Làm dâu: Khốn khổ vì chồng sợ…mẹ la

22/04/2015 - 06:49

PNO - PN - Nhà chồng tôi không giàu cũng không nghèo. Nghĩa là ai cũng đi làm. Có điều… sẽ không được ra riêng khi con chưa đủ 15 tuổi. Đó là “qui ước” mỗi khi có người con dâu, con rể nào đó sắp bước vào ngôi nhà tam đại đồng đường này. Vì yêu chồng, tôi chấp nhận hết. Trước tôi, anh rể thứ 2, chị dâu thứ 3, thứ 4 cũng đã sống ở đây hơn 10 năm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Lam dau: Khon kho vi chong so…me la

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhưng, “ai trong chăn mới biết chăn có rận”. Tôi làm dâu được tròn năm, là ngần ấy ngày phải cùng nấu ăn cho 16 người! Tới bữa, cô dâu mới nhất sẽ được ưu ái “phục vụ” mọi người như lấy thêm trái ớt tươi, lọ tỏi ngâm, cái chén, đôi đũa … Tàn bữa của cả nhà có khi cô dâu mới chưa ăn xong chén cơm! Mặc dù tôi cũng đi làm như bao thành viên khác trong gia đình, nhưng trưa về, trước khi nấu ăn các chị em khác được tắm táp, sau khi ăn được nghỉ ngơi… thì tôi phải lao đầu vào làm vì lý do do mẹ chồng đưa ra “Vợ thằng Năm còn son rổi, gánh việc phụ mấy chị nhé!”.

Tôi gần như quá sức khi cấn bầu. Nhưng đau lòng nhất là thu nhập của vợ chồng tôi (cũng như các cặp vợ chồng khác trong nhà này) đều do mẹ chồng nắm giữ bằng qui định: lương của con dâu/rể thì mẹ dùng vào việc ăn uống. Lương của con gái/trai thì mỗi đứa một tháng góp vào 500 ngàn/tháng phụ điện, nước, gas. Còn lại bao nhiêu thì con gái/trai tự giữ. Tôi không có tiền, chồng có chút ít nhưng anh không cho tôi một khoản nào tiêu vặt vì “Sợ mẹ la. Phải để dành”. Ốm nghén, tôi thèm ăn vặt thứ gì phải chạy về nhà cha mẹ ruột.

Khi tôi sinh con, nhà chồng tôi sắm cho bà bầu và trẻ sơ sinh từng miếng tã và thuốc men, sữa đầy đủ được tròn tháng. Đầy tháng, mẹ chồng bảo do tôi không đi làm, ba con người của gia đình nhỏ chúng tôi bây giờ chỉ có một “đầu lương” của chồng tôi góp vào tiền ăn với đại gia đình nên tôi phải ráng mà tiết kiệm. Tôi hỏi “xin” chồng ít tiền của khoản dành cụm từ trước, anh nói “Không có. Sắm xe hết rồi”. Quả thật có chiếc xe mới chồng tôi đang chạy.

Con được 6 tháng, mẹ chồng bảo để bé ở nhà mẹ giữ để đi làm. Tôi do dự vì mình đi làm, bé sẽ bú sữa bình, khoản tiền này cân đo vào đâu? Xin được ‘ăn riêng” thì may mắn thay mẹ chồng đồng ý. Nhưng chỉ là nấu nồi cơm riêng thôi! Còn bếp gas vẫn xài chung, điện, nước hàng tháng vợ chồng vẫn phải góp gần triệu đồng…

Lam dau: Khon kho vi chong so…me la

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bực bội, tôi nói chồng “ra riêng”, thuê nhà trọ ở. Vợ chồng tự do chăm sóc nhau, yêu thương nhau, hờn giận nhau… Chứ như bây giờ, làm gì cũng ‘sợ mẹ la” thì sao sống nổi?

Nhưng chồng tôi không đồng ý! Anh nói “truyền thống” nhà anh là vậy, hồi tôi sắp ưng anh, đã biết rồi, chấp nhận rồi thì bây giờ phải chịu. Tôi bảo, chịu nhưng chịu ở mức độ nào, chứ vầy sao sống được. Vậy là cả nhà anh ùa vào bảo, không được thì… thôi. Tôi ra đi nhưng không được mang cháu của họ đi! Họ còn nói tôi là kẻ “rách trời rơi xuống” nên mới “vặn nài bẻ ống” vậy. Chứ mấy cặp vợ chồng kia không ai nói gì!

Buồn chưa! Mẹ chồng, cha chồng, em chồng mắng mỏ tôi như thế mà chồng tôi đành lòng nổ máy xe đi. Làn khói mỏng xuyên vào tim tôi trăm nghìn mũi dao nhọn hoắc. Bây giờ tôi vẫn nằm nhà ôm đứa con 6 tháng, muốn đi làm chẳng được, ở nhà cũng chẳng êm. Lòng cứ nghĩ, giá như chồng tôi có một lời phải quấy cho vợ mình thì chắc cuộc hôn nhân này sẽ bền vững.

THÙY PHƯƠNG

Làm dâu là câu chuyện không bao giờ cũ. Mong các bạn tham gia diễn đàn này để được bày tỏ tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm, và cùng nhau học hỏi cách sống hòa hợp với nhà chồng.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

- Trang chủ của phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
- Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI