Chăm sóc da mụn tại nhà

21/07/2015 - 07:15

PNO - PN - Hầu hết mọi người đều trải qua thời kỳ bị mụn trứng cá, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, đến 90% trường hợp chỉ bị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ, mụn có thể hết bằng cách tự chăm sóc ở nhà.

Cham soc  da mun tai nha

Các dạng mụn nhẹ

Trên bề mặt da luôn có sẵn các loại vi khuẩn thường trú. Khi da tăng tiết dầu, làm bít tắc chân lông, những vi khuẩn này sẽ hoạt động, gây viêm và sinh ra mụn trứng cá. Mụn trứng cá nhẹ là dạng mụn cồi đóng (cồi trắng), cồi mở (cồi đen) với số lượng không quá nhiều, dày.

ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu, trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết mụn cồi đóng còn gọi là cồi trắng, là dạng sẩn viêm nhỏ, chứa chất bã nhờn và chất sừng trong đó, cồi mụn không có đường thoát ra ngoài da, khi nhìn thì thấy có những chấm trắng. Về mặt thẩm mỹ, loại mụn này không ảnh hưởng nhiều nhưng bản thân người bị mụn sẽ cảm thấy khó chịu vì khi sờ sẽ thấy cộm tay. Vì vậy, theo thói quen, người bị mụn thường khều, nặn, lể. Hầu hết người bị mụn đều không biết nặn mụn đúng cách nên không chỉ các chất cồi sừng trong phễu nang lông không thoát ra hết mà còn làm bầm giập những mô da lành xung quanh, dễ để lại sẹo, dễ gây kích thích tạo thành sẩn viêm mới.

Dạng mụn cồi đen còn gọi là mụn cồi mở, vì nó có sẵn đường thoát. Trong trường hợp đường thoát rộng, có thể nặn lấy nhân mụn dễ dàng. Tuy nhiên, trường hợp đường thoát chật mà vẫn cố đè để nặn thì sẽ khiến mô da lành xung quanh bị bầm, giập. Loại mụn này nếu không được lấy ra hoặc tiêu đi thì lâu dần sẽ tạo thành mụn ruồi thứ phát. Nguyên nhân do những chất bã nhờn, bụi bẩn chứa trong túi nang lông bị oxy hóa, đồng thời các tế bào hắc tố tăng sản xuất khiến cồi mụn biến thành màu đen, hòa với mô da tạo thành nốt đen như mụn ruồi.

Vệ sinh da đúng cách

Theo BS Trần Thế Viện, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, quan điểm điều trị mụn hiện nay là cần phải kết hợp nhiều phương pháp mới cho hiệu quả tốt nhất, như: chăm sóc da đúng cách, bôi, uống, dùng ánh sáng liệu pháp... Không có phương pháp điều trị mụn tối ưu cho tất cả mọi người, mà tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ có phác đồ điều trị thích hợp. Nếu bị mụn dạng nhẹ (dưới 20 nhân mụn đầu đen hay đầu trắng hoặc dưới 15 tổn thương viêm, hay tổng số thương tổn dưới mức 30), bạn có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách kết hợp các yếu tố sau:

- Vệ sinh mặt đúng cách bằng loại sữa rửa mặt dành cho da dầu, da nhờn, không chứa xà phòng (như Cetaphil, Saforelle, Physiogel, Eucerin), có thể dùng loại có hạt mịn. Rửa mặt hai lần sáng-tối mỗi ngày. Rửa mặt quá nhiều lần có thể làm mụn nặng thêm do gây kích ứng da. Rửa thật nhẹ nhàng, không chà xát mạnh trên bề mặt da, đặc biệt là không dùng khăn để lau rửa.

- Song song đó, nên dùng thêm những sản phẩm (dạng thuốc không cần kê toa) có chứa các chất: salicylic acid, benzoyl peroxide, sulfur, alpha hydroxy acids (AHAs), Beta Hydroxy Acid (BHA) hay tinh dầu từ cây trà, để làm bong lớp sừng chết trên bề mặt da, sừng chết trên phễu nang lông. Các chất trên cũng đồng thời có tác dụng kháng viêm. Với cách này, những mụn nhẹ, nhỏ sẽ tự tiêu. Nếu có làn da nhờn, nên chọn chế phẩm dạng gel; dạng kem phù hợp hơn cho người có làn da khô. Tuy nhiên, một số người có thể sẽ bị dị ứng khi dùng sản phẩm. Để an toàn, nên dùng thử trên một vùng da nhỏ trong ba ngày trước khi bôi trên diện tích rộng.

BS Trần Thế Viện lưu ý: Cần tránh những thói quen xấu như cọ xát mạnh hay cào gãi vì có thể làm nặng thêm tình trạng mụn.

Nên dùng thêm chất làm ẩm da nếu da bị khô và bong vẩy (tác dụng phụ thường gặp khi dùng các sản phẩm bôi mụn). Tuy nhiên, cần lưu ý chọn những sản phẩm có gắn nhãn “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-conmedogenic” (không tạo cồi mụn); tránh dùng mỹ phẩm có chứa dầu vì loại này làm tắc nghẽn các lỗ chân lông.

Người bị mụn trứng cá nên giảm ăn uống các chất ngọt, sữa, béo; giảm căng thẳng và hạn chế thức khuya hay hút thuốc và nên tránh nắng.

Không tùy tiện nặn mụn

ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, tư vấn: Chỉ nặn với dạng mụn nhẹ như đã mô tả ở trên và khi mụn không còn sưng, tấy (sờ vào không đau). Cụ thể, tìm lỗ thoát của mụn, dùng miếng gạc nhẹ nhàng đẩy cho mụn thoát ra. Nếu lỗ thoát chưa đủ rộng thì giúp cho nó rộng hơn bằng cách dùng loại kim lấy ra từ xi lanh vô trùng. Luôn nhớ phải rửa tay sạch sẽ trước khi nặn mụn. Cách thực hiện là đặt đầu kim lên lỗ thoát, xoay nhẹ để lỗ thoát rộng ra mà không gây chảy máu, không gây tổn thương da, dùng gạc đẩy nhẹ hai bên, đè xuống để đẩy dịch ra ngoài.

Sau khi nặn, rửa mặt lại bằng nước sạch chứ không cần thiết phải rửa bằng nước muối. Dùng các mỹ phẩm có tính năng dưỡng ẩm, làm dịu da, kháng viêm nhẹ (như hướng dẫn ở trên) để thoa lên da.

Sau hai-ba tháng áp dụng cách tự chăm sóc mà mụn không cải thiện, bạn nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

 AN HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI