Chứng lý và niềm tin

24/04/2018 - 21:33

PNO - Huyền sử, truyền thuyết, thần thoại nên được tiếp nhận bằng cảm xúc và niềm tin. Trong đó, không hoàn toàn là sự thật mà là thấp thoáng hình bóng của sự thật. Truyền thuyết về Hùng Vương nên được tiếp nhận trên tinh thần như vậy.

Mấy ngày nghỉ lễ, “chơi bời” cũng khá nhiều rồi, giờ ngồi ăn tối một mình, có chút rảnh rang nên lướt một vòng Facebook. Và thấy một trong những nội dung post nổi bật nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương cũng lại mang màu sắc khá buồn. Nên đâm ra nhiều chuyện mà viết vài dòng vậy.

Tôi thấy rất nhiều người post những ảnh chế, truyện chế mang sắc thái châm biếm, mỉa mai về truyền thuyết Hùng Vương và ngày giổ Tổ. Một số người khác có vẻ mang tinh thần “khoa học” hơn nhưng thực ra cũng đầy báng bổ khi đặt những câu hỏi như: “18 đời vua Hùng, vậy thì giỗ ông nào? Mai mốt rảnh quá, bày ra giỗ 17 ông còn lại luôn để nghỉ lễ cho dài”, “Tại sao cha là Kinh Dương Vương, con là Lạc Long Quân mà cuối cùng lại gọi là vua Hùng?”, “Các vua Hùng sống dai quá, “giữ ghế” giỏi quá, toàn ngự đến mấy trăm năm…”.

Đọc mà thấy buồn ghê!

Chung ly va niem tin

Có lẽ, sự gãy đổ của việc giáo dục lịch sử trong nhà trường cùng lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tại VN nhiều năm qua đã dẫn đến kết quả là khoảng trống rất lớn về lịch sử và niềm tin vào lịch sử trong lòng con dân nước Việt. Nhưng nếu đã là người trưởng thành, thuộc thành phần có tri thức, mang tinh thần phản biện, có trong tay thiết bị số và internet, thì chỉ cần google một nhát, đã có thể hiểu vì sao Lạc Long Quân lại là vua Hùng hay 18 vua Hùng thì giỗ vua nào… thay vì “nghi vấn” kiểu mỉa mai, châm biếm…

Và chỉ cần mở lòng một chút, sẽ hiểu rằng thời Hùng Vương thuộc về thời huyền sử. Những câu chuyện về thời ấy, sau này được hậu nhân ghi lại dựa trên cách thức truyền miệng qua nhiều đời, mang tính truyền thuyết và thần thoại chứ không phải là chính sử.

Hơn nữa, về một thời đại mà hệ thống văn tự chưa hoàn chỉnh, thêm cả ngàn năm chống chọi triền miên với người phương Bắc, với sinh tồn, với thiên nhiên… thì khó lòng có thể còn lại những chứng lý lịch sử mang tính chính xác và khoa học như netizen có hệ thống phân tích, lưu trữ và back up dữ liệu ngày nay yêu cầu.

Huyền sử, truyền thuyết, thần thoại nên được tiếp nhận bằng cảm xúc và niềm tin. Tiếp nhận và hiểu rằng trong đó, không hoàn toàn là sự thật mà là thấp thoáng hình bóng của sự thật. Không phải tất cả mọi thứ đều cần phải “thấy mới tin”, phải chính xác chứng lý và luận cứ. Truyền thuyết về Hùng Vương nên được tiếp nhận trên tinh thần như vậy. Giống như các dân tộc khác, người ta tự hào về những câu chuyện thần thoại về tổ tiên mình và đón nhận thuỷ tổ của mình là nữ thần mặt trời, thần ánh sáng, thần gió, thần mưa... bằng niềm tin và cảm xúc. Thời khoa học hiện đại, ai chẳng biết các thể loại thần ấy hoàn toàn không có thật? Họ tin, không phải họ ngu muội hơn chúng ta.

Nói điều này không có nghĩa là tôi kêu gọi mọi người cứ nhắm mắt mà tin rồi cứ thế mà trôi theo huyền sử, dã sử một cách mù quáng. Rất cần những nghiên cứu, những công trình khoa học, cần những tác phẩm phim ảnh, nghệ thuật, văn học… tìm hiểu, lý giải, nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau về thời đại Hùng Vương cũng như nhiều câu chuyện khác của lịch sử dân tộc. Nhưng e rằng tinh thần châm biếm, báng bổ, mỉa mai sẽ khó có thể là xuất phát điểm dẫn đến những hoạt động đó…

Hồi cấp ba, tôi là học sinh của đội tuyển chuyên Sử của tỉnh Phú Yên, được bồi dưỡng chuyên sâu để đi thi học sinh giỏi toàn quốc môn Lịch sử và đạt giải Nhì kỳ thi 1998. Điều này có nhiều bạn bè và thầy cô có thể xác tín, chứ không phải “huyền sử” để nổ về bản thân. Nói về nó, không phải để khoe, mà để kể rằng: Trong lúc ai nấy coi thường môn Sử và cho rằng môn này rất chán, thì chúng tôi đã may mắn có những buổi học rất say sưa. Thầy Thiện, một trong những giáo viên dạy chuyên Sử của chúng tôi, dạy rằng: “Học Sử là để hiểu về quá khứ, ứng xử hợp lý ở hiện tại và vững tin ở tương lai”…

Gần 20 năm qua, vì không theo con đường nghiên cứu lịch sử và cũng bận rộn mưu sinh nên tôi cũng đã quên rất nhiều thứ. Kể cả những kiến thức mà ngày xưa vô cùng tâm đắc, kính trọng. Nhưng lý do tại sao phải học Sử và tinh thần trân trọng quá khứ là một trong những cơ sở nền tảng tạo nên nhân sinh quan và thế giới quan của tôi – như cách mà tôi vẫn nhớ nguyên văn câu nói bên trên của thầy.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự bất tín đang bao trùm nên chúng ta đâm ra nghi ngờ, rồi dễ báng bổ hết thảy. Thực ra, không có một lịch sử để tin tưởng và tôn trọng là một bất hạnh lớn cho chúng ta. Nhưng chuyện của giáo dục, của giới nghiên cứu… là chuyện khác. Còn chúng ta, những người có trong tay tri thức và công cụ, thiết nghĩ nên dùng “tinh thần phê phán” của mình một cách hợp lý hơn.

Tôi viết điều này không có ý lên lớp hay gây hấn với bất kỳ ai. Các anh chị và bạn bè trong friendlist của tôi vui lòng hiểu giúp như vậy. Thời đại Facebook đôi khi cũng sinh ra những cuộc mâu thuẫn rất nghiệt ngã khi có nhiều người có tâm trạng với ý kiến trái chiều rằng “hình như nó đang đá đểu mình”.

Tôi hoàn toàn không đọc hết page của từng người và không có ý nói ngược với một ai đó cụ thể. Chỉ muốn bày tỏ một quan điểm trước một “dòng chảy” nội dung trên Facebook nhân dịp giỗ Tổ của chúng ta mà thôi…

Hoa Lai Pham

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI