Xứng danh “chi hội chủ động công tác”

26/04/2017 - 13:49

PNO - Từ năm 2003 đến nay, Chi hội phụ nữ (PN) khu phố 2, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào pN của phường

Từ năm 2003 đến nay, Chi hội phụ nữ (PN) khu phố 2, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào pN của phường, cũng là đơn vị đạt nhiều thành tích cấp quận và nhận không ít bằng khen của Hội cấp thành phố, xứng danh “chi hội chủ động công tác”.

Xung danh “chi hoi chu dong cong tac”
Cán bộ Hội khu phố 2, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân của khu phố thăm và tặng quà PN

Tập hợp hội viên theo nhóm đối tượng

Chi hội khu phố 2 hiện có 688 hội viên, chiếm tỷ lệ trên 90% PN từ 18-55 tuổi trên địa bàn. Để hấp dẫn hội viên, chi hội sinh hoạt theo từng nhóm nhỏ: nhóm thể dục dưỡng sinh, nhóm văn nghệ, nhóm PN nuôi heo đất, nhóm PN phòng chống tệ nạn xã hội… Câu lạc bộ, đội nhóm nhiều, và hầu như đơn vị nào của chi hội cũng hoạt động mạnh, hiệu quả. Nhóm PN vay vốn có 40 thành viên, cùng nhau tiết kiệm mỗi tháng 10.000 đồng/người để tạo vốn, giúp nhau làm kinh tế.

Nhóm PN vì người nghèo là những doanh nhân nữ thành đạt trên địa bàn như chị Bùi Thị Tuyết Minh, Phạm Hải Lý… âm thầm trợ giúp các hội viên, PN khó khăn khác. Nhờ những khoản tiền trợ sức của nhóm mà không ít PN bị bệnh hiểm nghèo có tiền chữa bệnh, con em các chị được học bổng đến trường. Riêng đội thể dục dưỡng sinh và nhóm văn nghệ của khu phố luôn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của phường và quận mỗi dịp lễ, tết hay đợt thi đua.

Chị Đỗ Thị Hiền - Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 2 - chia sẻ: “Một bí quyết để thu hút hội viên đến các tổ, nhóm là thành viên ban chấp hành (BCH) chi hội chúng tôi phải chia nhau tham gia sinh hoạt trong tất cả các nhóm, làm trụ cột cho phong trào. Nhờ vậy, các tổ, nhóm mới mạnh và hội viên càng gắn bó với cán bộ Hội nên phong trào mới bền bỉ”. 

Chị Nguyễn Thị Bông Hường - Chủ tịch Hội LHPN P.Hòa Thạnh - nhận xét: “Chi hội PN khu phố 2 là đơn vị mạnh nhất của P.Hòa Thạnh. Từ khi tách quận, thành lập phường đến nay là 14 năm, lúc nào chi hội PN khu phố 2 cũng luôn chủ động tìm ra cách làm và mô hình sinh hoạt phù hợp với hội viên, PN trên địa bàn. Điều đáng quý là BCH chi hội hoạt động đều tay, còn có chị Đỗ Thị Hiền làm đầu tàu khéo léo dẫn dắt phong trào, được hội viên, PN tin yêu, người dân quý mến. Chúng tôi rất tự hào về những cán bộ vừa có khả năng vận động, thuyết phục, vừa là những tấm gương miệt mài vì hội viên”.

“Đầu tàu” năng động

Giữa trưa ngày đầu tháng Tư, dưới trời nắng chang chang, chúng tôi theo chân chị Đỗ Thị Hiền gõ cửa thu tiền góp vốn của các hộ gia đình. Đây là công việc của chị Hiền sau buổi làm việc về vốn ở phường Hòa Thạnh như thông lệ. Là người quản lý nguồn vốn vay của chi hội, chị Hiền không thể thư thả, nhất là trong những ngày đầu và cuối tháng.

Đã vào tuổi 65 nhưng chị Hiền luôn năng động, nhiệt huyết trong công tác Hội. Chị kể: “Mỗi lần họp ở phường, quận về triển khai mô hình mới, tôi thích lắm, chỉ muốn áp dụng ngay ở khu phố mình. Nhớ hồi đọc báo, nghe chi hội ở quận 10 có phong trào nuôi heo đất, tôi về rủ chị em làm liền. Khi Quận Hội Tân Phú phát động lập tổ PN tiết kiệm, tôi cũng về khu phố áp dụng luôn. Nhìn thấy các nhóm văn nghệ, thể dục dưỡng sinh của các quận, huyện có thể là nơi giúp hội viên rèn luyện thể lực, vừa tạo sự vui tươi, sảng khoái cho các chị tuổi trung niên, chúng tôi cũng tổ chức ở khu phố mình một đội…”.

Hăng hái, nhiệt tình và ham làm điều có ích cho hội viên, nên khi Hội PN phường bàn việc thành lập Địa chỉ tin cậy cộng đồng, mọi người lưỡng lự không biết đặt nơi nào, chị Hiền đề xuất ngay địa chỉ nhà mình (495 Kênh Tân Hóa, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú). Gần 5 năm qua, đây là nơi tạm lánh của không ít chị em khi bị bạo hành, gặp rắc rối trong đời sống hôn nhân…

Là người đầu tàu trong công tác Hội ở khu phố, điều khiến chị Hiền luôn trăn trở chính là sinh kế của chị em nghèo. Bởi vậy, có  những nữ công nhân, người lao động ở nhà trọ chưa đủ “tiêu chuẩn” để được vay vốn mưu sinh, chị Hiền vẫn đánh liều đứng ra bảo lãnh cho họ vay. Chị Hiền lý giải: “Nếu mình không liều cùng họ, bí lối, họ có thể vay nặng lãi, khốn đốn lắm”. 

Theo chân chị Hiền, chúng tôi gõ cửa gần 10 hộ gia đình ở khu phố từng có con em vướng vào tệ nạn ma túy. Có người như chị B. có đến ba người con “dính” vào tệ nạn này, hay như chị T. phải bán sạch gia sản để cứu con khỏi “cái chết trắng”… Qua câu chuyện giữa người quản lý vốn vay với các hội viên, PN được chị Hiền bảo lãnh cho vay vốn, mới biết những đồng vốn ấy quý đến nhường nào.

Như lời chị B.: “Số tiền ít ỏi thôi nhưng giúp tôi mở được quán nước ngay nhà, có tiền xoay xở hàng ngày, có tiền gửi về quê để chị gái nuôi H. (đứa con của chị B. đang cai nghiện), giúp con cách ly với bạn xấu. Hơn cả tiền bạc, đó là lòng tin của cán bộ Hội. Lòng tin đó tiếp thêm sức mạnh cho những người mẹ có con em lầm lỗi như chúng tôi, giúp chúng tôi tự tin, cố gắng vượt qua nghịch cảnh”.

Chị B. tiễn chúng tôi, chỉ tay ra con hẻm quang đãng, sạch sẽ: “Đó, phố phường bình yên là nhờ ở tấm lòng của những cán bộ Hội như cô Hiền đây, cô ạ”.

MỸ DUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI