Làm gì khi trẻ bị sốt cao co giật?

31/08/2015 - 07:31

PNO - Mắc bệnh do viêm nhiễm trẻ sẽ sốt và co giật khi sốt (CGKS). Phụ huynh (PH) sẽ làm gì khi trẻ rơi vào tình trạng này?

Lam gi khi tre bi sot cao co giat?
Ảnh minh họa - shutterstock

Coi chừng ngộ độc thuốc hạ sốt

 Con gái từng một lần CGKS nên mỗi khi cháu sốt, chị Ngọc Bích (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cứ ám ảnh không ngủ được. Nghe các chị cùng công ty nói thuốc hạ sốt dạng nhét hậu môn có tác dụng nhanh, tốt hơn thuốc uống, nên thấy con sốt, chị Bích nhét một viên. Sau đó con vẫn sốt cao, chị cuống cuồng nhét thêm một viên nữa.

Đưa đến bệnh viện, các bác sĩ (BS) cho biết con chị có nguy cơ bị ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol. Theo các BS, thuốc hạ sốt chỉ dùng khi cơ thể nóng trên 38,5 độ C, nếu sốt không giảm thì bốnsáu giờ sau mới dùng tiếp lần hai.

Thuốc nhét có công dụng như thuốc uống, không vô hại như nhiều người nghĩ vì thuốc vẫn thấm vào máu, có nguy cơ gây ngộ độc thuốc, ngộ độc gan nếu dùng quá liều.

Chị Thanh Thuận (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) kể, có lần con trai bị CGKS, chị lấy ngón tay chèn giữa hai hàm răng của con để ngăn không cho con cắn trúng lưỡi. Lần ấy, ngón tay chị bị bầm, sưng, chảy máu.

Về việc này, lời khuyên của BS là: tuyệt đối không được đút ngón tay vào miệng làm vật cản để ngăn trẻ cắn trúng lưỡi. Co giật làm trẻ mất lý trí tạm thời, nếu chẳng may cắn đứt ngón tay sẽ càng nguy hiểm cho trẻ.

Lần đầu chứng kiến con CGKS, chị Hoài Thu (H.Hóc Môn, TP.HCM) rất hoảng sợ. Nhớ lại lời mẹ dặn: nên vắt chanh vào miệng khi trẻ co giật để hạ sốt, chị vội bỏ con nằm đó, chạy đi tìm chanh. Lúc chị quay trở lại thì con gái không còn co giật nhưng chuyển sang tái xanh, thở khò khè, chị vội đưa con đến bệnh viện cấp cứu.

Theo các BS, khi trẻ co giật, dịch ói từ dạ dày trào lên miệng rất nhiều, nếu để trẻ nằm ngửa, dịch tràn vào phổi gây nghẹt đường thở. Vắt chanh vào miệng, không thể làm giảm nhiệt độ. Nếu vắt chanh khi bé đang làm kinh co giật, hạt hoặc xác chanh có thể khiến bé không thở được và dẫn đến tử vong.

Không thể ngăn cơn co giật

BS Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, sốt là một phản ứng có lợi, là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại vi khuẩn, siêu vi…

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh như viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, viêm màng não… mà trẻ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao.

Do não trẻ chưa phát triển đầy đủ và nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ nên khi sốt cao sẽ kích thích não gây nên cơn co giật. Cơn co giật thường xảy ra khi trẻ sốt cao trên 39 độ C.

Tùy theo cơ địa từng trẻ, có trẻ chỉ khoảng 37,5 độ C đã lên cơn co giật, có trẻ sốt cao 40 độ C nhưng không xảy ra co giật. Hiện tượng này sẽ mất dần khi trẻ được năm-sáu tuổi, lúc não trẻ đã trưởng thành.

Biểu hiện CGKS: trẻ sẽ gồng cứng, co rút người, rung giật toàn thân, mắt trợn ngược, hơi thở nông, khò khè, nghiến chặt răng, mất ý thức tạm thời. Cơn co giật rất ngắn, thường tự ngừng sau vài phút. Các BS cho biết, sốt co giật phần lớn là lành tính.

Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ co giật một lần nhưng lại là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như viêm não, viêm màng não. Vì vậy, các BS khuyên: tất cả các trường hợp co giật, PH đều phải đưa trẻ đến bệnh viện để BS kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân.

Với trẻ có tiền sử co giật từ hai lần trở lên, các BS có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm, đo điện não để biết trẻ có động kinh hay không.

Nhiều PH quan niệm, nhét thuốc trước khi sốt sẽ ngăn được sốt, chặn cơn co giật. BS Đặng Thị Kim Huyên cho biết, theo các nghiên cứu, sử dụng thuốc hạ sốt vẫn không ngăn chặn được cơn co giật. Điều quan trọng của điều trị sốt chính là điều trị nguyên nhân gây ra sốt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI