặng nề, người bé còng xuống như một cụ già.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI