Để con bớt háo thắng, ganh đua

06/10/2015 - 11:21

PNO - Những đứa trẻ hay có suy nghĩ tranh đua, háo thắng nếu được định hướng kịp thời, thường tạo được những thành tích đáng khâm phục.

Nhiều người hay so sánh con với bạn bè cùng trang lứa, khích con theo cách “sao con không học giỏi như bạn A, bạn B”… Cũng có những phụ huynh lo ngại con mình tranh đua quá dễ dẫn đến háo thắng.

Chị Hoài, ở Q.Tân Bình, TP.HCM, than vãn: “Con bé nhà tôi mới có tám tuổi, mà lúc nào cũng thắng thua. Lúc nào bé cũng muốn mình là người chiến thắng. Bé liên tục so sánh công trạng, thành tích, hình thức bên ngoài và khả năng của mình với các bạn. Tôi rất muốn giúp con kiềm chế tính tranh đua mà chưa biết làm sao?”.

Xét ở góc độ tâm lý trẻ em, trẻ có tinh thần quyết tâm thi đua là hiện tượng bình thường trong sự hình thành và phát triển nhân cách của chúng, cha mẹ không nên quá nặng nề.

Những đứa trẻ hay có suy nghĩ tranh đua, háo thắng nếu được định hướng kịp thời, thường tạo được những thành tích đáng khâm phục. Quan trọng là, cha mẹ phải khéo léo truyền đạt cho con trẻ nhận thấy cha mẹ thương yêu con không chỉ vì những gì con làm được.

De con bot hao thang, ganh dua
Ảnh minh họa - Shutterstock

Con háo thắng do... cha mẹ

Không ít bậc phụ huynh ngạc nhiên khi biết trẻ hiếu thắng, hay có ý ganh đua với bạn bè là do... cha mẹ. Một lúc nào đó, trong cách dạy con, cha mẹ đã bộc lộ bản thân quá chuộng thành tích, khiến trẻ nuôi ý chí tranh đua cùng bè bạn.

Trong cách giáo dục, ứng xử hằng ngày, không ít cha mẹ chỉ đề cao việc khen thưởng khi con đạt kết quả cao và xử phạt khi con thất bại hoặc thua kém bạn bè. Nhiều phụ huynh tỏ ra kỳ vọng vào con quá mức, hoặc bắt con phải gánh giùm ước mơ của mình, bắt trẻ phải giỏi hơn người khác.

Trong trường hợp này, trẻ chỉ biết một cách duy nhất: làm sao để giành được phần thắng. Trẻ suy nghĩ đơn giản, ngây thơ nên muốn thật sự nổi bật chỉ để giành được tình cảm và sự tôn trọng của mọi người.

Lối suy nghĩ đó kéo dài khiến trẻ luôn coi trọng thân thế và quá tham vọng. Điều tai hại là trẻ sẽ không sẵn lòng đối mặt với khó khăn, thử thách. Trẻ cũng dễ bị suy sụp khi mọi việc diễn ra không theo ý mình. Việc trải qua khó khăn, thử thách là cách giúp trẻ trưởng thành.

Cha mẹ không nên đem vật chất hay phần thưởng ra làm mồi nhử. Phụ huynh tránh nói với con kiểu cổ xúy “nếu hôm nay con đạt giải cao nhất thì mẹ sẽ mua cho con chiếc xe điều khiển từ xa”, tránh gây áp lực cho con theo kiểu “trước đây ba thường thắng mọi cuộc thi”...

Không so sánh bé với các bé khác

Những câu nói kiểu như “Con không ngoan như bạn A” không những khó thuyết phục được bé, mà còn tạo cho bé tâm lý thù địch với đứa trẻ được lấy ra để so sánh. Trẻ con sẽ nghĩ rằng “Cha mẹ phê bình mình đều tại đứa kia, nếu không có nó, mình sẽ không bị mắng như thế”.

Do đó, để trẻ bớt tính tranh đua, khi phê bình, cha mẹ nên chỉ thẳng những khuyết điểm của trẻ. Vì trẻ nào cũng có tính sĩ diện, không muốn thua bạn nên việc so sánh với bạn khác làm trẻ không tiếp thu mà còn có những phản ứng tiêu cực.

Nhấn mạnh đến sự cố gắng

Cha mẹ đừng lúc nào cũng tập trung vào việc bắt con mình cố vượt trội hơn những đứa trẻ khác, thay vào đó, cha mẹ hãy nhấn mạnh đến việc phải cố gắng hết mình: “Con hãy cố gắng hết sức vào việc đó”, “Đứng đầu không quan trọng bằng việc biết được mình đã cố gắng hết sức, con nhé!”.

Cho con thấy mặt trái của sự háo thắng

Con bạn có thể không hiểu tại sao sự nỗ lực tranh đua có thể khiến con bị người khác tẩy chay. Cha mẹ hãy giúp trẻ nhận thấy được háo thắng sẽ đẩy tình trạng đua tranh đi quá xa.

Mọi thứ đều trở thành cuộc tranh đua và mục tiêu duy nhất là chỉ biết thắng. Háo thắng và ganh đua sẽ khiến trẻ nghèo nàn về đời sống tinh thần vì bạn bè xa lánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI