Vượt khó để chăm lo cho cộng đồng

04/06/2018 - 10:34

PNO - Một mình gồng gánh nuôi con, chị Lê Thị Bích và Phạm Thị Tuyết Lan đã kiên cường đi qua sóng gió, sống trọn vẹn nghĩa tình với lối xóm.

Đây là hai trong số 12 gương sáng phụ nữ giữa đời thường vừa được Hội LHPN Q.Thủ Đức biểu dương. 

Chị Lê Thị Bích - sinh năm 1964, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ (PN) 64, khu phố 5, P.Linh Tây - khệ nệ xách túi gạo sang nhà vợ chồng bà Nguyễn Thị Kế và ông Lê Văn Văng, đều đã ngoài 80 tuổi. Thấy bà Bích, ông Văng cười: “Có gạo rồi, có gạo rồi”. 

Vuot kho de cham lo cho cong dong
Ngày nào, chị Bích cũng sang thăm, chuẩn bị bữa ăn sáng cho vợ chồng bà Kế

Gần bốn năm nay, bà Kế bị lẫn, ngồi hoài một chỗ, cơm nước, sinh hoạt cá nhân đều cần người giúp, còn ông Văng bị cao huyết áp, đau khớp và thường lên cơn đau nửa đầu. Cô con gái duy nhất của ông bà - chị Thu Vân - không lập gia đình, trước đi làm tạp vụ, nay ở nhà nhận giữ hai bé cùng khu phố để kiếm tiền chợ. Ngày nào cũng vậy, khi chuẩn bị bữa sáng, chị Bích luôn nấu thêm lon gạo, tô canh mang sang cho vợ chồng bà Kế.

Chị Thu Vân tâm sự: “Má tôi giờ không biết gì, còn ba cứ nửa tháng lại vô bệnh viện. Tôi tiết kiệm dữ lắm mà vẫn thiếu trước hụt sau, may có cô Bích giúp. Cô xem ba má tôi như người nhà. Không chỉ lo bữa ăn sáng mỗi ngày, hằng tháng, cô còn mang cho nhà tôi 10 cân gạo, thùng mì, mắm, muối”. Là một người mẹ đơn thân, gồng gánh nuôi con một mình, chị Bích từng đi lao động ở Đức, sau về địa phương nhận may gia công tại nhà. Hiện con trai đang du học ngành điều dưỡng tại Nhật Bản, chị Bích sống cùng các em gái.

Làm công tác PN đã ngót nghét 20 năm, chị thuộc nằm lòng từng hoàn cảnh gia đình chị em trong khu phố. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương đều khuyết tật, ngày ngày đẩy xe bán bánh bột lọc, nuôi hai con ăn học. Ngoài hỗ trợ nhu yếu phẩm hằng tháng, chị Bích còn xin học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho các con chị Phương. Ông Phạm Văn Tài không có vợ con, thui thủi một mình trong những ngày già yếu, chị Bích kề cận lo thuốc uống, bón từng muỗng cháo cho ông. Ngày ông Tài mất, chị Bích đứng ra lo tang ma. 

“Tôi xuất thân trong cảnh bần hàn, không có gì ngoài hai bàn tay lao động. Con trai qua Nhật bằng học bổng, vừa học vừa làm thêm chứ không cậy tôi chu cấp. Bởi vậy, gom góp được đồng nào từ nghề may và công việc giữ trẻ, tôi đều muốn san sẻ lại cho các cụ già neo đơn, PN khuyết tật” - chị Bích bộc bạch. 

Vuot kho de cham lo cho cong dong
Dù gia cảnh khó khăn, chị Tuyết Lan vẫn luôn lạc quan và tận tâm với công tác hội phụ nữ

Từ đầu tháng Năm, khoảng 3g sáng, chị Phạm Thị Tuyết Lan - sinh năm 1967, Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 5, P.Tam Phú - đã dậy, cùng chị em trong chi hội và đoàn viên thanh niên chuẩn bị hơn 200 phần cơm, canh cho “Quán cơm 3.000 đồng” của khu phố. Đây là bữa cơm giá rẻ nhằm hỗ trợ sinh viên, học sinh, người lao động; quán miễn phí cho hộ nghèo, người già neo đơn, khuyết tật. Nhìn chị Lan thoăn thoắt xúc cơm, múc cháo, miệng cười rạng rỡ, khó biết được rằng, chị đang nặng gánh áo cơm, bệnh tật. 

Năm 2008, chồng chị Lan qua đời sau mấy năm bị bệnh ung thư não và tai biến, nằm một chỗ. Chưa nguôi nỗi đau mất chồng, chị nhận thêm hung tin, cô con gái đầu - Nguyễn Thị Thùy Dương, sinh năm 1989 - bị ung thư vú. Dương mới lập gia đình, sống cùng nhà chồng. Từ ngày con gái đổ bệnh, chị Lan xin đưa Dương về chăm sóc. Bản thân chị Lan cũng bị rối loạn tiền đình, viêm đa khớp mà chẳng dám vào bệnh viện điều trị. Dù cảnh nhà ngặt nghèo, chị Lan vẫn không từ bỏ hoạt động thiện nguyện: phụ đứng bếp nấu 300 phần cháo/ngày, hỗ trợ bệnh nhân Bệnh viện Q.Thủ Đức 2 ngày/tuần. 

Trước chị Lan bán quán cơm, chồng làm công nhân xưởng gỗ. Căn nhà lợp lá, vách đất bị mưa gió làm bay cả nóc, nứt từng mảng đất. Sau khi chồng mất, chị nhận gia công sợi, có hôm 2-3g sáng vẫn còn ngồi bên máy, vừa kịp xong đợt hàng thì chạy xuống bếp nấu cơm, cháo phục vụ cộng đồng. 

Mới đây, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cộng với vay mượn, chị Lan đã sửa được căn nhà tươm tất hơn. Con trai chị - Nguyễn Trung Hiếu - hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, có việc làm ổn định nên cũng đỡ đần được cho chị phần nào. Chị Lan thổ lộ: “Đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi trong vòng luẩn quẩn bệnh tật, khó nghèo nhưng tôi vẫn rất lạc quan. Mình còn cố gắng thì còn hy vọng”. 

Nhắc đến chị Lan, bà Trần Thị Ngọc Trâm - Phó chủ tịch Hội LHPN P.Tam Phú - kể thêm: “Ngoài hoạt động thiện nguyện, chị Lan còn vận động bà con đóng góp 1,5 tỷ đồng bê tông hóa hẻm 470 Tô Ngọc Vân, 40 triệu đồng và 45 ngày công bê tông hóa hẻm 20 đường số 7. Để đảm bảo an ninh trật tự, chị cũng đứng ra vận động các chủ nhà trọ lắp đặt camera an ninh”. 


Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI